Gameshow câu nước mắt

Giám khảo động viên thí sinh “gà trống nuôi con”.
Giám khảo động viên thí sinh “gà trống nuôi con”.
TP - Hết chuyện người cha nghèo thi hát bolero vì hai con bị bại não, lại tiếp  chuyện chàng trai miền Tây thi hát làm quà tặng cha đột quỵ… Khán giả xem gameshow  cũng chia làm nhiều phe: Người rưng rưng cảm động, kêu gọi làm từ thiện. Kