Ca sĩ Đình Văn: Tôi thấy mình như một gã lãng tử

Ca sĩ Đình Văn: Tôi thấy mình như một gã lãng tử
Giọng ca "Mưa bụi" một thời cho biết nhiều ca sĩ trẻ được đào tạo bài bản nhưng không ai vượt qua được Á quân The Voice kids mùa đầu khi thể hiện dòng nhạc trữ tình Nam bộ.

Những năm gần đây, khán giả thấy anh trở lại một số sân khấu ca nhạc. Trước đó, hoạt động âm nhạc của anh diễn ra thế nào?

Sau khi "Mưa bụi" lắng xuống, nhiều người đồn đoán rằng tôi sang Mỹ định cư. Thực ra, tôi chỉ lưu diễn nước ngoài và đi hát các tỉnh phía Bắc. Thời kỳ đó kéo dài cũng khoảng 15 năm.

Một số người cho rằng vì không cạnh tranh được với các ca sĩ trẻ nên anh chọn đi tỉnh diễn. Anh nghĩ sao?

Trước giờ tôi chọn một dòng nhạc riêng biệt để thể hiện nên không cần phải cạnh tranh với ai. Hát nhạc trữ tình Nam bộ rất khó, không phải ai cũng hát được. Dù ca sĩ giọng hay, đẹp đến đâu nhưng chưa chắc đã thành công khi hát thể loại này. Ngoài Hương Lan, Phương Mỹ Chi, chưa ai hát nhạc trữ tình quê hương Nam bộ vừa ý tôi. Mấy năm nay, do tuổi không còn trẻ, tôi hạn chế đi xa nên có thời gian xuất hiện trên sân khấu Sol Vàng. Nếu có sức khỏe, tôi vẫn thích đi hát tỉnh.

Anh đánh giá cao Phương Mỹ Chi ở điểm nào?

Phương Mỹ Chi giống như được trời phú cho sự nhạy cảm âm nhạc. Khi hát nhạc trữ tình quê hương Nam bộ, để cách nín hơi, thả chữ đi đến một chỗ tuyệt đỉnh như múa kiếm, người ca sĩ phải luyện tập dữ dằn lắm mới đạt được.Với Phương Mỹ Chi, tôi ngạc nhiên ở chỗ mọi kỹ thuật, cảm xúc đó, em như có sẵn, như thể đã trải qua một quá trình luyện tập gian khổ từ trước rất lâu. Bây giờ cả những ca sĩ lớn, tôi dám nói về kỹ thuật nhả chữ, bỏ chữ, mở chữ, về hồn nhạc... không thể bằng Phương Mỹ Chi.

Tôi phải nể Phương Mỹ Chi ở chỗ em ấy còn có cái tâm tĩnh nên hát rất tốt. Với người ca sĩ, sự tĩnh tâm rất quan trọng. Khi tim không đập nhanh, ca sĩ mới giữ được hơi và nhịp. Tôi lớn tuổi như vậy mà nhiều khi còn không giữ được bình tĩnh trước khán giả. Mới tuần trước khi hát cùng Sơn Tuyền, Vân Khánh, tôi quên mất một nốt nhạc khiến hai người đó cũng bị ảnh hưởng theo mình.

Anh nghĩ thế nào về ý kiến cho rằng những nghệ sĩ cải lương với làn hơi tốt sẽ hát được các ca khúc tân nhạc theo thể loại trữ tình quê hương?

Tôi không tán đồng việc nghệ sĩ cải lương mà qua hát trữ tình quê hương Nam bộ vì khi từ dân ca Nam bộ chuyển qua tân nhạc thì phải hát chính xác, không được luyến quá dài mới ra chất tân nhạc. Các nghệ sĩ cải lương có một hạn chế là hay luyến lặp mà không chú ý những chỗ ngắt. Cải lương có thể nín hơi để luyến dài và nhả chữ nhưng tân nhạc còn có những chỗ ngắt chữ. Chỉ cần kéo dài một nốt đơn thôi là ý nghĩa câu hát bị thay đổi. Ngày trước, khi quay "Mưa bụi", Tài Linh phải mất một ngày mới tập được một bài tân nhạc. Linh phải tập từng câu cho đến khi nhuần nhuyễn dù lúc đó, cô ấy đang là một ngôi sao ca cổ hát cặp cùng nghệ sĩ cải lương Vũ Linh.

