TP.HCM: Người dân vẫn khó mua nhà

TP.HCM: Người dân vẫn khó mua nhà
Đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, là nền tảng cho tăng trưởng, giải quyết công ăn việc làm nhưng thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM vẫn tồn tại nhiều bất cập.

Theo thống kê của UBND TP.HCM, hiện giá nhà ở của Việt Nam đang nằm ở mức rất cao so với mặt bằng chung của thế giới và so với mức thu nhập bình quân của đại đa số các tầng lớp dân cư. Chỉ số giá nhà/thu nhập của người dân theo chuẩn chung của Liên Hiệp Quốc chỉ từ 3 - 4 thì ở Việt Nam cao gấp 6 - 8 lần, từ 24,5 - 26,6. Điều này dẫn đến tình trạng người dân khó mua được nhà ở.

Giá nhà ở tăng cao, theo UBND TP do giá đầu vào tăng, trong đó lớn nhất là chi phí giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất, giá nguyên vật liệu (xi măng, sắt thép, xăng dầu, điện, nhân công…). Một yếu tố nữa đẩy giá BĐS lên cao là do chủ yếu được mua đi bán lại để lấy lời. Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành, đại đa số công nhân viên chức có thu nhập không quá 7 triệu đồng/tháng, không có khả năng mua trả góp nhà thương mại. Trong khi đó, nhà thu nhập thấp thì chưa có hoặc không đáng kể, đồng thời họ cũng không đạt tiêu chuẩn mua nhà ở thu nhập thấp. “Nhóm người thu nhập dưới 7 triệu đồng/tháng bị bỏ rơi khi không đủ điều kiện mua nhà xã hội cũng không thể mua được nhà thương mại”, ông Đực kết luận.

Hiện người dân phải dành bình quân khoảng 26% thu nhập để thuê nhà, trong khi bình quân thế giới là 4-6%. Với giá nhà hiện nay khoảng 15 triệu đồng/m2, nếu trích khoảng 20% thu nhập mỗi tháng (thu nhập bình quân khoảng 65 triệu đồng/năm) thì mất hơn 100 năm, người dân TP.HCM mới mua được căn hộ 100m2.

Công khai, minh bạch

Để phát triển ổn định và bền vững, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM đã nhiều lần khẳng định, phải minh bạch hóa thị trường BĐS, nhất là lĩnh vực quy hoạch, đấu thầu quyền sử dụng đất. Nhà nước cần công khai quy hoạch xây dựng, các kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở của địa phương và thông tin các dự án đầu tư nhà ở… tạo điều kiện cho nhà đầu tư, người dân tham gia đầu tư, mua bán, sở hữu nhà đất. Không những thế, cơ quan quản lý cần công bố công khai các dự án kêu gọi đầu tư.

UBND TP kiến nghị cần xây dựng cơ sở dữ liệu các dự án sắp, đang và đã triển khai để thống kê và dự báo cung - cầu thị trường BĐS, quản lý chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án, chất lượng sản phẩm đưa vào giao dịch và sử dụng. Đối với những dự án xây dựng khu đô thị mới, nhà nước đứng ra tổ chức và cấp phát vốn cho việc phát triển quỹ đất (làm quy hoạch, thu hồi đất, phát triển thành quỹ đất sạch) thông qua việc thuê các công ty BĐS chuyên nghiệp thực hiện. Sau đó, nhà nước tiến hành đấu giá các nền đất này, thu hồi vốn đầu tư và lãi về cho ngân sách.

Tại các tuyến đường đang triển khai, đất hai bên đường sẽ được lấy để bán theo giá thị trường. Thông qua đó, nhà nước thu được các khoản vốn và lãi do việc tham gia đầu tư công trình về cho ngân sách. Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc đền bù cho người sử dụng đất phải được tiến hành trước khi triển khai thực hiện dự án theo giá thị trường (tại thời điểm thu hồi đất).

Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà đất, giúp người dân có điều kiện giám sát việc thực thi pháp luật, có công cụ tích cực chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quản lý đất đai, minh bạch hóa việc nhà nước giao đất, cho thuê đất cũng như việc tính toán bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

“Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ ngành có liên quan sớm ban hành các quy định để hình thành các định chế tài chính phi ngân hàng như: quỹ tín thác đầu tư BĐS, quỹ tiết kiệm nhà ở. Về lâu dài, cần nghiên cứu ban hành quy định chứng khoán hóa BĐS. Trước mắt cho phép TP nghiên cứu và thí điểm vận dụng mô hình Quỹ tín thác đầu tư BĐS”, UBND TP kiến nghị.

Lãnh đạo một công ty địa ốc cho rằng, cần phát triển mạnh thị trường nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội và có biện pháp kích cầu đối với thị trường nhà ở cho người có thu nhập thấp, người thuộc diện được ưu đãi.

Theo Thiên Bảo
Thanh niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG