Phan Bội Châu, người đầu tiên treo ảnh Lê-nin ở Việt Nam

Phan Bội Châu, người đầu tiên treo ảnh Lê-nin ở Việt Nam
TP - Theo ông Quang Đạm, trên tường căn nhà tranh 3 gian - nơi ở và cũng là nơi cụ Phan dạy học, có treo nhiều tranh ảnh. “Đáng chú ý nhất là bức chân dung Lê-nin treo trang trọng trên bức tường mặt trước gần sát trần nhà...".

Trong hồi ký “Ngôi nhà Bến Ngự và con đò sông Hương”, viết tại Hà Nội tháng 7/1981, nhà báo Quang Đạm (từng làm việc ở báo “Nhân Dân”, là em ruột giáo sư Tạ Quang Bửu) người đã ở với cụ Phan Bội Châu một năm (để học chữ Hán và làm “thư ký” cho cụ Phan) sau khi cụ bị thực dân Pháp buộc về an trí tại căn nhà tranh đầu dốc Bến Ngự (Huế), có một chi tiết khá đặc biệt.

Theo ông Quang Đạm, trên tường căn nhà tranh 3 gian - nơi ở và cũng là nơi cụ Phan dạy học, có treo nhiều tranh ảnh.

“Đáng chú ý nhất là bức chân dung Lê-nin treo trang trọng trên bức tường mặt trước gần sát trần nhà. Có lẽ là một bức hoạ vẽ theo một bức tượng kiểu huy hiệu. Dưới chân dung có hai chữ Hán: Liệt Ninh. Lúc đầu nhìn lên chân dung này, tôi chưa biết là ai, chỉ cảm thấy đó là một vĩ nhân trên thế giới…

Phải chăng đây là bức chân dung Lê-nin đầu tiên được treo lên công khai, đàng hoàng và rất trang trọng ở nước Việt Nam, ít nhất là giữa kinh đô Huế?...” (Trích bài đã dẫn).

Ông Quang Đạm ở với cụ Phan khoảng từ 1926-1927; như thế, 80 năm trước, chân dung Lê-nin đã được treo công khai tại Huế.

Trong những tác phẩm mà cụ Phan đọc cho ông Quang Đạm chép có bài “Xã hội chủ nghĩa”. Ông Quang Đạm viết: “Lần đầu tiên, giữa kinh đô Huế và có lẽ ở khắp Trung kỳ, nếu không phải trong cả nước, có một người Việt Nam công nhiên nói đến “xã hội chủ nghĩa”.

Cụ Phan nói một cách hào hùng. Không phải cụ chỉ đọc cho tôi viết trong chiếc đò trên sông Hương mà chính trong thời gian này, cụ còn giảng giải một vài lần trong phòng học của chúng tôi.

Niềm hào hứng của cụ không phải bắt nguồn từ chỗ tìm thấy một lý tưởng mới ở thời đại mà là bắt nguồn từ chỗ nhìn ra một sự gặp nhau giữa cổ với kim, giữa Khổng Tử - Mạnh Tử với Mã Khắc Tư - Liệt Ninh (Marx-Lê-nin)…

Cụ lại khẳng định rằng cái “hay tuyệt” và “tận thiện tận mỹ” ấy vốn đã được “thánh hiền Nho giáo” chỉ ra rất lâu trong “học thuyết đại đồng”… Có thể nói khái niệm “xã hội chủ nghĩa” của cụ Phan về thực chất chính là “thuyết Đại đồng”…”.

Nguyễn Khắc Phê
Theo sách “Ông già Bến Ngự” – NXB Thuận Hóa, 1987

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.