Người 2 lần được nhà nước Lào tặng Huân chương Tự do hạng nhất

Đại tá, bác sĩ Đặng Văn Tiến và vợ thời trẻ
Đại tá, bác sĩ Đặng Văn Tiến và vợ thời trẻ
Trong quyết định trao tặng Huân chương Tự do hạng Nhất (ISALA) cho đại tá, bác sĩ Đặng Văn Tiến có dòng ghi chú: Năm 1960-1992 là bác sĩ riêng cho Chủ tịch Kay sỏn Phôm-vi-hản.

Gần cả đời người gắn bó với đất nước Triệu Voi, trong nhiều chục năm giữ trọng trách như vậy, cho đến giờ ông đã 2 lần được nhận Huân chương cao quý này của Nhà nước Lào. Việc truy tặng Huân chương cho ông càng có ý nghĩa trong bối cảnh năm nay là năm kỷ niệm 55 năm hai nước Việt - Lào thiết lập quan hệ ngoại giao (1962-2017), 40 năm ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt - Lào (1977-2017).

Không phải sang Lào mà là… về Lào

Đầu năm 1949, với sự giúp đỡ của cách mạng Việt Nam, đội quân lực lượng vũ trang đầu tiên của Lào được thành lập mang tên Lạtsạvông, là tiền thân của Quân đội nhân dân Lào hiện nay. Sự ra đời của Đội Lạtsạvông đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của cách mạng Lào, đưa các cuộc đấu tranh vũ trang của Lào trở nên quy củ, có hiệu quả hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định nghĩa vụ của quân tình nguyện Việt Nam đối với Lào "phải đề cao tinh thần hi sinh quốc tế" và rằng "giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình". Theo đó cán bộ và quân tình nguyện Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Lào xây dựng cơ sở chính trị và vũ trang quần chúng, phát động chiến tranh du kích rộng khắp.

Đúng vào những ngày tháng đó, chàng thanh niên 17 tuổi Đặng Văn Tiến đã xung phong vào quân ngũ. Anh gia nhập sư đoàn 308, chiến đấu trên chiến trường Lào, với nhiệm vụ đầu tiên là một chiến sĩ vệ sinh. Dần dần thành một y tá, rồi y sĩ. Mấy năm sau đó, anh về nước, là một trong những sinh viên khóa đầu tiên của Đại học Quân y. Duyên trời định cho anh sinh viên quân y gặp cô y sĩ đẹp nổi tiếng vùng Tây Hồ, với gương mặt trái xoan thanh tú và chiều cao 1m68, hiếm hoi đối với các thiếu nữ thập niên 50. Nói theo ngôn ngữ thời bấy giờ là “đi mòn hai đôi lốp xe đạp” mới được nàng ưng. 1958 họ làm đám cưới và 2 năm sau hoa khôi Tây Hồ đón con trai đầu lòng… một mình bởi người chồng bác sĩ của cô đã vội quay trở lại chiến trường C đang đến hồi ác liệt. Người vợ bộ đội rồi cũng dần quen cái cảnh đón chồng trở về sau mỗi chiến dịch, vợ chồng bên nhau chỉ vẻn vẹn có vài ba ngày. Bốn đứa con được sinh ra từ những lần… hậu chiến dịch ấy, chỉ một tay bà chăm sóc từ lúc lọt lòng. Có những thời điểm vài ba năm ông mới trở lại quê nhà, bởi thế với ông, phải dùng từ về Lào mới chính xác, chứ không phải là sang Lào nữa.

Ông Đặng Thanh Nam, con trai trưởng của đại tá bác sĩ Đặng Văn Tiến nhớ lại: Ký ức cả tuổi ấu thơ của tôi mỗi lần bố về đậm nét trong hai cụm từ: Giặt quần áo & lau súng, là công việc mà tôi đã làm đến thuần thục. Thêm nhiệm vụ lên vệ đê đầu làng Tây Hồ, ngủ trong xe com-măng-ca để tiện thể trông xe luôn. Mỗi tuần mẹ bắt chúng tôi viết một lá thư tay cho bố, thư nào cũng bắt đầu bằng câu: Bố kính yêu/ Hôm nay con viết thư thăm bố/ Dạo này bố có khỏe không?… “Công thức” đó hàng chục năm sau anh em tôi vẫn còn thuộc làu.

