Toàn cảnh kế hoạch giải cứu BĐS

Toàn cảnh kế hoạch giải cứu BĐS
Liên tiếp những cuộc làm việc của Thủ tướng với Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) gần đây cho thấy quyết tâm “giải cứu” thị trường BĐS của Chính phủ. Hà Nội, TPHCM, nhà ở xã hội… được xác định là những "nút thắt" để "phá băng" thị trường này.
Cơ cấu lại nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội là một giải pháp gỡ hàng tồn kho cho thị trường
Cơ cấu lại nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội là một giải pháp gỡ hàng tồn kho cho thị trường.

Ngay sau kỳ họp Quốc hội lần thứ 4 vừa qua, khi Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình giải trình các vấn đề về tình trạng đóng băng thị trường bất động sản, nợ xấu, hàng tồn kho trong lĩnh vực này. Kế hoạch giải cứu thị trường một cách tổng thể cũng được xây dựng cụ thể.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, tính đến 30-8-2012, cả nước còn “tồn” hơn 16.000 căn hộ chung cư (Hà Nội 2.300 căn, TPHCM 10.108 căn), nhà thấp tầng 5000 căn (Hà Nội hơn 3000 căn, TPHCM 1.800 căn), đất nền 1,6 triệu m2… Tổng giá trị tồn kho ước tính 40.750 tỷ đồng.

Trước Quốc hội, bộ trưởng Dũng cũng kêu gọi các địa phương, Quốc hội cùng đồng lòng vào cuộc, chung tay tháo gỡ vì càng để lâu, nợ xấu trong lĩnh vực này càng tăng thêm. “Nợ xấu bất động sản sẽ ảnh hưởng đến tín dụng, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy tháo “ngòi nổ” BĐS hiện là vấn đề cấp bách và phải làm như… cứu hỏa” – người đứng đầu Bộ Xây dựng nhấn mạnh trong cuộc làm việc với thành phố Hà Nội.

Quan điểm của Bộ trưởng Dũng là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hướng tháo gỡ khó khăn bất động sản được Chính phủ phê duyệt theo đề xuất của Bộ Xây dựng là nhắm tới những người nghèo, để người nghèo được cải thiện nhà ở. Kích cầu bất động sản chính là kích cầu người tiêu dùng. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo hướng chuyển từ căn hộ cao cấp, trung cấp, xuống căn hộ bình dân hoặc chuyển dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Xây dựng đề xuất giảm thuế VAT cho người mua nhà lần đầu để ở, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền sử dụng đất cho DN đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, kiến nghị ngân hàng “nới” tín dụng, cho vay với người mua nhà…

Hướng tháo gỡ cho thị trường này được đánh giá là vừa làm nhiệm vụ kinh tế, vừa kỹ thuật, vừa chính trị, vừa nhân văn.

Một tháng trở lại đây, liên tiếp các quyết sách cũng như hành động cụ thể được Chính phủ đưa ra để triển khai kế hoạch “giải cứu” đã được vạch ra.

Bộ trưởng Xây dựng liên tiếp trình Thủ tướng các dự thảo Nghị định về việc tiếp tục chương trình hỗ trợ nhà ở, thực hiện đối với 510.000 hộ dân nghèo, 71.000 gia đình người có công xây dựng nhà ở với tổng số vốn đầu tư dự kiến trên 7.500 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách, Ngân hàng chính sách xã hội cũng như nguồn lực trong dân, trong cộng đồng cũng đều được xác định huy động để đảm báo trách nhiệm thực hiện.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định về phát triển, quản lý nhà ở xã hội và Nghị định về phát triển, quản lý nhà ở tái định cư.

Ngày 13-12-2012, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng có buổi làm việc với TP.Hà Nội và một số doanh nghiệp BĐS nòng cốt trên địa bàn thành phố để bàn giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường.

Vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay để gỡ khó khăn cho thị trường được xác định là chuyển đổi sang làm nhà ở xã hội vì với khối lượng các dự án BĐS trên địa bàn Hà Nội hiện nay, nếu tất cả đều hoàn thành thì phải rất nhiều năm nữa mới tiêu thụ hết. Vì vậy, rất cần phải kiểm soát phát triển, rà soát, đánh giá lại thị trường để có kế hoạch đầu tư phù hợp.

