Dự án cống hóa kênh mương bị 'xẻ thịt': Vẫn đang… rà soát

Dự án cống hóa kênh mương Nghĩa đô bị “xẻ thịt”.
Dự án cống hóa kênh mương Nghĩa đô bị “xẻ thịt”.
TP - Mặc dù nhu cầu về bãi đỗ xe ở Hà Nội đang nóng hơn bao giờ hết, thế nhưng nhiều dự án cống hoá kênh mương với mục tiêu làm bãi trông giữ xe đang bị biến tướng, bị “xẻ thịt” cho thuê kiếm lời. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn không được xử lý.

Cho thuê tràn lan

Dự án cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô được Cty Cổ phần Đầu tư xây lắp thương mại và dịch vụ (Cty ĐTXLTM & DV) thuê, rộng hơn 14.000m2 để thực hiện kết hợp làm bãi đỗ xe và công trình dịch vụ phụ trợ. Theo mục tiêu dự án, nơi đây sẽ trông giữ trung bình gần 200 xe ô tô và khoảng 200 xe máy cho người dân. 

Với địa thế đẹp, dự án Cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô nhanh chóng bị biến tướng trở thành khu thương mại tấp nập. Các quán lẩu, quán bia, cửa hàng nhôm kính vây kín trên đất cống hóa. Hầu như còn rất ít phần đất cho trông giữ xe. Bên cạnh đó, những phần đất để trồng cây xanh, tạo cảnh quan cũng bị đổ bê tông cứng hoá phục vụ các quán lẩu.

Những dự án cống hoá kênh mương bị biến tướng ở Hà Nội không phải là những trường hợp đơn lẻ, cá biệt. Có thể kể đến hàng loạt những dự án cống hóa mương ở Hà Nội, với sự biến tướng muôn hình vạn trạng như: Phan Kế Bính, Thái Hà, Nghĩa Đô, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan…

Sai phạm do không có nhu cầu gửi xe?

Trao đổi với Tiền Phong về dự án cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô được Cty ĐTXLTM & DV thuê, rộng hơn 14.000m2 để thực hiện kết hợp làm bãi đỗ xe và công trình dịch vụ phụ trợ, lãnh đạo UBND phường Quan Hoa cho rằng: “Dự án làm rất chuẩn, ngày xưa là mương thối nay được cống hoá tạo cảnh quan cho cả tuyến phố”. Theo vị này, tổng số đất được giao làm dự án là 14.000 m2, chủ đầu tư xây dựng chuẩn dưới 20% mật độ xây dựng. Toàn bộ 33 cửa hàng ở đó cũng được đăng ký kinh doanh với Sở KH&ĐT Hà Nội.

“Chỉ duy nhất cái sai là đất trồng cây xanh thì lại bê tông hoá, một số thì bán hàng ăn, một số thì trông ô tô, đến đêm nhường chỗ cho các quán lẩu”, lãnh đạo phường nói. Tuy nhiên, phần đất mà vị này nói là “sai phạm duy nhất” cũng lên đến 1.600 m2.

Liên quan đến dự án này, đại diện UBND quận Cầu Giấy cho biết, nếu xét về số lượng trông giữ ôtô và xe máy theo quy hoạch ban đầu chủ đầu tư vẫn đảm bảo 200 xe ôtô, 500 xe gắn máy. Tuy nhiên, do nhu cầu gửi xe máy không có nhiều nên một số điểm chủ đầu tư đã ký hợp đồng cho thuê không đúng mục đích được phê duyệt như khu vực cửa hàng Yamaha, cửa hàng KFC. Sau khi quận có văn bản yêu cầu khắc phục, chủ đầu tư đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng đề nghị được chuyển đổi mục đích cho phù hợp, bởi tiền sử dụng đất hàng năm doanh nghiệp nộp vào ngân sách là khung giá đất thuê kinh doanh với tổng 5 - 7 tỷ/năm, không phải khung giá ưu đãi cho mục đích công ích

Đối với dự án cống hoá kênh mương Phan Kế Bính, sau khi nhận được nhiều bức xúc của người dân, năm 2015, Thanh tra thành phố Hà Nội đã tiến hành rà soát và có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội xác định, Cty Đa Quốc gia đã ký hợp đồng cho nhiều đơn vị, cá nhân thuê địa điểm kinh doanh.

Trao đổi với PV chiều 25/4, ông Lương Xuân Dương, Phó Chánh văn phòng quận Ba Đình cho biết, đã có báo cáo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội theo đúng chỉ đạo. Theo đó, UBND quận đang thực hiện rà soát chủ trương đầu tư mở rộng đường Phan Kế Bính theo hướng thu hồi dự án cống hoá, mở rộng đường theo quy hoạch được duyệt.

Một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thêm, dự án cống hóa mương Phan Kế Bính thuộc UBND quận Ba Đình quản lý nên quận Ba Đình có trách nhiệm đề xuất thành phố Hà Nội cho thu hồi nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng mục đích sử dụng đất đã được phê duyệt ban đầu để chuyển đổi sang các mục đích công ích khác. 

MỚI - NÓNG