HoREA: Chưa phải thời điểm đánh thuế lũy tiến nhà đất

HoREA: Chưa phải thời điểm đánh thuế lũy tiến nhà đất
Mặc dù đồng tình với ý tưởng đánh thuế lũy tiến nhà đất nhưng Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng đây chưa phải là thời điểm bàn đến sắc thuế này bởi thị trường còn rất khó khăn.

>'Tồn kho' sổ hồng, lỗi tại ai?
>'Thị trường bất động sản còn rất khó khăn'

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng việc đánh thuế lũy tiến nhà đất chỉ nên nghĩ đến trong thời kỳ thịnh vượng, thị trường bất động sản ổn định, “chứ thị trường đang như con bệnh thế này mà đánh thuế thì không chừng quỵ luôn”.

HoREA: Chưa phải thời điểm đánh thuế lũy tiến nhà đất ảnh 1

Đây là vấn đề trước đây đã được bàn đến, nhưng chưa áp dụng. Và nếu được áp dụng, theo ông Châu, thì người dân sẽ chịu tác động nhiều hơn doanh nghiệp bởi các công ty địa ốc hoạt động theo luật doanh nghiệp.

Ông Châu cho biết ở các nước khác người ta đánh thuế bất động sản bao gồm cả nhà và đất, tính theo giá trị bất động sản. Chẳng hạn như sở hữu một căn nhà tại bang California (Mỹ) người chủ nhà phải đóng thuế hàng năm khoảng 1,2% trên tổng giá trị căn nhà đó.

Vấn đề của thị trường hiện nay là tiền sử dụng đất cả người dân và doanh nghiệp phải đóng một lần nên giá trị phải nộp rất lớn. Do vậy, theo ông Châu, thay vì thu tiền sử dụng đất, nhà nước nên chuyển sang sắc thuế bất động sản để thu lâu dài.

UBND TPHCM, trong báo cáo về thị trường bất động sản ngày 8-11 vừa qua cũng thừa nhận việc thu tiền sử dụng đất một lần khi giao đất tạo áp lực vốn cho nhà đầu tư, đồng thời tạo áp lực tăng giá bất động sản.

Bản báo cáo nêu thực tế, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tiền sử dụng đất chiếm 20-40% cơ cấu giá thành và ngày càng có khuynh hướng gia tăng.

Hiện nay, doanh nghiệp phải chịu hai loại chi phí, gồm tiền bồi thường đất theo giá thị trường và sau đó phải đóng tiền sử dụng đất cho Nhà nước cũng theo giá thị trường khi chuyển mục đích sử dụng đất.

Vấn đề là khi khấu trừ họ không được khấu trừ chi phí thực tế đã bỏ ra khi thỏa thuận với người đang sử dụng đất, dẫn đến một thực trạng doanh nghiệp gần như đã “mua quyền sử dụng đất” hai lần, điều này đã đẩy mặt bằng giá bất động sản lên cao.

Thêm vào đó, giới chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất một lần ngay từ đầu trong khi dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.

Thành phố đề xuất nên hạn chế thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn, thay vào đó nên duy trì nguồn thu lâu dài cho Nhà nước.

Thành phố cho rằng về lâu dài cần nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” và thay vào đó bằng một thuế suất nhất định, khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất.

Làm như vậy, theo ông Châu, thị trường bất động sản vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin-cho.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.