Dũng Khùng – Đạo diễn có cát xê cao nhất

Dũng Khùng – Đạo diễn có cát xê cao nhất
TP - Trong ký ức tuổi thơ của thế hệ 8x chúng tôi, không ai là không nhớ đến Chiếc Lược Ngà, Mùa Gió Chướng, Dòng Sông Thơ Ấu... của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Nhưng không chỉ thế, có lẽ, tác phẩm xuất sắc nhất mà ông có - đó là con trai mình, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, có nick name Dũng Khùng, người đang có mức cátxê cao nhất trong các đạo diễn trẻ tại Việt Nam.

> Đạo diễn Dũng Khùng chia tay Bước Nhảy Hoàn Vũ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, ba anh, đã để lại nhiều tác phẩm rất hay về đề tài chiến tranh. Một câu hỏi hết sức nghiêm túc, có khi nào anh nghĩ, mình sẽ thực hiện một bộ phim điện ảnh về đề tài này?

Đối với tôi, chiến tranh là một trong những đề tài hay. Tại vì, tôi luôn nghĩ, phim chiến tranh dễ hay, bởi nhân vật thường được đặt giữa bối cảnh sống và chết, cho nên, có kịch tính, câu chuyện dễ xúc động...

Tôi đã xem rất nhiều những phim kinh điển về chiến tranh. Hồi mới ra trường, phim tốt nghiệp chính là từ truyện Con Gà Trống của ba tôi, nhưng mà hồi đó làm chưa tới nơi tới chốn.

Đề tài chiến tranh khó về mặt dàn dựng và cảm xúc, mà lúc đó, tôi đã tự tin... quá, khi nghĩ rằng cái gì mình làm cũng được. Bởi hồi đó tôi trẻ quá, không có được những cảm xúc cần thiết.

Tôi vẫn thích được làm phim về chiến tranh, dù có thể, bộ phim ấy không phải từ truyện của ba tôi.

Hồi còn bé, anh có nhận thức được rằng ba mình là người nổi tiếng?

Biết chứ, và mỗi ngày, tôi được gặp rất nhiều người nổi tiếng, nên với tôi, người nổi tiếng lại thành bình thường.

Mấy chú mấy bác nổi tiếng ngày nào chẳng ghé qua nhà tôi để nhậu, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Nguyễn Duy, hay như nhạc sĩ Văn Cao mỗi khi vào Nam cũng đều tới ngồi với ba tôi.

Khi lớn lên, những điều ấy có thành áp lực cho anh?

Cho đến tận khi tôi thi vào trường Sân khấu Điện ảnh, lúc ấy cảm giác là mình không có năng khiếu, không có khả năng gì quá đặc biệt, mà mấy thầy chấm thi cũng biết “ông” Nguyễn Quang Sáng.

Cho nên, cảm giác là bởi quen biết nên tôi mới được cho đậu vào trường, vì lúc ấy không có ai 18 tuổi đậu hết. Suốt thời gian học, tôi đều nghĩ rằng vì có ba nên các thầy cho mình đậu.

Thế nên, bình thường tôi lười đi học lắm, nhưng khoảng thời gian đó, tự nhiên tôi siêng đi học hẳn, với ý nghĩ là “Đi học làm sao để đừng làm mất mặt ông già”.

Chứ không làm ảnh hưởng đến ba như hồi học phổ thông?

Hồi học phổ thông, ba tôi bị mời lên gặp thầy cô hoài à. Vì hồi phổ thông, không phải vì nghịch ngợm đâu, mà vì tôi học văn dốt lắm. Các cô giáo biết, nên đều thấy kỳ làm sao đó. Tại sao con nhà tông mà chẳng giống lông giống cánh gì hết. Không hiểu sao về sau này lại viết được kịch bản (cười).

Tính hài hước trong điện ảnh là từ ba anh?

Tôi nghĩ, vừa ảnh hưởng từ ba tôi, lẫn những người bạn nổi tiếng của ba nữa. Những câu chuyện hài hước của họ đã ngấm vào tôi từ lúc nào. Ngày xưa tôi rất thích chú Nguyễn Duy.

Nhà thơ Nguyễn Duy rất hài hước, hóm hỉnh, hay như chú Trần Long Ẩn cũng thế, nghe mọi người nói giỡn với nhau, dần dần tự nhiên mình bị ảnh hưởng.

Chính vì thế, bộ phim “Hồn Trương Ba” của anh bị “đánh” tơi tả, mà anh cũng chẳng làm sao?

À, chuyện đó thì khác. Tôi bị áp lực đến mức phải bỏ đi Thái Lan nửa tháng, và quyết tâm không đọc báo để tránh tạo tâm lý tồi tệ cho mình.

Oan ức đấy. Rõ ràng tôi làm phim đó, là dựa vào một điển tích có từ lâu lắm rồi của Trung Quốc, chứ không phải kịch của nhà văn Lưu Quang Vũ như mọi người nghĩ. Nhưng báo chí đánh tơi tả, và tôi phải tự tìm cách “giải thoát” tâm lý cho mình.

Lúc ấy, ba anh có nói gì không?

Thường thì những phim tôi làm, tôi đều mua vé cho cả nhà đi xem. Nhưng chẳng khi nào ba tôi nói gì.

