Cao ốc Sài Gòn đang 'bóp nghẹt' giao thông

Đường Nguyễn Hữu Cảnh đang "gánh" nhiều cao ốc với hàng chục nghìn căn hộ. Ảnh: Quỳnh Trần.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh đang "gánh" nhiều cao ốc với hàng chục nghìn căn hộ. Ảnh: Quỳnh Trần.
Chỉ dài 2-3 km nhưng nhiều tuyến đường đang "gánh" đến vài chục cao ốc, hàng chục nghìn hộ dân, khiến kẹt xe ngày càng nghiêm trọng.

Là tuyến mới nhất tại cửa ngõ phía Đông TP HCM, nối từ cầu Sài Gòn đến đường Tôn Đức Thắng (quận 1), đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh) dài khoảng 3 km thời gian gần đây là điểm "nóng" kẹt xe của TP HCM.

Trên con đường này hiện có 3 dự án cao ốc lớn cùng nhiều trường học, bệnh viện và một số khu dân cư dày đặc. Ngoài chung cư The Manor với hơn 1.000 căn hộ đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay, hàng loạt cao ốc khác với cả chục nghìn căn hộ san sát nhau, sắp được đưa vào sử dụng gây lo ngại ùn tắc sẽ ngày càng nghiêm trọng.

Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo, tình trạng kẹt xe tại đây "sẽ khủng khiếp" nếu từ bây giờ không có phương án giải quyết.

Hình ảnh nhà cao tầng chen chúc nhau cũng quen thuộc ở nhiều tuyến đường trung tâm TP HCM như Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Tôn Đức Thắng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi... Chúng cũng bị cho là "thủ phạm" làm kẹt xe.

Vấn đề này đã được Đại biểu HĐND TP HCM Tô Thị Bích Châu nêu ra và yêu cầu Sở Xây dựng làm rõ việc cấp phép xây nhà cao tầng ở khu vực trung tâm vì tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng mà cao ốc vẫn liên tục mọc thêm.

Không chỉ ở các khu "đất vàng", mà dọc những tuyến đường huyết mạch của thành phố nhiều dự án nhà ở cao tầng, trung tâm thương mại cũng ồ ạt xây dựng. Nhiều công trình chưa xây xong, đường đã kẹt.

Ở cửa ngõ phía Nam Sài Gòn, đường Nguyễn Hữu Thọ - trục đường chính nối quận 7 và Nhà Bè - cũng là "điểm đen" kẹt xe. Dọc tuyến đường này có hàng chục dự án chung cư với khoảng 100.000 căn hộ.

Bên cạnh hàng loạt cao ốc đã được đưa vào sử dụng, ngay dưới chân cầu Kênh Tẻ nhiều cao ốc đã xong phần móng và đang tiếp tục "cao lên" từng ngày. Vào giờ cao điểm, ôtô, xe máy... phải nhích từng chút một để qua cung đường này.

Ở quận 4, đường Bến Vân Đồn chỉ dài khoảng 2 km nhưng hiện trên trục đường này đã có 12 chung cư, cao ốc, trung tâm thương mại với hàng chục nghìn căn hộ. Ngay sau con đường này, đường Hoàng Diệu cũng có hàng chục tòa chung cư khác đã được đưa vào sử dụng từ trước.

Cao ốc Sài Gòn đang 'bóp nghẹt' giao thông ảnh 1

Cao ốc mọc san sát trên đường Nguyễn Hữu Thọ khiến áp lực giao thông ngày càng lớn. Ảnh: Hữu Nguyên.

Tương tự, đường Phổ Quang (quận Tân Bình) gần cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất dài chưa tới 2 km nhưng có cả chục cao ốc. Phần lớn các dự án đang xây dựng, người dân đến ở chưa nhiều nhưng xe qua đây luôn trong tình trạng có thể kẹt bất cứ lúc nào.

"Việc xây dựng các chung cư cao tầng tràn lan đang gây áp lực rất lớn lên hệ thống giao thông và khiến nhiều tuyến đường trở nên quá tải. Nhiều khu vực hạ tầng giao thông đang trở thành 'nạn nhân' của việc quy hoạch kiến trúc, không gian đô thị chưa phù hợp", ông Phạm Đình Đức - Trưởng Phòng Quản lý Vận tải đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TP HCM) đã khẳng định tại Hội nghị Quốc tế về An toàn giao thông khu vực Đông Á (EASTS) lần thứ 12 hôm 18/9.

