Cần minh bạch dự án nhà ở xã hội

Cần minh bạch dự án nhà ở xã hội
TP - Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở xã hội sáng 9/8, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, cần tạo ra cơ chế, chính sách đảm bảo minh bạch đối với các dự án nhà ở xã hội (NƠXH).

> Nhà thu nhập thấp mua bán tràn lan
> Gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng tại Hà Nội: Tắc đủ đường

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá các Bộ ngành, địa phương, đơn vị đã nỗ lực trong việc thực hiện các dự án NƠXH. Tuy nhiên, thị trường bất động sản tồn kho còn lớn, tăng trưởng tín dụng thấp, việc điều chuyển dự án NƠXH sang thương mại còn chậm.

Nhu cầu về NƠXH rất lớn nhưng nguồn cung vẫn hạn chế. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Phó Thủ tướng chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp, có cơ cấu căn hộ hợp lý; đặc biệt là phải xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đảm bảo tính minh bạch, công bằng.

Gói 30.000 tỷ đồng: Nhiêu khê cho vay

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay rất lớn, khoảng 700.000 căn hộ (Hà Nội cần 110.000 căn, TPHCM cần 130.000 căn...). Riêng số lượng căn hộ NƠXH, cán bộ các cơ quan Trung ương có nhu cầu mua là 30.000 căn. Tuy nhiên, hiện nay không có ngân sách dành riêng cho NƠHX, cơ chế chính sách cũng chưa thực sự thu hút được các DN.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản cho rằng, thủ tục vay vốn ngân hàng còn rất nhiêu khê. “Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng là một chủ trương đúng, nhân dân đang chờ đợi, nhưng cũng có biểu hiện thất vọng khi tiếp cận nguồn vốn” - ông Thành nói.

Chưa mặn mà chuyển đổi dự án NƠXH

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín, ở TPHCM, số dự án xin chuyển đổi thành dự án NƠXH chiếm chưa tới 5% tổng số dự án bất động sản (20/700 dự án). “Tại sao lại chỉ có 5% mà không phải là 90% số dự án xin chuyển đổi, có lẽ cần phải rà lại cơ chế, chính sách?” - Ông Tín nhìn nhận.

Mới chỉ có 150 hồ sơ được vay vốn mua NƠXH

Theo Báo cáo thực hiện gói cho vay 30.000 tỷ đồng đối với NƠXH, đến 31/7/2013, các NHTM đã cam kết cho 150 khách hàng cá nhân vay vốn mua NƠXH. Trong đó, các NH này đã giải ngân cho 139 khách hàng với dư nợ 33,46 tỷ đồng. Đối với doanh nghiệp, NHNN đã xác nhận đăng ký của BIDV được ký hợp đồng tín dụng với 2 khách hàng trong khuôn khổ gói tín dụng này với số tiền là 658 tỷ đồng và BIDV đã giải ngân cho 1 khách hàng với số tiền là 34,3 tỷ đồng.

Theo ông Tín, lý do DN chưa mặn mà do còn băn khoăn về cơ chế ưu đãi. Chẳng hạn, những dự án này khi chuyển thành NƠXH có được miễn tiền sử dụng đất (đã đóng) và được hưởng các ưu đãi khác hay không, liệu ngân sách có cơ chế để hoàn lại cho DN hay không? Ngoài ra, vấn đề lãi suất vay ngân hàng trước đây có lúc lên tới 15-25% thì bây giờ giải quyết thế nào, cũng khiến DN thêm chần chừ.

Còn ở góc độ người dân, ông Tín cho rằng, với mức giá 12 triệu đồng/m2 thì nhiều gia đình ở TPHCM có thu nhập khoảng 8 triệu đồng/ tháng cũng khó có đủ khả năng để mua nhà. “Vai trò của Nhà nước không nên là trung gian môi giới, mà cần quan tâm hơn tới người dân, đảm bảo công bằng, minh bạch hơn, chẳng hạn nên có một chính sách giá nhà chung, không để chỗ này 12 triệu, chỗ kia 15 triệu...” - Ông Tín phát biểu.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ Xây dựng đang kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về phát triển và quản lý NƠXH, nhằm giải quyết những bất cập hiện nay. Cùng đó, Chính phủ nên cho thực hiện các biện pháp nhằm giảm cung nhà ở thương mại, cụ thể là tạm dừng không triển khai các dự án nhà ở, đô thị chưa hoặc mới GPMB khoảng 30%. Các dự án đã GPMB 70%, đang thi công dở dang thì cho tái cơ cấu lại theo hướng tăng căn hộ có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, tới đây sẽ rút ngắn thời gian còn 5 năm sau khi mua NƠXH sẽ được giao dịch trên thị trường tự do (trước đây là 10 năm). Trong thời gian đó, các giao dịch chuyển nhượng vẫn được thực hiện, nhưng giới hạn trong đối tượng có thu nhập thấp hoặc nhượng lại cho chủ đầu tư. Ngay cả khi người mua không trả được nợ, ngân hàng giải chấp thì chủ đầu tư có quyền mua lại chính căn hộ đó.

Nợ xấu cho vay bất động sản là 6,4%

Hôm qua (9/8), Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến cho biết, đến nay dư nợ cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản đạt 242.804 tỷ đồng, tăng 6,3% so với 31/12/2012 (dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế cùng kỳ tăng 4,5%). Tỷ lệ nợ xấu cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản tính đến 30/6/2013 là 6,4%. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.