Lập Ngân hàng Xây dựng Việt Nam có cứu được thị trường BĐS?

Lập Ngân hàng Xây dựng Việt Nam có cứu được thị trường BĐS?
Bộ Xây dựng về cơ bản đã đồng ý với đề xuất của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam về việc thành lập Ngân hàng Xây dựng Việt Nam. Trong bối cảnh tín dụng đang cần kiểm soát chặt chẽ, việc thành lập thêm một ngân hàng chuyên ngành có thể cứu được thị trường BĐS?.

Hiện tại, các kênh huy động vốn dài hạn cho thị trường BĐS chưa có mà hệ thống ngân hàng đang phải gánh toàn bộ trọng trách này. Việc vốn cho thị trường BĐS dồn hết lên vai ngân hàng đang bộc lộ những bất cập rõ ràng, mà cơn sốt lạnh kéo dài suốt 2 năm qua là ví dụ cụ thể.

Trong nỗ lực tìm biện pháp bền vững hơn để giải cứu thị trường BĐS , tại cuộc họp triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2012 của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS diễn ra mới đây tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, thị trường BĐS cần sớm tìm thêm kênh huy động vốn mới, tránh đặt gánh nặng quá lớn lên hệ thống ngân hàng.

Trong suốt cả năm vừa qua, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương siết tín dụng BĐS, để giải cứu thị trường đóng băng luôn phấp phỏng trước nguy cơ đổ vỡ, cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội, chuyên gia đã đưa ra nhiều đề xuất để tìm lời giải tài chính.

Nhiều câu chuyện được đưa ra về cơ cấu lại nguồn vốn cho thị trường BĐS bằng cách chứng khoán hóa, bằng các chế định tài chính mới, bằng các biện pháp quản lý nhà nước mạnh tay và bằng việc khẳng định vai trò nhà nước trong bình ổn thị trường… Thế nhưng, chưa có biện pháp nào thực sự có tính khả thi trong bối cảnh này hay thực sự tác động được vào thị trường BĐS.

Cách đây vài ngày, Bộ Xây dựng vừa phúc đáp Hiệp hội BĐS Việt Nam về việc đề xuất hình thành mô hình Ngân hàng Xây dựng Việt Nam. Bộ Xây dựng cho rằng, đề xuất của Hiệp hội BĐS Việt Nam về việc thành lập Ngân hàng Xây dựng là phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội đất nước hiện nay, phù hợp với xu hướng phát triển về lĩnh vực ngân hàng xây dựng của các nước trên thế giới.

“Việc thành lập Ngân hàng Xây dựng sẽ góp phần hỗ trợ triển khai các chương trình xây dựng nhà ở quốc gia (như nhà ở cho người nghèo, nhà ở cho học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp tại đô thị...), các chương trình sản xuất vật liệu xây dựng, các chương trình khác của ngành và là một kênh huy động vốn có hiệu quả cho thị trường BĐS, góp phần vào việc quản lý và phát triểnthị trường BĐS minh bạch và bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước và đáp ứng nhu cầu của người dân” – văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam ký nhận định.

Nhiều nghi ngờ, băn khoăn

Đề xuất nói trên của Hiệp hội BĐS Việt Nam đã được Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, việc đầu tư vào thị trường BĐS đã được toàn bộ hệ thống thực hiện từ trước đến nay, đã từng là lĩnh vực tín dụng “gà đẻ trứng vàng” đối với nhiều ngân hàng. Trước nguy cơ thị trường mất thanh khoản, nợ xấu BĐS ngày càng nhiều, Ngân hàng Nhà nước đã phải chỉ đạo siết chặt tín dụng với BĐS.

Chính vì thế, bình luận về việc thành lập ngân hàng “riêng cho xây dựng”, chuyên về BĐS, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, cho rằng, vào thời điểm này là chưa thích hợp và không phải là giải pháp cứu vốn cho thị trường: “Nếu thành lập thì sẽ phải là lúc thị trường phát triển, nguồn vốn đóng góp vào ngân hàng sẽ được huy động từ nhiều phía. Và khi thị trường khó khăn như hiện nay, mới có thể đưa ra sử dụng được”. Theo GS. Võ, vấn đề lớn nhất hiện nay để thành lập một ngân hàng là tìm nguồn vốn ở đâu ra, khi các DN BĐS đều đang rất khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản.

Trên thực tế, có những ngân hàng hiện chuyên về “nhà cửa”, như Ngân hàng phát triển Nhà TP.HCM (HDBank), Ngân hàng Phát triển nhà Hà Nội (Habubank), tuy nhiên, các ngân hàng này chưa có vai trò rõ ràng trên thị trường.

Trước đó, một đề án khác được Bộ Xây dựng ấp ủ nhiều năm là Quỹ Tiết kiệm nhà ở như một kênh huy động vốn dài hạn cho việc phát triển nhà ở cũng như hỗ trợ vốn cho người dân có thể mua nhà ở. Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng hiệu quả của quỹ sẽ chẳng tới đâu nếu như không có bộ máy điều hành tốt, và quỹ này cần có quy định rõ ràng về nguồn thu, điều phối, sử dụng và quyền lợi của người tham gia quỹ.

Theo Bách Nguyễn
Pháp luật Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG