Tiền tỷ 'chết dí' tại nhà ở xã hội

Tiền tỷ 'chết dí' tại nhà ở xã hội
Là địa phương “đi đầu” cả nước về xây dựng nhà ở xã hội, nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) ở Hà Nội đang tính đường rút bởi cám cảnh thu hồi vốn “bất khả thi”.

Kế hoạch của TP.Hà Nội là từ nay đến năm 2015 sẽ xây dựng từ 1,1 - 1,5 triệu m2 nhà ở giá rẻ (tương ứng với 15.500 căn hộ). Song trong tình hình thị trường bất động sản bi đát, nhiều dự án nhà ở xã hội cũng chịu chung số phận “án binh bất động”, không thể hoàn thành đúng tiến độ với lý do “muôn thủa” là vướng mắc về cơ chế, vốn và cả quỹ đất.

Trong khi một số dự án vốn đã triển khai trong tình trạng số tiền vay gần chiếm một nửa tổng số vốn thực hiện dự án (như tổng đầu tư cho dự án ở khu Đặng Xá của Tổng công ty Viglacera phải vay đến 58/90 tỷ đồng, Dự án tại khu đô thị mới Sài Đồng của Công ty đầu tư và phát triển nhà ở Hà Nội số 5 phải vay 180/310 tỷ đồng…) thì các DN đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội còn rơi vào thảm cảnh khả năng thu hồi vốn (lấp đầy dự án) chỉ đạt tốc độ “rùa bò” làm hàng trăm tỷ đồng của DN bị “chết dí” ở gần 1.000 căn hộ… trống trong các dự án ở khu đô thị Việt Hưng, Sài Đồng (Long Biên), Đặng Xá (Gia Lâm)…

Về phía khách hàng, nhiều người đã được bốc thăm, nộp tiền nhưng không biết bao giờ mới được nhận nhà do nhiều dự án đến nay vẫn chưa thể hoàn thành vì “đói” vốn. Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài chính xem xét, kiểm soát lại nguồn vốn của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, thu nhập thấp, nhà ở xã hội của các nhà đầu tư và nhấn mạnh, “nếu các đơn vị không đủ năng lực tài chính thì không nên nhận dự án vì như thế ảnh hưởng quá nhiều đến tiến độ hoàn thành”.

Nhà bán đã vậy, tình trạng nhà cho thuê càng không khá khẩm hơn. Giám đốc Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội Trần Đức Sơn cho biết, đến nay, DN mới đăng ký được hơn 536.000 m2 (đạt 33,5%) và thực tế triển khai chỉ khoảng 90.000 m2 (bằng 5% số lượng theo yêu cầu) so với mục tiêu của TP từ năm 2011 đến 2015 dự kiến phát triển 1,6 triệu m2 tương đương 28.750 căn hộ đáp ứng nhu cầu cho khoảng 230.000 công nhân thuê.

Khó lấp đầy dự án khiến các nhà đầu tư “chùn bước”, như ở dự án xây nhà cho công nhân của Khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ), cả năm nay, chủ đầu tư không dám tiếp tục vay tiền để đầu tư (thậm chí còn ý định “chuyển đổi” mục đích) dù chỉ mới xây được 1/4 tòa nhà theo dự kiến.

Kể cả khi đã bán hoặc cho thuê được nhà, khả năng thu hồi vốn kịp thời hạn vẫn gặp nhiều rủi ro, khiến dòng vốn cho các dự án nhà ở xã hội khó được “thông”. Dự án nhà ở Việt Hưng hiện có 174 căn hộ trên tổng số hơn 800 căn cho thuê, mua nhưng chủ đầu tư hầu như không có hy vọng thu hồi vốn bởi “52 hộ thuộc diện gia đình chính sách, sau khi đóng 20% tiền đợt đầu, còn lại 80% "mãi chưa nộp” với lý do cuộc sống khó khăn, tiền ăn còn chưa đủ… dù đã vào ở gần một năm" – ông Trần Đức Sơn phản ánh. Trong khi đó, với thu nhập thực tế quá “hẻo” khiến người lao động không có cửa nào để thuê được một căn hộ ở các dự án nhà ở xã hội vốn có giá thuê lại cao và qui định liên quan khá ngặt nghèo.

Người thu nhập thấp chưa dám mơ về “nhà ở xã hội”

Bà Tô Thị Hạnh - Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển TP.Hà Nội - bức xúc chỉ ra nguyên nhân khiến chương trình nhà thu nhập thấp tại Hà Nội chưa đạt như mong muốn là do “cả DN và người dân chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ phía Nhà nước nên giá bán vẫn còn khá cao, vượt quá khả năng chi trả của người thu nhập thấp”. Không ít trường hợp đủ điều kiện mua nhà, đã được xét duyệt hồ sơ và trúng suất mua nhưng do không đủ khả năng mua nhà với giá “tương đương nhà thương mại” nên đành từ bỏ.

Trên thực tế các dự án nhà thu nhập thấp chỉ được miễn thuế trong năm 2009, được hưởng 10% lợi nhuận định mức khiến DN gặp nhiều khó khăn. Do vậy, những DN nào trót đầu tư thì đành “kiên trì chờ đợi”, các DN có ý định đầu tư thì hoặc rón rén thực hiện để nghe ngóng hoặc “quay 180%” khỏi lĩnh vực ế ẩm, thị trường đang bị bó hẹp này.

Không những giá cao, nhiều dự án được đầu tư tại những khu vực xa dân cư, không có trường học, chợ, hạ tầng chậm hoàn thiện… nên “xây xong không ai muốn đến ở” theo lý giải của ông Nguyễn Xuân Chính (Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội). Điển hình là dự án nhà ở Khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ) được xây dựng ở giữa cánh đồng, các hạng mục trường học, siêu thị hiện mới đang rậm rịch triển khai nên mới chỉ thu hút được khoảng 70% lượng công nhân vào ở.

“Mấu chốt vấn đề là cần phải đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN để hạ giá bán, giá cho thuê nhà ở xã hội giúp DN có động lực đầu tư vào loại hình nhà ở này” – bà Tô Thị Hạnh nhấn mạnh.

Theo Huy Anh
Pháp luật Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG