Quy định về nghiệm thu, bàn giao nhà: Không được thực hiện nghiêm

TP - Nhiều quy định của Bộ Xây dựng về nghiệm thu bàn giao nhà, làm sổ đỏ cho dân, bảo lãnh bảo trì… khiến dân kêu trời vì không được thực hiện nghiêm. Một số doanh nghiệp cũng kêu khó kêu khổ vì gặp không ít vướng mắc.

Người mua nhà thất vọng

Chủ đầu tư hàng loạt dự án lúc quảng cáo bán nhà tung đủ các mỹ từ như “chung cư cao cấp”, “ngôi nhà đáng sống” an toàn, an ninh mơ ước... cho đến hình ảnh phối cảnh đủ các loại dịch vụ cho cư dân. Tuy nhiên, thực tế, người dân từ lúc nhận nhà cho đến khi vào ở mới “tá hỏa” vì nhiều thứ khác xa quảng cáo. Thậm chí, khi bàn giao cho dân vào ở, chủ đầu tư thiếu hàng loạt các điều kiện nghiệm thu về: phòng cháy chữa cháy (PCCC), chứng nhận an toàn tòa nhà... Đáng buồn hơn khi có nhiều chung cư bàn giao đến cả chục năm nhưng chủ đầu tư vẫn không chịu làm sổ đỏ cho cư dân.

Theo phản ánh của nhiều cư dân mua nhà tại dự án Ellipse Tower (110 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội), hiện chủ đầu tư đã thông báo bàn giao nhà trong khi công trường vẫn còn ngổn ngang nhiều hạng mục đang thi công. Được biết, dự án này do Công ty CP bất động sản Thăng Long làm chủ đầu tư và được khởi công từ năm 2009, dự kiến giao nhà vào 2012. Việc nhận nhà và đóng tiền diễn ra suốt từ năm 2016 trong khi đến nay dự án vẫn chưa được nghiệm thu theo quy định của nhà nước.

Quy định về nghiệm thu, bàn giao nhà: Không được thực hiện nghiêm ảnh 1

Tòa nhà Dự án Ellipse Tower (110 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh.

Còn tại dự án chung cư Thăng Long Victory (Nam An Khánh, Hoài Đức) do Phúc Hà Group làm chủ đầu tư là tổ hợp gồm 5 tòa nhà chung cư từ T1 đến T5. Hiện cư dân đã dọn về sinh sống tại tòa T1, trong khi đó tòa T2 được xây dựng cao 25 tầng (1 tầng hầm, 3 tầng thương mại và dịch vụ) đã được chủ đầu tư bắt đầu bàn giao nhà cho khách hàng từ cuối tháng 12/2016.

Nhiều cư dân đang sinh sống tại tòa T2 cho biết, theo hợp đồng mua bán tòa T2 được bàn giao trong Quý IV/2016 và không được chậm hơn 60 ngày so với thời gian cam kết (1/3/2017). Từ cuối tháng 12/2016 chủ đầu tư đã có thông báo cho một số khách hàng tới nhận nhà. Nhiều hộ dân đã chuyển về đây ở trước Tết Nguyên đán (tháng 2/2017). Được nhận nhà đúng tiến độ, thế nhưng không ít khách hàng mua nhà tại dự án này vẫn bức xúc. Theo phản ánh, nhiều hạng mục của tòa T2 vẫn đang thi công ngổn ngang. “Lúc quảng cáo bán nhà, chủ đầu tư vẽ ra một tòa chung cư với đầy đủ tiện nghi nhưng đến nay tòa nhà vẫn thiếu nhiều hạng mục. Vấn đề chúng tôi lo ngại nhất hiện nay là hệ thống PCCC của tòa nhà vẫn chưa được nghiệm thu, hệ thống camera an ninh chưa được lắp đặt...”, đại diện cư dân ở tòa nhà T2 cho biết.

Và vấn đề sổ đỏ của cư dân khiến không ít khách hàng lo lắng khi nhiều chủ đầu tư đã thu 100% trị giá căn hộ nhưng nhiều năm không làm sổ đỏ. Cụ thể, hàng trăm cư dân ở chung cư Thăng Long (Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội, Cty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư) đã về ở gần 5 năm nhưng chủ đầu tư vẫn không làm sổ đỏ cho dân. Theo phản ánh cư dân, một trong những lý do chủ đầu tư không chịu làm sổ đỏ bởi chủ đầu tư làm sai nhiều hạng mục tòa nhà so với thiết kế... Cư dân đã nhiều lần lên tiếng và đối thoại với chủ đầu tư nhưng đều bất thành.

