Nhiều chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo

Trên 30 khách hàng mua nhà dự án CT1, CT2, Vân Canh (Hà Nội) phản đối chủ đầu tư Ảnh: Tuấn Việt
Trên 30 khách hàng mua nhà dự án CT1, CT2, Vân Canh (Hà Nội) phản đối chủ đầu tư Ảnh: Tuấn Việt
TP - Không ít chủ đầu tư dự án nhà ở có sai phạm, ồ ạt huy động vốn khi chưa hoàn tất thủ tục pháp lý của dự án, ông Phạm Gia Yên (ảnh), Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, nói.

> Làm gì để giải bài toán mua bán nhà trên giấy?

Ông Yên cho rằng, thấy thị trường nóng lên, nhiều nhà đầu tư mua đi bán lại dự án nhỏ rồi công bố đầu tư xây dựng, nhưng thực chất khi đó dự án chưa hoàn thiện về thủ tục. Nhiều người mua nhà không biết; nhiều người biết nhưng vì ham lợi nên vẫn liều mua.

“Nếu vừa qua, thị trường không chững lại thì nhiều người có khi vẫn chưa biết chính xác vị trí căn nhà của mình ở đâu. Nhiều dự án trên giấy, đất vẫn chưa giải phóng mặt bằng nhưng tiền đã thu của dân. Chúng tôi nhận được rất nhiều đơn thư khiếu kiện về tình trạng mua nhà trên giấy”, ông nói.

Theo ông Yên, trách nhiệm trước hết thuộc về người mua khi không xem kỹ thông tin mà vẫn lao vào. “Sai phạm của chủ đầu tư thì đã rõ, thậm chí nhiều chủ đầu tư có dấu hiệu của tội lừa đảo. Sẽ có nhiều người vỡ nợ khi tham gia mua bán nhà trên giấy”, ông nói.

Tính pháp lý của các hợp đồng góp vốn, vay vốn trong trường hợp này đến đâu, thưa ông?

Nhiều hợp đồng nếu ra toà thì dân có thể thua vì khi ký không tìm hiểu kỹ. Nhiều chủ đầu tư rất tinh vi khi cố tình mập mờ, gian lận câu chữ trong hợp đồng.

Khó nhất khi giải quyết là nhiều hợp đồng góp vốn rất đơn giản, không chứng minh được chủ đầu tư có nhà để bán mà lại mua bán trao tay đến 4-5 lần thì người mua sau cùng rất thiệt.

Trên 30 khách hàng mua nhà dự án CT1, CT2, Vân Canh (Hà Nội) phản đối chủ đầu tư Ảnh: Tuấn Việt
Trên 30 khách hàng mua nhà dự án CT1, CT2, Vân Canh (Hà Nội) phản đối chủ đầu tư. Ảnh: Tuấn Việt.

Vậy trách nhiệm của các sàn giao dịch bất động sản đến đâu khi đưa ra các sản phẩm chưa đủ điều kiện mua bán?

Nhiều sàn bất động sản sinh ra không đủ điều kiện, thậm chí cố tình tham gia hợp thức hoá sai phạm của chủ đầu tư, hợp thức hoá các sản phẩm không đủ điều kiện. Ai cũng muốn thành lập sàn vì dễ kiếm lợi như hưởng hoa hồng, chênh lệch.

Ông kiến nghị gì để xử lý tình trạng mua nhà trên giấy?

Tôi cho rằng cần những biện pháp rất mạnh. Hà Nội vừa qua rà soát với số lượng lên tới trên 700 dự án lớn về bất động sản và đây là con số quá lớn dẫn đến rất khó kiểm soát.

Trong xây dựng đô thị, phải có kế hoạch sử dụng đất, phân giai đoạn thực hiện. Mỗi tỉnh, thành phố phải tính được mỗi năm cần xây bao nhiêu m2 nhà ở thì đủ. Mặt khác, phải kiểm soát được năng lực của chủ đầu tư khi giao dự án để có những sản phẩm thực sự.

Đất đai ở đô thị đang bị chia rất nhanh và một ngày nào đó sẽ không còn đất để xây nhà cho người thu nhập thấp. Doanh nghiệp có được dự án rồi thì việc thu lại không hề đơn giản.

Năm 2012, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tập trung vào một số hoạt động của thị trường bất động sản, thanh tra một số dự án cụ thể, từ đó kiến nghị sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở.

Chúng tôi đang tập hợp những khiếu kiện của dân về tình trạng mua bán nhà trên giấy và sẽ xem xét thành lập các đoàn thanh tra đột xuất. Nhiều trường hợp, chúng tôi sẽ chuyển cho thanh tra các sở thực hiện.

Cảm ơn ông.

Kết quả thanh tra 128 sàn giao dịch bất động sản do Bộ Xây dựng phối hợp thực hiện trên cả nước cho thấy, nhiều chủ đầu tư bán không qua sàn; chủ đầu tư khai khống vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án; bán bất động sản khi không đủ điều kiện; huy động vốn vượt quá 70% ngay cả khi chưa xong móng...

Minh Tuấn thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG