Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Giá đất khu vực 4 cầu mới sẽ tăng cấp số nhân

'Hà Nội có thêm 4 cây cầu mới thì sẽ có 4 vùng phát triển mới và tôi tin rằng đất tăng giá cấp số nhân”, đây là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 20/9.

Nêu quan điểm xung quanh việc Hà Nội dự kiến thực hiện chủ trương đổi đất lấy hạ tầng là 4 cây cầu bắc qua sông Hồng, tại buổi họp báo quý 3 chiều 20/9, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, khi nguồn lực của đất nước, Chính phủ khó khăn thì việc huy động được hình thức BT sẽ có thêm nhiều công trình thành công, người dân cũng được hưởng lợi.

“4 cây cầu sẽ tạo ra 4 vùng phát triển mới, như ở Đà Nẵng trước đây, có chỗ đất bán không ai mua nhưng khi làm cầu xong thì đất đã được nâng giá lên. Tất nhiên, phải tính toán hài hoà lợi ích cho nhà đầu tư, người dân và nhà nước nữa. Câu chuyện nằm ở chỗ kiểm soát chặt chẽ các khâu và thời điểm định giá đất. Đây là chủ trương đúng đắn, bởi ở Hà Nội có thêm 4 cây cầu mới thì sẽ có 4 vùng phát triển mới và tôi tin rằng đất tăng giá cấp số nhân”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá.

Nói thêm về hình thức đầu tư BT (xây dựng- chuyển giao) khi thực hiện 4 cây cầu này các nhà đầu tư sẽ được đổi đất thế nào, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và môi trường) chỉ ra điểm vướng, khi mở gói thầu về công trình hạ tầng thì phải cho nhà đầu tư biết họ sẽ được bao nhiêu đất, tuy nhiên phải chờ khi nào xây dựng hạ tầng xong thì chúng tôi mới định giá đất cụ thể được.

Được biết, đến nay có các nhà đầu tư lớn đăng ký tham gia đầu tư 4 cây cầu trị giá gần 2 tỷ đồng bắc qua sông Hồng và sông Đuống gồm có Tập đoàn T&T, SunGroup, Him Lam, VinGroup… Các nhà đầu tư bỏ tiền ra làm công trình, thành phố sẽ thanh toán bằng quỹ đất 836ha. Quỹ đất này thuộc địa phận của huyện Đông Anh, Gia Lâm và Long Biên đều nằm ở khu vực phía Bắc Thủ đô.

Cụ thể quỹ đất này nằm rải rác tại các xã Đông Hội, Xuân Canh, Mai Lâm, Dục Tú (huyện Đông Anh); các xã Yên Thường, Yên Viên, Dương Xá, Đông Dư, Đình Xuyên (huyện Gia Lâm) và các phường Long Biên, Cự Khối (quận Long Biên)…

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện tại, cả 3 “ông lớn” địa ốc SunGroup, VinGroup và Him Lam đều đã và đang có kế hoạch lớn phát triển các dự án BĐS lớn ở khu vực bên kia sông Hồng (thuộc huyện Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên).

SunGroup đang triển khai xây dựng Dự án công viên Kim Quy, nằm tại giao lộ giữa đường Võ Nguyên Giáp với đường 5 kéo dài thuộc địa phận huyện Đông Anh, có quy mô diện tích hơn 100ha. Dự án được xây dựng theo mô hình Universal Studios, Disneyland nổi tiếng toàn cầu. Công trình có tổng mức đầu tư 4.600 tỷ, dự kiến hoàn thành sau 18 tháng thi công kể từ khi khởi công hồi tháng 9/2016.

Trong khi đó, tập đoàn Him Lam cũng đã có kế hoạch thâu tóm quỹ đất lớn trước đó khi được giao làm BT dự án nút giao trung tâm quận Long Biên có tổng mức đầu tư 2.847 tỷ đồng. Theo đó, Him Lam được thanh toán bằng quỹ đất 20ha đất tại Dương Xá (Gia Lâm) 320ha đất tại các phường Long Biên và Cực Khôi thuộc quận Long Biên. Dự án nút giao này đã hoàn thành vào đầu năm 2016.

Các siêu dự án của Vingroup, Sungroup và Him Lam.. đang tạo nên một cú hích mới cho bất động sản các khu vực xung quanh như Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh. Cũng vì thế, giới đầu tư địa ốc cũng đã bắt đầu để mắt tới một số khu vực này.

Theo Theo Tri Thức Trẻ
MỚI - NÓNG