Trái khoáy

Câu chuyện phải nghiệm thu nước thải có đạt chuẩn hay không ở các toà nhà chung cư mới được phép bàn giao nhà cho dân vào ở đang gây xôn xao tại nhiều khu nhà chung cư ở Hà Nội. Nhiều chủ đầu tư không thể thực hiện được quy định trái khoáy này của cơ quan quản lý nên đánh liều cho dân vào ở. Thậm chí, khi dân vào ở rồi nhưng chất lượng nước thải chưa đảm bảo, chủ đầu tư cũng không biết phải xoay xở ra sao.

Những ngày này, dù đã bàn giao nhà cho người dân vào ở tại chung cư Ruby Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) được gần 3 tháng nhưng chủ đầu tư lo lắng, vì chưa có chứng nhận nước thải của tòa nhà. Chủ đầu tư dự án này băn khoăn: “Nếu cơ quan chức năng “chiếu cố” để cho dân vào ở mới thử nước thải nhưng nếu nước thải chưa đảm bảo tiêu chuẩn thì người dân phải dọn ra ngoài ở chờ đến khi đạt chuẩn?”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc GP.Invest (chủ đầu tư dự án Tràng An Complex) cho biết, hiện ngoài những điều kiện cơ bản để bàn giao nhà như: Chứng nhận PCCC, giám định chất lượng công trình…, chủ đầu tư phải chứng nhận về nước thải tòa nhà. Tuy nhiên, cái khó là nếu không bàn giao cho dân vào ở trước sẽ không có nước thải để kiểm tra có đủ điều kiện hay không.

Về điều kiện nghiệm thu tòa nhà, dù Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực gần một năm nhưng khi áp dụng vào thực tế đã lộ rõ nhiều mâu thuẫn. Cụ thể, trong luật quy định doanh nghiệp phải cấp sổ đỏ cho người mua nhà ngay cả trong trường hợp khách hàng mới chỉ đóng 95% trị giá căn hộ.

“Nhiều dự án đã bàn giao nhưng chưa thu hết được 5% còn lại của khách nên chưa thể thanh lý hợp đồng. Trong khi đó, phải thanh lý hợp đồng, cơ quan tài nguyên mới cấp sổ đỏ cho người mua nhà. Quy định này làm khó cho doanh nghiệp quá”, một giám đốc công ty kinh doanh bất động sản miền Bắc cho hay.

Một lãnh đạo Cty Handico 5 cho rằng, đáng ra khi chủ đầu tư đã hoàn tất hồ sơ làm sổ đỏ cho người dân nộp lên Sở Tài nguyên& Môi trường là lúc được thu số tiền 5% trị giá căn hộ còn lại. Trách nhiệm làm sổ cho dân nhanh hay chậm là cơ quan chức năng chứ không phải chủ đầu tư.

Bộ Xây dựng cần sửa luật

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI phân tích, thực tế việc bình chọn những quy định pháp luật tốt phần lớn là bỏ những quy định vốn “rất tồi”. Cụ thể, có 8/30 quy định pháp luật thuộc lĩnh vực bất động sản được bình chọn “Tốt nhất” trong cuộc bình chọn những quy định pháp luật tốt/chưa tốt năm 2016. Tuy nhiên, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vẫn còn có rất nhiều vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo nhau.

Ông Tuấn cho biết thêm, lĩnh vực xây dựng, bất động sản không giảm cải cách. Gần đây nhất là giữa Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Xây dựng đã có những cuộc tranh cãi rất gay gắt vấn đề quy hoạch. Và việc mâu thuẫn trong từng quy định cụ thể của Bộ Xây dựng vẫn đang diễn ra đang cản trở và gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Theo ông Tuấn, năm 2017, VCCI có thể không làm những bình chọn về quy định pháp luật tốt/ chưa tốt như trong năm 2016 nhưng sẽ rà soát để trình lên Chính phủ.

Còn ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình 1 Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) phân tích, nhiều quy định của cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Xây dựng chưa phù hợp với thực tế, gây phiền hà và rắc rối cho doanh nghiệp. Thậm chí, nếu luật về xây dựng chưa chuẩn, cơ quan chuyên môn cũng nên kiến nghị sửa luật.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Việt Hùng, Chánh văn phòng Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng tiếp nhận thông tin thắc mắc từ phía doanh nghiệp và sẽ chuyển cho các đơn vị chuyên môn xử lý những vấn đề trên.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.