Ba tôi được cái rất dễ thông cảm với những cái được cho là hiện đại, bởi có lẽ, vì tôi cũng nằm trong số những người trẻ đó. Và ngược lại, tôi may mắn vì có ba nổi tiếng, và tôi hiểu được nhiều hơn vì sao thế hệ của ba, mọi người lại làm thế.

Ba anh có phản đối khi anh làm điều gì đó chưa?

Đứng về nghề thì chưa bao giờ. Còn về cuộc sống, ba tôi chỉ ghét nhất có thời gian tôi không chịu đi tập thể dục thôi. Giờ thì tôi chăm tập thể dục rồi.

Đằng sau sự nổi tiếng của hai cha con anh là một người phụ nữ thế nào, tôi muốn hỏi đến mẹ anh?

Ở nhà tôi, tất cả mọi người, kể cả bạn bè của mấy cha con, đều nhớ và nghĩ đến mẹ tôi cả. Vì mẹ là người phụ nữ vô cùng đặc biệt. Bạn bè của tôi đều thần tượng mẹ lắm.

Mẹ là người phụ nữ đúng nghĩa, âm thầm và mềm mại, đứng sau người đàn ông của mình. Các bài báo, dù là viết về chồng con, hay về bạn bè của chồng, bạn bè của con, mẹ đều cắt ra và giữ lại, chừng nào mọi người đến thì đưa ra vì sợ họ không có.

Mẹ tôi bị bệnh từ khi chưa sinh tôi ra, nên ở nhà, mọi người đều cố tránh những điều có thể làm mẹ bị sốc. Nhưng mẹ luôn là chỗ dựa lớn cho cả gia đình.

Anh có định làm phim nào đó về thế hệ của mẹ, để tặng mẹ không?

Tôi nghĩ nghề là nghề, gia đình là gia đình. Nghề đạo diễn của tôi là dùng tiền của người khác mà, đâu thể lấy tiền của người khác mà làm phim tặng mẹ được. Nhưng biết đâu, đến một lúc nào đó, khi có cảm xúc, và nội dung phim đó có thể thuyết phục được cả những người khác, thì tôi sẽ làm.

Bộ phim "Chân Dài Hành Động" đã khởi động từ rất lâu nhưng cũng chưa bấm máy?

Mùng 10 tháng 5 sẽ bắt đầu. Vì đây là phim kiếm hiệp, được quay bằng máy 3D, nên khâu chuẩn bị cần nhiều thứ. Tính của tôi là cái gì chưa ổn là không đưa ra trường quay. Chuẩn bị tốn kém, mà khi ra trường quay bị trục trặc thì rất nguy hiểm.

Nhiều người nói rằng, ở Việt Nam, hiện anh là đạo diễn có cát-xê cao nhất!

Nhà sản xuất nói với tôi như thế đấy. Trên nguyên tắc thì không ai biết mức cát xê của ai đâu, vì đó là vấn đề hết sức nhạy cảm. Tôi nghĩ hiện nay, các đạo diễn giỏi đều sống khỏe mà.

Trong nghề của anh, anh có bị hiềm khích đố kị nhiều không?

Tôi nghĩ, thế hệ trước thì điều này là có, và có nhiều. Nhưng bây giờ, phim thì nhiều, việc nhiều, ai cũng bận, nên ít có cơ hội mà ghét nhau hay đố kị nhau.

Anh nghĩ, thành công của nghề đạo diễn được đánh giá dựa trên điều gì?

Được nhiều nhà sản xuất săn đón, đặt hàng; phim ra rạp thì bán được thật nhiều vé, doanh thu cao; được nhiều diễn viên tốt muốn được cộng tác.

Khi tôi làm “Giải cứu thần chết”, tôi tự đặt cho mình bài toán: Sẽ là phim có doanh thu cao nhất? Và thời đó, đấy là phim có doanh thu cao nhất.

Nhưng sau đó tôi nghĩ, mấy đạo diễn quyết tâm giành Oscar, chẳng lẽ đến khi có được rồi thì không làm phim nữa. Giờ tôi mới nghĩ, sự nghiệp của mình, làm sao mỗi dự án sau sẽ đầu tư hơn và được làm nhiều điều mình thích hơn, đó là thành công.

Anh có buồn khi bị coi là đạo diễn phim thị trường?

Tôi nghĩ, đã làm phim thì phải có thị trường, trừ những phim bạn tự làm rồi mở ở nhà tự coi thôi. Nhưng thị trường ở đây là đối tượng nào thôi. Tôi nghĩ, phim mà không có khản giả thì kinh điển hay thị trường cũng chẳng ai người ta quan tâm.

Nhưng ở Việt Nam, nhiều phim ăn khách vẫn không được đánh giá cao?

Thế giới cũng vậy chứ. Nhiều phim rất ăn khách nhưng đâu chắc đã hay. Tôi hợp với số đông, tôi đang làm phim và có khán giả của tôi, mắc mớ gì mà tôi phải thay đổi.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, sinh năm 1978. Là đạo diễn của nhiều phim ăn khách như Giải Cứu Thần Chết, Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt, Nụ Hôn Thần Chết, Những Nụ Hôn Rực Rỡ…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.