Dự án Trung tâm thương mại-chợ Ngã Tư Sở (Hà Nội):

Chợ chính “chết” yểu, chợ tạm còn trơ

Nhiều ki ốt chợ tạm vẫn hoạt động.
Nhiều ki ốt chợ tạm vẫn hoạt động.
TP - Dự án Trung tâm thương mại-chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) đã có thông báo tạm dừng triển khai từ nhiều năm nay, thế nhưng hàng chục ki ốt thuộc khu chợ tạm vẫn không bị dẹp bỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất mỹ quan đô thị.

Bị ngừng kinh doanh, chợ tạm vẫn hoạt động

Năm 2010, gần 800 ki ốt chợ tạm được xây dựng ven sông Tô Lịch (dọc đường Láng thuộc địa bàn quận Đống Đa), để làm nơi kinh doanh tạm của các tiểu thương khi chủ đầu tư thực hiện dự án Trung tâm thương mại-chợ Ngã Tư Sở. Nhưng sau đấy, do dự án bị tạm dừng nên số ki ốt chợ này hầu như bị bỏ trống. Một số ki ốt được cho thuê để các hộ dân kinh doanh. Đến năm 2014, có khoảng 400 ki ốt thuộc địa bàn phường Ngã Tư Sở bị phá bỏ để nhường chỗ cho dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Số ki ốt chợ tạm còn lại chủ yếu nằm trên địa bàn phường Láng Hạ nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, chưa bị dẹp bỏ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ, gây bức xúc cho người dân. Điều đáng nói, bất chấp thông báo ngừng kinh doanh của các ban ngành chức năng, những ki ốt chợ tạm ở khu vực này (đoạn từ ngã tư đường Láng-Lê Văn Lương xuôi về Ngã Tư Sở) vẫn hoạt động kinh doanh buôn bán.

Theo quan sát của PV, những ki ốt còn lại này hoạt động trong tình trạng xập xệ, tạm bợ. Thậm chí, khu mặt tiền của các ki ốt dù đã bị “niêm phong” bằng việc rào chắn các thanh sắt nhưng nhiều hộ kinh doanh vẫn bày bán các mặt hàng như: quần áo, giày dép, mũ bảo hiểm, cây cảnh... Điều gây bức xúc cho người dân sống gần khu chợ tạm và những người lưu thông qua khu này là mùi hôi thối của rác thải, cũng như việc hàng chục ki ốt chiếm vỉa hè của người đi bộ lâu nay.

“Khu chợ tạm này tồn tại nhiều năm khiến cho vỉa hè, lòng đường nhỏ hẹp lại. Việc buôn bán kinh doanh ở đây tràn cả xuống lòng đường, vỉa hè gây ra cảnh lộn xộn, ùn tắc giao thông, chưa nói đến nguy cơ  xảy ra hoả hoạn, cháy nổ. Cảnh này diễn ra đã lâu, nhưng không được các cơ quan chức năng giải quyết, xử lý dứt điểm”, bà Lê Thị Hoà, một người dân ở đường Láng nói.  

Dự án chợ chính chết “yểu”

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Hồng Sơn, Chủ tịch UBND phường Láng Hạ cho biết, đã nhiều lần phường đề nghị chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Ngã Tư Sở dừng ngay mọi hoạt động kinh doanh dịch vụ tại đây vì những hệ lụy của nó gây ra. Năm 2015, trong biên bản làm việc giữa UBND phường với Ban quản lý dự án Ngã Tư Sở, hai bên đã thống nhất chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh dịch vụ trái phép trong chợ tạm.

“Sau đấy phía Ban quản lý dự án đã có thông báo yêu cầu các hộ kinh doanh ngừng việc kinh doanh ở khu chợ tạm. Thậm chí đã tiến hành niêm phong các ki ốt này nhưng đến nay vẫn còn một số trường hợp kinh doanh lén lút. Chúng tôi mong muốn số ki ốt chợ tạm này sớm được dẹp bỏ chứ ngày nào nó còn tồn tại thì còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn”, ông Sơn nói.

Đại diện UBND quận Đống Đa cho biết, dự án Trung tâm thương mại- chợ Ngã Tư Sở đã bị đình trệ từ nhiều năm nay. Năm 2014, trên cơ sở đề xuất của Sở Kế hoạch-Đầu tư, thành phố đã quyết định giao UBND quận Đống Đa tiếp tục quản lý chợ Ngã Tư Sở hiện tại, có kế hoạch cải tạo lại để đảm bảo điều kiện kinh doanh của các tiểu thương. Thành phố cũng đề nghị quận Đống Đa chủ động đề xuất phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ hoặc lựa chọn nhà đầu tư để xây dựng chợ mới. “Đối với nhà đầu tư hiện tại, thành phố yêu cầu nhà đầu tư có trách nhiệm cung cấp toàn bộ, hồ sơ, chứng từ có liên quan trong quá trình triển khai dự án kèm với những đề xuất, kiến nghị để thành phố xem xét, giải quyết, đặc biệt là vấn đề liên quan đến tài chính”, vị cán bộ cho biết.

Liên quan đến dự án này, trước đó UBND thành phố Hà Nội đã giao các ban ngành thu hồi quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Trung tâm thương mại- chợ Ngã Tư Sở; nhà đầu tư trúng thầu thực hiện dự án là Cty CP Đầu tư và Kinh doanh tài sản Việt Nam.

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án Ngã Tư Sở, tổng kinh phí đầu tư dự án chợ tạm Ngã Tư Sở là hơn 25 tỷ đồng. Năm 2013, Hà Nội có thông báo chỉ đạo tạm dừng dự án này với lý do đến thời điểm này dự án không có hiệu quả đầu tư, do ngay sát dự án có tổ hợp mua sắm lớn. Bên cạnh đó, vì dự án nằm ở khu vực nội đô thuộc dự án cao tầng cần kiểm soát theo chỉ đạo của Thủ tướng từ năm 2010. Do vậy, dự án này muốn triển khai phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc sau khi có quy chế quản lý công trình cao tầng của thành phố ban hành.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.