Trong ký ức của những bạn chiến đấu, đồng nghiệp thân thiết

Thượng tá Đỗ Khắc Phiệt, năm nay 83 tuổi, là người đã gắn bó với đại tá, bác sĩ Đặng Văn Tiến từ những ngày đầu tiên nơi chiến trường C từ năm 1964, cùng đi qua chiến dịch Cù Kiệt- Cánh đồng Chum- Xiêng khoảng - một chiến dịch đã được sử ghi lại là quan trọng, ác liệt và có thời gian dài. Ông trưởng ban hành chính khu kháng chiến này cho biết ấn tượng về “chuẩn úy Tiến” thời bấy giờ là một người vô cùng nhanh nhưng cũng rất cẩn trọng trong những ca cứu chữa bệnh binh. Chiến trường ác liệt, có những ngày bom bi rải từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau, tất cả mọi hoạt động đều phải diễn ra trong hang. Để hoàn thành nhiệm vụ, ngoài chuyên môn vững còn đòi hỏi sự sáng tạo,lòng gan dạ. Bác sĩ Tiến và đồng đội không chỉ cứu chữa cho các chiến sĩ mà còn chăm sóc sức khỏe cho các tướng tá chủ chốt của quân đội nhân dân Việt Nam như Trung tướng Nguyễn Hòa, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Đại tá Bế Chu Lang, Thượng tá Trần Mạnh Hiệp…

Đất nước Lào trong trí nhớ của những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam không thể chỉ là những địa danh như vùng núi rừng Khăm Muộn, cao nguyên Nakai, Xiêng Khoảng, đồng bằng Thakhek, Savanakhet, dòng sông Mê Kong, Viêng Chăn, Luông Phabang... Không thể chỉ là những cuộc giao lưu tiếp xúc với người Lào Thơng, Lào Xủng, Lào Lùm. Không thể chỉ là canh măng nấu với pá đẹc (cá mắm), bỏ thêm lá dạ nàng với khẩu bừa (tấm). Không thể chỉ là những bài lăm (hát) giao duyên của Lào trong những dịp vàn na (đổi công), bun than (hội hè) hay đơn đông (leo núi)... Nó còn là ký ức oanh liệt và hào hùng về cuộc sống chiến đấu ác liệt, không thể nào quên.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, người đã ở cùng một nhà với đại tá bác sĩ Đặng Văn Tiến trong khoảng thời gian 1982-1990 kể về người đồng đội đã khuất, bậc đàn anh đáng kính của mình : Ông ấy trong Ban bảo vệ sức khỏe trung ương Lào, là bác sĩ riêng cho Chủ tịch Kay sỏn Phôm-vi-hản, đồng thời cũng chăm sóc sức khỏe cho một số ủy viên Bộ chính trị Lào, các tướng lĩnh. Về chuyên môn thì ông Tiến quá giỏi, có hai bằng bác sĩ đa khoa và đông y. Cả cuộc đời làm “ngự y đầu triều” như thế, ông không mắc một sai lầm nào trong chẩn đoán và chữa bệnh, cũng là một điều hiếm thấy. Có lẽ vì ông là một người rất cẩn trọng và tuyệt đối nghiêm khắc trong nghề. Lúc bấy giờ chúng tôi ở trong khu Cây số 5, còn Ban chấp hành TW Đảng ở khu Cây số 6 - địa danh đặt theo khoảng cách địa lý tính từ Đài chiến thắng ở thủ đô Viêng chăn. Hàng ngày bác sĩ Tiến đều dậy từ 5 giờ sáng, đi vào khu Cây số 6 để kiểm tra sức khỏe cho Chủ tịch và một vài đồng chí lãnh đạo cao cấp khác. Chủ tịch Kay sỏn có một bể bơi riêng trong khu Cây số 5 nơi đoàn chuyên gia chúng tôi ở. Ông chăm tập thể thao, thích bơi và bơi rất giỏi. Và cũng đặc biệt thích một số món ăn của Việt Nam, nơi Chủ tịch đã học từ bậc trung học (trường trung học Bảo hộ- PTTH Chu Văn An hiện nay dưới tên Nguyễn Trí Mưu, từ 1935) đến bậc đại học (Đông Dương cao đẳng học viện, tiền thân của trường ĐH Luật, có trụ sở ở 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội), nơi ông giác ngộ cách mạng theo đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, trở thành một trí thức yêu nước, có tâm huyết với nhân dân Lào, luôn phấn đấu không ngừng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc (trích từ cuốn Kayxỏn Phôm-vi-hản - Tiểu sử và sự nghiệp; Tác giả: PGS. TS. Đức Vượng; Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia, 2008).