Ca sĩ Đình Văn: Tôi thấy mình như một gã lãng tử ảnh 1

Anh nhận được tình cảm ra sao của khán giả khi hát nhạc trữ tình quê hương trên sân khấu Sol Vàng?

Tôi nhận được rất nhiều tình cảm nồng ấm của khán giả, đặc biệt là những người ở hải ngoại và khán giả phía Bắc. Có những người lớn tuổi, chờ tôi trong hậu trường, bày tỏ rằng bao nhiêu năm yêu quý giọng hát tôi qua băng "Mưa bụi", nay được gặp ngoài đời, họ vô cùng xúc động.

Cảm xúc của anh ra sao mỗi khi nghĩ về thời kỳ "Mưa bụi"?

Tôi coi đó như một kỷ niệm đẹp. Có những kỷ niệm mãi khắc ghi trong trí nhớ. Những năm 1990, khi "Mưa bụi" đang làm mưa làm gió khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc, trong lần ra Thanh Hóa, chúng tôi phải ngồi xe tù đến địa điểm biểu diễn để tránh con đường đặc kín khán giả. Có khi "Mưa bụi" diễn liên tiếp ba tháng ở Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, Hà Nội mà vẫn cháy vé chợ đen.

Thời kỳ đó, giá một chỉ vàng là 500 nghìn đồng trong khi giá một cặp vé chợ đen lên tới một triệu đồng. Thù lao nghệ sĩ thời đó cũng rất cao. Khi Hồng Vân, Lý Hùng, Diễm Hương nhận được 800 nghìn đồng một đêm diễn thì tôi được trả tới 1,5 triệu đồng... Tuy nhiên, tất cả đã qua rồi, ai cũng có một thời để nhớ. Tôi không hề hối tiếc bởi tôi biết theo quy luật, con người  khi lên đến đỉnh cao phải dừng lại. Tôi thấy thanh thản vì đó là chuyện đương nhiên.

Trong âm nhạc, tôi thấy mình như một gã lãng tử, làm việc theo cảm xúc. Nhiều người hỏi tôi sao không tận dụng danh tiếng của "Mưa bụi" để dựng những chương trình ca nhạc tiếp theo.

Nhưng bản tính tôi vốn nghệ sĩ, tôi không biết cách tổ chức, tính toán hay điều khiển một  ê kíp làm việc theo ý mình. Nếu tôi tỉnh táo như người khác, tôi có thể lập công ty, đào tạo ca sĩ, nhận tổ chức chương trình văn nghệ cho các đơn vị, thậm chí làm bầu show. Nhưng tôi chỉ thích đi hát, được giao lưu với khán giả. Tôi xem âm nhạc như một cuộc vui, hết vui thì tạm biệt. Bởi vậy, "Mưa bụi" với tôi cũng chỉ là một chặng đường vui chơi.

Ca sĩ Đình Văn: Tôi thấy mình như một gã lãng tử ảnh 2 Đình Văn - Tài Linh trong băng “Mưa bụi” xưa.

Anh nghĩ sao khi nói anh nổi tiếng nhờ "Mưa bụi"?

Trước khi xuất hiện ở "Mưa bụi", tôi đã là một ca sĩ thành danh ở dòng nhạc cách mạng và nhạc trữ tình quê hương. Thế hệ của tôi, chỉ những ca sĩ đình đám, có "máu mặt" mới hoạt động trong đoàn văn công của các đơn vị, xí nghiệp nhà nước. Thời đó, phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh lắm. Tôi đi thi và rinh giải toàn quốc cho cá nhân và tập thể nhiều. Cùng thời với tôi còn có ca sĩ Hồng Hạnh cũng hoạt động trong đoàn văn công nhà nước. Tôi nhớ khi tôi ra Hà Nội tham dự một cuộc liên hoan văn nghệ quần chúng, một nhạc sĩ lớn khi đó đã chấm cho tôi giải nhất. Ông cho biết, về kỹ thuật, tôi cần gọt dũa thêm nhưng về cái hồn trong cách hát, cách truyền tải tình cảm của tác giả trong bài hát của tôi thuyết phục ông.

