Dân thiếu thông tin về quy hoạch đất

Dân thiếu thông tin về quy hoạch đất
TP - Đa số người dân và cán bộ nói rằng, họ thiếu thông tin về đất đai, đặc biệt là về quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương.

> Luật Đất đai (sửa đổi): Chưa rõ định giá đất kiểu gì
> Nên giao đất theo quy hoạch

Người dân nói về hiện trạng sử dụng đất ở địa phương. Ảnh: Nguyễn Hoài
Người dân nói về hiện trạng sử dụng đất ở địa phương. Ảnh: Nguyễn Hoài.

Viện Nghiên cứu Lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và tổ chức quốc tế OXFAM, hôm qua, công bố kết quả tham vấn cộng đồng để góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Theo ông Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, cuộc tham vấn được tiến hành tại 22 xã thuộc 11 huyện của bốn tỉnh là Hòa Bình, Yên Bái, Long An và Quảng Bình. 1.300 người dân gồm nông dân, người nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ và 300 cán bộ chính quyền địa phương được tham vấn.

 Ở Hòa Bình, đất nông nghiệp loại 2 được bồi thường 55.000 đồng/m2, chỉ bằng trồng rau muống trong vòng một năm 

Kết quả cho thấy, người dân không được tham gia ý kiến vào việc lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất ở địa phương, dẫn đến việc quy hoạch không phù hợp thực tế, không đảm bảo quyền lợi của họ.

Kết quả tham vấn chỉ ra, mâu thuẫn cơ bản trong sử dụng đất nông, lâm nghiệp hiện nay là việc các nông, lâm trường quốc doanh có quyền sử dụng đất đai rộng lớn, trong khi người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất nghiêm trọng.

Về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, kết quả tham vấn cho hay, cách tính giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp hiện nay chưa phù hợp với giá trị sử dụng đất.

Ở Hòa Bình, đất nông nghiệp loại 2 được bồi thường 55.000 đồng/m2 “chỉ bằng trồng rau muống trong vòng một năm”, ông Võ Văn Định, người dân Hòa Bình, nói. Kết quả tham vấn cũng cho thấy nhiều bất cập trong vấn đề định giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Cần cơ chế phân quyền

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng bộ môn Luật Đất đai, Đại học Luật Hà Nội, cho hay, tham chiếu các bất cập từ kết quả tham vấn với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cho thấy, nhiều vấn đề đã được giải quyết. Tuy nhiên, nhiều bất cập vẫn chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa đúng mức.

Các nhà tổ chức tham vấn khuyến nghị cần phải lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương; giao đất của nông, lâm trường quốc doanh sử dụng không hiệu quả cho hộ gia đình, cá nhân ở địa phương.

Về vấn đề định giá đất, các chuyên gia cho rằng, cần tách thẩm quyền định giá đất ra khỏi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất. Việc duy trì cơ chế một cơ quan nhà nước vừa có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất vừa có thẩm quyền quyết định giá đất sẽ dẫn đến nguy cơ tham nhũng và khiếu kiện.

Theo ông Tuyến, khi Luật Đất đai sửa đổi giao thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất cho UBND cấp tỉnh, huyện thì cần giao thẩm quyền định giá đất cho một hệ thống các cơ quan ở trung ương được tổ chức theo ngành dọc.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị cần một cơ chế minh bạch hóa thông tin về nhà đầu tư trong trưng dụng, trưng mua quyền sử dụng đất như công khai thông tin về chủ đầu tư dự án tại cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh.

Thông tin phải gồm tên doanh nghiệp kèm quyết định thành lập, báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán của doanh nghiệp trong ba năm gần nhất, danh sách dự án mà doanh nghiệp làm chủ đầu tư đã hoàn thành và đang thực hiện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.