Theo ông Đức, thành phố quy hoạch theo định hướng xung quanh các đầu mối giao thông như nhà ga, trạm xe buýt, chung cư... đều gắn với vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, nếu xây dựng đô thị "nén" quá nhiều sẽ dẫn đến lượng người, phương tiện, nhu cầu đi lại tăng và càng khó giải quyết bài toán ùn tắc. Vì vậy, cần có giải pháp, phương án khả thi trong quy hoạch và cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng hiện hữu.

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc cấp phép xây dựng hiện nay đang thực hiện không khoa học. Điều này do Sở Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Giao thông Vận tải phối hợp chưa tốt. Cách làm hiện nay là cấp phép theo quy hoạch hạ tầng tương lai chứ không phải theo hạ tầng hiện tại.

"Quy hoạch cho phép nhà xây 30 tầng nhưng với điều kiện là khi con đường đó được mở rộng lên 30 m, chứ không phải là 10 m như hiện tại. Trong khi thực tế 10-20 năm nữa con đường đó chưa chắc đã được mở rộng mà cao ốc 30 tầng đã mọc lên rồi thì làm sao hạ tầng không quá tải, con đường 10 m làm sao gánh nổi", ông Sơn phân tích.

Hệ quả là nhà nước chịu áp lực vì khi có cao ốc 30 tầng rồi thì phải mở đường để giảm kẹt xe. Nghĩa là thay vì hạ tầng đi trước một bước thì lại phải chạy theo sau như một vòng luẩn quẩn. "Nếu một vài con đường thì còn chịu được chứ hàng trăm, hàng nghìn con đường thì ngân sách đâu mà làm", ông Sơn nói.

Cao ốc Sài Gòn đang 'bóp nghẹt' giao thông ảnh 2

Cầu Kênh Tẻ (nối quận 7 và 4) thường xuyên bị ùn tắc. Ảnh: B.T.

Chuyên gia về xây dựng dẫn chứng, ở các nước phát triển, sau khi làm hồ sơ quy hoạch phải có kế hoạch thực hiện quy hoạch. Trong kế hoạch đó, người ta sẽ tính toán đến hạ tầng tăng như thế nào, mở đường ra sao, mật độ dân cư cụ thể theo từng năm, từng giai đoạn phát triển. Cơ quan chức năng sẽ dựa vào đó để cấp phép sao cho phù hợp với hiện trạng thực tế của hạ tầng. Trong khi đó, ở Việt Nam đang không hề có các kế hoạch này.

"Đây là lỗ hổng rất lớn dẫn đến tình trạng đô thị lởm chởm như thế này. Tuy nhiên, nó thuộc tầm quốc gia chứ không phải riêng TP HCM. Cho nên việc hạn chế cấp phép xây dựng cao ốc ở nhưng nơi quy hoạch và những nơi thường kẹt xe là đúng", ông Sơn nói và đề nghị thành phố cần có quy chế trong cấp phép xây dựng để đảm bảo sự thống nhất của cả 3 Sở, sẽ tránh được tình trạng như hiện nay.

Về vần đề này, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa yêu cầu không giải quyết cấp phép xây dựng cho những công trình cao ốc tập trung đông người trên các trục đường, khu vực chưa đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang rà soát những khu vực hạn chế xây cao ốc và đưa ra các tiêu chí về xây dựng có liên quan. Việc này sẽ hoàn thành vào cuối năm nay để báo cáo UBND thành phố.

Trong giai đoạn rà soát, tất cả dự án xây cao ốc trước khi được Sở Xây dựng cấp phép đều phải qua Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Giao thông Vận tải để đánh giá tác động về giao thông.

Việc cấp phép xây dựng có một tổ chuyên gia do Sở Xây dựng chủ trì (gồm đại diện các sở, ngành có liên quan như Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên - Môi trường, Giao thông Vận tải, Tài chính…) để xem xét từng trường hợp cụ thể. Những trường hợp đặc biệt thì phải xin ý kiến Sở GTVT bằng văn bản về tác động giao thông.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG