Phí dịch vụ chung cư như... phụ nữ vào spa

Phí dịch vụ chung cư như... phụ nữ vào spa
Không phải phụ nữ nào vào spa cũng có nhu cầu làm đẹp giống nhau, thậm chí là rất khác biệt từ đẳng cấp, chất lượng… và tất nhiên là cả chi phí. Phí chung cư cũng vậy, nếu áp dụng giá trần cứng nhắc sẽ là không hợp lý.

Phí dịch vụ chung cư như... phụ nữ vào spa

> Bao giờ giá dịch vụ chung cư Hà Nội sát giá thị trường?

Không phải phụ nữ nào vào spa cũng có nhu cầu làm đẹp giống nhau, thậm chí là rất khác biệt từ đẳng cấp, chất lượng… và tất nhiên là cả chi phí. Phí chung cư cũng vậy, nếu áp dụng giá trần cứng nhắc sẽ là không hợp lý.

Cư dân Golden Westlake từng
Cư dân Golden Westlake từng "biểu tình" vì tăng phí chung cư (ảnh: kienthuc.net).

“Điểm mặt” những mâu thuẫn

Mâu thuẫn trong chung cư cao tầng là một tất yếu xảy ra trong quá trình phát triển đô thị. Đối với loại hình nhà ở này, những mâu thuẫn được coi là cơ bản và thường xuyên nhất có thể kể đến là những tranh chấp liên quan đến việc huy động vốn của người dân trong dự án.

Người dân hầu như không có một thông tin nào về việc nguồn tiền ấy sẽ được sử dụng vào đâu, có phải là dự án mình đang mua hay không? Việc người dân “mù” thông tin về chủ đầu tư là tình trạng thường thấy.

Đến khi người dân đến ở, các tranh chấp đó là phí dịch vụ và quản lý mà đằng sau đó là sự tranh chấp về những tiện ích chung. Trong đó, “nóng” nhất có lẽ vẫn là vấn đề tầng hầm của ai và phí dịch vụ chung cư.

Tại Hà Nội, cách đây hơn 1 năm, UBND Thành phố đã ban hành mức trần dịch vụ nhà chung cư. Theo đó, nhà chung cư không có thang máy được quy định với mức giá 2.400 đồng/m2/tháng; nhà chung cư có thang máy - mức thiết yếu là 3.100 đồng/m2/tháng; nhà chung cư có thang máy - mức mở rộng là 4.000 đồng/m2/tháng.

Thực tế, với những nơi có được sự đồng thuận thì không cần áp dụng theo mức giá trên. Tuy nhiên, mâu thuẫn đã nảy sinh tại một số khu chung cư có phí dịch vụ cao hơn hẳn như: tại Keangnam là 15.085 đồng/m2/tháng (chưa có VAT mà trước đó là 21.000đ/m2/tháng), Golden West Lake và Pacific Place 16.720đ/m2/tháng (chưa có VAT).

Đa số các hộ dân tại đây đều tỏ ra bức xúc với cùng một quan điểm: cư dân chỉ cần minh bạch thu chi, cơ sở cấu thành giá phí, còn không bàn đến đắt rẻ, cao thấp. Vậy, đâu là thước đo là cơ sở cho những cơ sở dịch vụ ấy?

Theo một vị tổng giám đốc công ty quản lý và khai thác tòa nhà, câu chuyện này đang gặp sự “bùng nhùng” về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên. Trước kia, nhà nước định nghĩa căn hộ tầng hầm thuộc sở hữu chung của cư dân, sau đó Nhà nước điều chỉnh tùy từng dự án. Nếu căn hộ tầng hầm đó không nằm trong giá thành xây dựng thì thuộc chủ đầu tư, nếu nằm trong giá thành xây dựng sẽ thuộc các hộ dân. Đây là một điểm yếu về pháp lý gây nhiều mâu thuẫn, và nó không có sự rõ ràng.