Người 2 lần được nhà nước Lào tặng Huân chương Tự do hạng nhất ảnh 1

Trong một chuyến công tác cùng Chủ tịch Kay sỏn Phôm-vi-hản tại Nha trang, năm 1977

Vị trí đặc biệt như vậy đòi hỏi đại tá, bác sĩ Đặng Văn Tiến không chỉ có trình độ chuyên môn cao mà bản lĩnh sống cũng phải luôn được tự trui rèn. Song với một người chiến sĩ áo trắng thì điều cao nhất chính là ý thức luôn muốn cứu người. Sau 1975, ông đã đề nghị với Chủ tịch Kay sỏn cho phép mình được chữa bệnh cho cả những người dân Lào bình thường. Chủ tịch được thuyết phục bởi lý luận giản dị mà đầy nhân văn của vị bác sĩ kề cận đã thuộc nhau như anh em một nhà : Nếu chỉ chữa bệnh cho một số ít người thì tay nghề không giỏi lên được, cần phải được “va” với bệnh tật nhiều để từ thực tiễn rút ra những kinh nghiệm quý. Chính vì thế nước Lào đã rất nhiều người biết đến bác sĩ Tiến, được ông chữa khỏi bệnh bằng tài năng của một bác sĩ am tường cả Tây y và Đông y. Những bài thuốc chữa bướu cổ, gan, dạ dày, hen, vô sinh … công hiệu đã được bác sĩ Tiến ghi lại trong một cuốn sổ dày. Các con ông hiện còn lưu giữ cuốn sổ quý giá này.

Tại Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam, đại tá bác sĩ Đặng Văn Tiến là thành viên trong Đoàn của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tham dự Đại hội.

Được sinh ra để làm nghề chữa bệnh cứu người

Tôi cứ nghĩ về những con người luôn được sống trong hạnh phúc của việc được làm đúng nghề mà mình có khả năng cao nhất, nhận được sự trân trọng của xã hội. Đại tá bác sĩ Đặng Văn Tiến chắc chắn là một con người như thế. Cả cuộc đời gắn bó với nghề Y, hẳn là ông không thể nhớ được hết hàng ngàn ca bướu cổ, xơ gan cổ trướng, dạ dày, hen, bỏng, vô sinh… của cả người Lào và Việt mà mình đã chữa khỏi. Sau nhiều chục năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng giao phó với nước bạn Lào, ông đã trở về quê nhà, chữa bệnh cho đến phút cuối cùng của cuộc đời mình.

Người 2 lần được nhà nước Lào tặng Huân chương Tự do hạng nhất ảnh 2

Đoàn chuyên gia ở Lào

Có một câu chuyện người con trai cả của đại tá, bác sĩ Đặng Văn Tiến kể khiến tôi đặc biệt ấn tượng. Đó là việc mỗi lần đi chiến dịch trở về, ông đều ngồi băm ruột cá mè, trộn với ớt và muối, rồi bưng ra một chỗ khuất để ăn, bởi vì mùi của nó rất khó ngửi. Ông giảng giải với các con : Bố phải tập ăn món này, nó giống như món mắm cá pá đẹc của người Lào, mỗi lần ăn vào bố đều bị dị ứng. Nhưng bố cần phải ăn được món này, để còn có thể hòa nhập khi đi xuống bản chữa bệnh cho đồng bào. Đó là chi tiết thực sự sinh động, giản dị mà đắt giá để hình dung về chân dung một thầy thuốc của nhân dân.

Theo Theo Võ Hồng Thu/Sức khỏe & Đời sống
MỚI - NÓNG