Gói 30.000 tỷ: Ưu đãi dân hay doanh nghiệp?

Bên trong một căn nhà xã hội tại Việt Hưng, Hà Nội Ảnh: minh tuấn
Bên trong một căn nhà xã hội tại Việt Hưng, Hà Nội Ảnh: minh tuấn
TP - Hơn 1 tháng kể từ ngày gói tín dụng 30.000 tỷ đồng có hiệu lực (ngày 1/6) đến nay, số doanh nghiệp (DN) được vay ngày một nhiều, còn người dân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều chuyên gia cho rằng, ngân hàng (NH) đang lợi dụng chính sách dành cho người dân để cứu DN.

> 30.000 tỷ hỗ trợ mua nhà ở: Vẫn quá nhiều rào cản

Vốn dồn dập cho doanh nghiệp

Theo Thông tư 11 của NHNN về gói 30.000 tỷ đồng, tỷ lệ 70% cho dân vay, 30% cho DN (tương đương hơn 9.000 tỷ đồng). Nhưng trong bối cảnh tín dụng đang tắc đầu ra, dồn vốn cho DN vay xây nhà ở xã hội là một lối thoát với ngân hàng. Điều này thể hiện khá rõ khi trong vòng 2 tháng qua, hàng loạt hợp đồng trị giá nhiều nghìn tỷ đồng đã được các ngân hàng ký kết với DN. Cùng đó, nhiều dự án nhà xã hội đua nhau làm lễ động thổ để được vay từ gói hỗ trợ và về đích sớm; trong khi người dân vẫn mù mờ trong việc tiếp cận nguồn vốn 21.000 tỷ đồng còn lại.

Về phía ngân hàng, ký được nhiều nhất là Agribank khi nhanh tay cho vay 13 dự án của 10 DN với tổng mức 3.295 tỷ đồng. Trong đó có 6 dự án đã được Bộ Xây dựng đề xuất danh mục dự án nhà ở xã hội được vay vốn, các dự án khác đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục.

Cam kết dành 10.000 tỷ đồng, ngân hàng BIDV cũng dự kiến trong năm 2013 sẽ giải ngân khoảng trên 2.700 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở. Với tỷ trọng được phân bổ 60% cho DN vay và 40% cho người mua nhà, cũng có thể thấy mức độ ưu tiên chủ yếu dành cho DN. “Dù gói 30.000 tỷ đồng được giải ngân trong thời hạn 3 năm, nhưng lãnh đạo ngân hàng có chủ trương trong bối cảnh chưa giải ngân được cho khách hàng cá nhân thì tập trung tối đa cho DN, vay càng nhiều càng tốt. Dự kiến số tiền giải ngân cho các DN xây nhà ở xã hội có thể tới hơn 10.000 tỷ đồng”, cán bộ một ngân hàng TMCP được chỉ định cho vay gói 30.000 tỷ đồng chia sẻ.

Về phía DN, nhờ được tiếp sức, riêng tại Hà Nội, trong tháng 6 vừa qua, hàng loạt dự án nhà ở xã hội được động thổ: Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội); Quốc Oai (Hà Nội) và Đặng Xá II (Gia Lâm, Hà Nội). Như vậy, mới chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội thì số tiền giải ngân từ gói tín dụng quy định ngốn gần 2.000 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng. Không chỉ dừng lại tại các dự án ở Thủ đô, nhiều dự án nhà ở xã hội tại các tỉnh như: Vinh, Quy Nhơn, Bình Dương cũng đua nhau khởi công.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết đã gửi danh sách 40 DN có đủ điều kiện vay gói tín dụng lên Sở Xây dựng. “Ngân hàng phát đi thông điệp, DN nào nộp trước sẽ được vay. Cuộc chạy đua vay gói hỗ trợ của DN đang nóng từng ngày”, ông Châu nói. Theo lãnh đạo của một DN làm nhà xã hội, ngân hàng giải ngân cho DN sớm bởi khả năng thu hồi vốn đảm bảo hơn cá nhân. “Hiện nay, nhiều ngân hàng đang dư vốn nên chọn DN cho vay. Thậm chí, có DN làm nhà xã hội dở dang từ mấy năm trước, nhưng vẫn được lách giải ngân”, vị này nói.

Theo ông Châu, ngân hàng đang cho vay chệch hướng vào DN. Nếu DN chạy đua làm nhà xã hội mà không tính đến nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân sẽ tạo ra nguồn cung vượt cầu. Lúc đó xảy ra hiện tượng thừa nhà xã hội, nhưng người dân vẫn không có nhà.

Dân vật vã đi vay

Đại diện một số ngân hàng cũng thừa nhận, trong khi DN được dồn dập rót vốn, lượng người được vay tiền chỉ đếm trên đầu ngón tay do vướng quá nhiều thủ tục.

Theo thông tin từ Vietinbank, ngân hàng đã ký hợp đồng cho vay vốn mua nhà ở xã hội cho 8 khách hàng ở Hà Nội, cùng nhiều khách hàng cá nhân tại một số nơi như Thanh Hóa, Đà Nẵng…Lãnh đạo Vietcombank cũng cho hay, dù quyết liệt triển khai, song đến nay vẫn chưa giải ngân được bao nhiêu. Đến giữa tháng 6, ngân hàng tiếp nhận được 9 hồ sơ cho vay mua nhà thu nhập thấp, nhưng lại vấp phải vấn đề xác định thế nào là thu nhập thấp. BIDV cũng cho biết, tính đến ngày 25/6, mới giải ngân được 1 - 2 hồ sơ.

Việc ít người được vay một phần cũng do nhiều vướng mắc, như chưa thống nhất trong cơ chế xác định người thu nhập thấp. Mặc dù theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, mức thu nhập thấp là dưới 9 triệu đồng, nhưng mức khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng từ ngày 1/7 mới có hiệu lực. Vì vậy, rất nhiều hồ sơ vay vốn có mức thu nhập dưới 9 triệu đồng phải chờ chính sách.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, gói 30.000 tỷ đồng là chủ trương rất đúng đắn, nhưng việc cụ thể hóa chính sách không rõ khiến nhiều thứ tắc lại. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua người dân không mặn mà với loại hình nhà ở xã hội. Lý do: Nhiều yếu tố như hạ tầng, vị trí, điều kiện đường sá, sinh hoạt đều không thuận tiện. “Với tình hình này, nếu không kiểm soát cẩn thận, nay mai lại có chuyện chuyển vốn từ chỗ nọ sang chỗ kia. Tiếp đó, sau khi các đơn vị ồ ạt chuyển sang xây nhà ở xã hội, có thể sẽ xảy ra tồn kho nhà thu nhập thấp. Những dạng nhà này, nếu không bán được, kể cả giá rẻ, xử lý hệ quả rất phức tạp. Các ngành phải xúm vào gỡ, mới mong thoát được tình trạng luẩn quẩn hiện nay”, ông Kiêm cảnh báo.

Còn Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng là chương trình dài hạn. Tuy nhỏ so với nhu cầu về nhà ở xã hội, nhưng có sức lan tỏa lớn. “Chúng ta không thể hy vọng gói 30.000 tỷ đồng đáp ứng hoàn toàn nhu cầu nhà ở xã hội cho người dân; về lâu dài, phải kết hợp các nguồn lực của Nhà nước, DN, người dân...”, ông Nam nói.

NHNN vừa xác nhận việc đăng ký khoản cho vay tại BIDV bằng nguồn tái cấp vốn cho 2 DN xây nhà ở xã hội. Theo đó, Cty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland được vay từ nguồn tái cấp vốn 117,7 tỷ đồng để triển khai tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Cty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân được vay 540 tỷ đồng đầu tư dự án chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội tại TP HCM.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.