Về nguồn vốn tín dụng, Bộ Xây dựng ký thỏa thuận với Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) về phối hợp triển khai chương trình nhà ở xã hội giai đoạn 2013-2015, trong 3 năm tới mỗi năm ngân hàng này sẽ dành tối đa 10.000 tỷ đồng cho vay xây dựng và mua nhà xã hội với lãi suất cho vay thấp hơn 10% so với mặt bằng lãi suất cho vay bình quân của các tổ chức tín dụng, thời hạn 15 năm, giá trị tối đa bằng 85% giá trị nhà.

Thủ tướng chỉ đạo trong buổi làm việc với Hà Nội
Thủ tướng chỉ đạo trong buổi làm việc với Hà Nội.

Ngày 18-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành làm việc với UBND TPHCM để bàn cách gỡ khó cho thị trường bất động sản phía nam. Thị trường lớn nhất cả nước này hiện còn khoảng 14.500 căn hộ chung cư chưa bán được, cùng với trên 300.000m2 đất nền, gần 60.000m2 văn phòng chưa giao dịch được với tổng giá trị khoảng 30.242 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng BĐS của TPHCM cũng cao hơn Hà Nội, chiếm khoảng 47,8%, Hà Nội khoảng 23,7%. Đại đa số doanh nghiệp nợ BĐS khó có khả năng thanh toán khi đến hạn do không bán được sản phẩm.

Tại buổi làm việc này, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo NHNN tiếp tục mở rộng hợp lý tín dụng cho lĩnh vực BĐS, nhất là những dự án đang dở dang và có khả năng thanh khoản. NHNN cũng được kiến nghị từng bước hạ lãi suất về mức bình thường (xấp xỉ 10%/năm), người mua nhà được hưởng mức lãi suất bằng 2/3 lãi suất huy động (khoảng 8%), hình thành gói tín dụng dành cho người mua nhà. Giải pháp thực hiện chính sách tài khóa và thuế, Bộ Xây dựng đề nghị cho phép thực hiện miễn, giảm thuế đối với một số loại hình BĐS... Các đề xuất này cũng nhận được sự đồng tình của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ.

Ngày 19-12, một lần nữa, Thủ tướng cùng nhiều thành viên Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp khu vực Hà Nội. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, tồn đọng bất động sản có nhiều nguyên nhân, nhưng đầu tiên là do quản lý nhà nước yếu kém.

Như đề xuất của Bộ Xây dựng, Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết đưa ra gói tín dụng lãi suất thấp cho đối tượng mua nhà xã hội. Thậm chí, Thủ tướng cho rằng, mức lãi suất chỉ 4-5%/năm mới hợp lý.

Thủ tướng cũng đồng ý 6 nhóm giải pháp Bộ Xây dựng nêu ra về tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước với thị trường bất động sản; rà soát, phân loại, cơ cấu lại thị trường và các giải pháp giảm thuế cho doanh nghiệp và cả người mua nhà… Thủ tướng nhấn mạnh, các nội dung này sẽ đưa vào Nghị quyết của Chính phủ để triển khai ngay từ đầu 2013.

Theo Dân trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Hệ thống giao dịch mới 'lỡ hẹn' tác động sao tới chứng khoán?
Hệ thống giao dịch mới 'lỡ hẹn' tác động sao tới chứng khoán?
TPO - Thanh khoản sụt giảm, nhà đầu tư tiếp tục thận trọng sau kỳ nghỉ lễ. Không còn kỳ vọng giao dịch bùng nổ từ việc vận hành hệ thống mới, thực tế KRX thêm lần lỡ hẹn gây thất vọng với thị trường. Trong khi đó, nhóm ngành điện, bất động sản khu công nghiệp bất ngờ giao dịch tích cực.
Bản tin Hình sự: Hai nữ nhân viên tham ô tiền tỷ của công ty để tiêu xài, trả nợ
Bản tin Hình sự: Hai nữ nhân viên tham ô tiền tỷ của công ty để tiêu xài, trả nợ
TPO - TIN NÓNG ngày 2/5: Kẻ cướp giật vé số bị người dân tóm gọn vì nhặt chiếc dép đánh rơi; Bộ Công an yêu cầu cung cấp thông tin tài sản của nhiều cựu quan chức tỉnh Bình Thuận; Thêm ba người tung tin giả 'Đà Lạt có biến' bị công an mời lên làm việc; Hai nữ nhân viên tham ô tiền tỷ của công ty để tiêu xài, trả nợ...