Người nâng đỡ tôi rất nhiều trong âm nhạc là nhạc sĩ Phan Nhân. Sau giải phóng, Phan Nhân từ Bắc về lại Sài Gòn. Khi đó ông có rất nhiều sáng tác về thành phố. Và ông chỉ chọn tôi để thể hiện các bài hát của mình. Nhờ những sáng tác và sự dẫn dắt của ông, tôi dần có được vị trí, giải thưởng trong nghề.

Những năm cuối thập kỷ 1990, khi hãng đĩa Kim Lợi tìm kiếm gương mặt cho chương trình "Mưa bụi", họ tìm ca sĩ hát chung với Tài Linh, trong đó có tôi. Tôi cũng chỉ là một trong nhiều ca sĩ hát cặp cùng Tài Linh. Nhưng những bài trữ tình Nam bộ tôi và Tài Linh thể hiện như "Cô Thắm về quê",  "Giăng câu", "Tình đẹp mùa chôm chôm", "Chiếc áo bà ba" là những bài hát có ca từ giản dị, gần gũi, mộc mạc và chạm đến tâm sự của nhiều người. Bởi vậy chúng được nhớ lâu, nhớ mãi. Nhưng như tôi đã nói, âm nhạc đối với tôi như một cuộc chơi. Con người khôn ngoan là khi lên đến đỉnh dốc cần biết dừng lại. Tôi chưa bao giờ hối tiếc, cũng không hoài niệm "một thời vang bóng".  Tôi đi hát tỉnh, lưu diễn nước ngoài và sáng tác nhạc, sống cuộc đời giản dị nhưng đầy tình yêu của một nghệ sĩ.

Ca sĩ Đình Văn: Tôi thấy mình như một gã lãng tử ảnh 3 Ca sĩ Đình Văn cùng vợ và con gái.

Một số sáng tác sau này của anh được đánh giá mờ nhạt, dễ dãi. Anh nói sao về điều này?

Từ năm 2000 đến nay, tôi sáng tác hơn 100 ca khúc. Một số ca khúc được hát bởi các ca sĩ nổi tiếng như  "Xóm nhỏ" (Quang Linh), "Thương áo bà ba" (Cẩm Ly), "Ba người bạn" (Ưng Hoàng Phúc),  "Nội ơi"(Đan Trường). ..Vì vậy, không thể nói các sáng tác của tôi không có dấu ấn. Tôi hay làm thơ và thường phổ nhạc những bài thơ của mình, có bài, ca sỹ Phi Nhung thích quá, tôi vừa viết ráo mực, cô ấy dùng ngay cho CD mới. Chỉ có điều, tôi không xuất hiện đều đặn, thường xuyên, cũng không quảng bá sản phẩm của mình nên ít người biết. Tôi ngại viết những ca từ quá đau buồn vì cuộc tình tan vỡ. Bởi cuộc tình nào dù không còn bên nhau thì vẫn đẹp như một kỷ niệm. Tại sao phải chà đạp kỷ niệm mà không nâng niu?

Cuộc sống hiện tại của anh thế nào?

Tôi kết hôn lần hai cách đây năm năm và có một con gái nhỏ hơn ba tuổi. Vợ tôi là một cô gái đẹp và có hiếu với cha mẹ. Ở tuổi này, tôi mới thấm thía rằng có nhiều tiền cũng chẳng để làm gì. Tôi ít nhận show hơn mà dành nhiều thời gian cho gia đình. Hiện thú vui của tôi là ở nhà chơi game, xem bóng đá và chăm con gái nhỏ.

Xin cảm ơn ca sĩ Đình Văn.

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
MỚI - NÓNG