“Cần phải có sự chứng minh rõ ràng thế nào là của chủ đầu tư, thế nào là của dân và phải có kiểm toán xây dựng. Tuyên bố rõ ngay từ đầu. Nếu như của chủ đầu tư thì chủ đầu tư có phải đóng phí quản lý hay không vì họ đang hoạt động trên sở hữu chung của dân, kể cả các rủi ro phải chịu khi xảy ra.” – vị đại diện này khẳng định.

Đỉnh điểm của mọi mâu thuẫn, xung đột lớn tại Keangnam đều xuất phát từ phí dịch vụ chung cư.
Đỉnh điểm của mọi mâu thuẫn, xung đột lớn tại Keangnam đều xuất phát từ phí dịch vụ chung cư.

Quy định phí dịch vụ: Áp dụng giá trần có hợp lý?

Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành giá dịch vụ chung cư. Sau hơn 1 năm ban hành Quyết định số 4520 phê duyệt Đề án giá dịch vụ nhà chung cư và công bố giá trần dịch vụ nhà chung cư, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã thừa nhận hàng loạt những bất cập khi áp dụng quy định này.

Trong văn bản gửi Bộ Xây dựng ngày 12/7/2012, thành phố đã phân tích rõ: “Do tính chất dịch vụ nhà chung cư rất đa dạng về tần suất, chất lượng và phụ thuộc vào đặc điểm của từng dự án, vì vậy không thể xây dựng được tất cả các loại dịch vụ. Đồng thời, quan hệ giữa người sử dụng dịch vụ và bên cung cung cấp dịch vụ là quan hệ dân sự, giao dịch theo thỏa thuận nên việc Nhà nước quy định cứng để áp dụng là chưa phù hợp… Mặt khác, trong thực tế vận dụng quyết định, nhiều bên đã cố tình hiểu sai nội dung này và cho rằng đây là giá cao nhất được thu đối với dịch vụ nhà chung cư… dẫn tới xảy ra nhiều vụ tranh chấp, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc giải quyết”.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí về vấn đề này, ông Trần Hợp Dũng - Trưởng phòng quản lý kinh tế (Sở Xây dựng Hà Nội) đã có sự ví von khá đặc biệt: “Quy định cứng phí trần dịch vụ chung cư giống như phụ nữ vào các trung tâm làm đẹp. Không phải trung tâm thẩm mỹ nào cũng giống nhau. Bản thân phụ nữ vào spa có nhu cầu làm đẹp rất khác nhau, thậm chí ngay trong cùng một cơ sở dịch vụ thì yêu cầu của mỗi khách hàng cũng đã rất khác biệt từ đẳng cấp, chất lượng… và tất nhiên là cả chi phí.

Phí chung cư cũng vậy, tần suất và yêu cầu về chất lượng dịch vụ rất đa dạng. Do đó, giá dịch vụ chung cư do UBND thành phố công bố chỉ nên để các đơn vị liên quan tham khảo và quyết định dựa trên tình hình thực tế mỗi nơi.”

Trước tình hình đó, UBND Tp Hà Nội đã kiến nghị với Bộ Xây dựng xem xét điều chỉnh “giá trần dịch vụ chung cư” thành “đơn giá dịch vụ chung cư”. Tuy nhiên, lời đề nghị này đã được không được Bộ Xây dựng chấp nhận do không phù hợp với quy định hiện hành tại Nghị định 71 và Thông tư 37.

Câu chuyện về phí dịch vụ chung cư xem ra vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn. Nhưng có một điều mà chắc hẳn tất cả những hộ dân đang sinh sống tại các chung cư đều mong muốn được giải tỏa đó là sự minh bạch trong quản lý vận hành và cung cấp các dịch vụ chung cư.

Đây cũng được xem là mấu chốt quan trọng khiến việc vận hành chung cư tại các nước tuy chỉ dựa trên sự thỏa thuận của khách hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ song không hề nảy sinh mâu thuẫn, cho dù họ không có bất kỳ một văn bản pháp lý nào tương tư như quy định khung giá trần dịch vụ chung cư ở Việt Nam.

Theo Lan Hương
Dân trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG