Hà Nội lập hồ sơ thu hồi các dự án bỏ hoang hàng nghìn m2 đất

Khu đô thị Kim Chung-Di Trạch, một trong những đô thị bỏ hoang trên địa bàn huyện Hoài Đức.
Khu đô thị Kim Chung-Di Trạch, một trong những đô thị bỏ hoang trên địa bàn huyện Hoài Đức.
TPO - Cơ quan chức năng Hà Nội đang lập hồ sơ trình thành phố thu hồi các dự án với diện tích hàng nghìn m2 đất đã cấp cho doanh nghiệp nhưng bị bỏ hoang nhiều năm không triển khai.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới đây vừa có văn bản gửi Thường trực HĐND thành phố liên quan đến việc rà soát lại toàn bộ các dự án đã cấp đất cho doanh nghiệp nhưng bỏ hoang nhiều năm không triển khai, cũng như việc thực hiện thu hồi lại đất các dự án này để sử dụng vào mục đích khác theo quy định, tránh lãng phí nguồn tài nguyên.

Theo lãnh đạo Hà Nội, hàng năm thành phố đều giao kế hoạch cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các tổ chức sử dụng đất trên địa bàn và thanh, kiểm tra đối với các trường hợp vi phạm. Cụ thể, trong năm 2016, Sở TN&MT đã triển khai 37 đoàn thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đất đai, đã lập hồ sơ trình UBND thành phố ban hành 2 quyết định thu hồi với tổng diện tích 657,9m2.

Riêng 6 tháng đầu năm 2017, Sở này đã triển khai 13 đoàn thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đất đai, đã lập hồ sơ trình UBND thành phố ban hành 2 quyết định thu hồi với tổng diện tích 100.944m2. Hiện tiếp tục lập hồ sơ trình thành phố thu hồi 3 dự án với diện tích 48.454m2 đất. Bên cạnh đấy, cũng đề nghị gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng 24 tháng (sau Luật Đất đai năm 2013-PV) đối với 14 dự án.

Liên quan đến tình trạng hàng loạt khu đô thị mới, dự án nhà ở bỏ hoang gần chục năm nay tại các huyện ngoại thành như Mê Linh, Hoài Đức…, gây lãng phí và bức xúc dư luận đã được cử tri Hà Nội đề nghị với lãnh đạo thành phố tại các buổi tiếp xúc vừa qua, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đối với các dự án thuộc địa bàn huyện Mê Linh và các huyện ngoại thành khác, trong năm 2016 và riêng 5 tháng đầu năm 2017 đích thân ông đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn với các sở ngành liên quan.

“Tại đây đã họp bàn, kiểm tra lại nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc các dự án của những doanh nghiệp này tại huyện Mê Linh đã được tỉnh Vĩnh Phúc giao cho họ kinh doanh”, ông Chung nói.  Theo ông Chung nguyên nhân các dự án này chậm trễ có nhiều, trong đó có việc có chủ đầu tư chưa nộp nghĩa vụ tài chính về đất đai; có vướng mắc trong việc phê duyệt quy hoạch. Thậm chí có những dự án chủ đầu tư “bỏ chạy” không thực hiện.

Hậu quả của việc dễ dãi phê duyệt dự án

Trao đổi với Tiền Phong, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, gần chục năm nay mà những dự án ven Hà Nội như tại Mê Linh, Hoài Đức… vẫn bị bỏ hoang khi các chủ đầu tư không thực hiện là vi phạm. Bởi tất cả dự án đều có quy định trong thời gian bao nhiêu lâu để khởi công dự án nếu không thực hiện sẽ bị thu hồi.

Theo ông Tùng đây là hậu quả của việc quá dễ dãi trong vấn đề cấp đất, phê duyệt cho các dự án. Ở đây sự dễ dãi này bộc lộ 2 vấn đề. Thứ nhất, là khả năng quản lý của chúng ta kém. Thứ hai là có lợi ích nhóm ở đấy. "Có lợi ích nhóm ở đó nên có nhà đầu tư thậm chí sau khi có đất rồi họ không làm họ sang tay chuyển nhượng kiếm tiền có thể gấp nhiều lần giá trị ban đầu. Thành phố cần khẩn trương thu hồi và xử phạt thật nặng nếu chủ đầu tư không tái khởi động lại dự án. Bởi phạt nặng đảm bảo tính minh bạch trong quản lý đô thị, quản lý đất đai”, ông Tùng nói.

Hà Nội lập hồ sơ thu hồi các dự án bỏ hoang hàng nghìn m2 đất ảnh 1

Cảnh những dãy biệt thự, nhà liền kề hoang tàn, bỏ hoang từ nhiều năm nay tại khu đô thị Kim Chung-Di Trạch (huyện Hoài Đức) 

Trả lời câu hỏi, vì sao số dự án bỏ hoang bị thu hồi còn ít so thực tế, đại diện Thanh tra Sở TM&MT cho rằng, tùy theo mức độ vi phạm mà Nhà nước áp dụng mức xử lý, từ phạt hành chính đến thu hồi đất. Trường hợp vi phạm phải làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan; nhiều trường hợp phải tổ chức thanh tra để có phương án xử lý phù hợp. Vì vậy, không phải trường hợp nào vi phạm cũng quyết định thu hồi đất. Ngoài ra, có trường hợp theo quy định pháp luật phải thu hồi, nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chủ đầu tư có phương án khắc phục khả thi thì cần có thời gian để thực hiện.

"Theo thống kê, riêng địa bàn huyện Mê Linh, từ sau thời điểm hợp nhất đến nay có 47 dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở với tổng diện tích đất khoảng 1.743 ha, trong đó có 14 dự án đã hoàn thành công tác GPMB; 18 dự án đang GPMB; 24 dự án đang xây dựng hạ tầng hoặc công trình kiến trúc".

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.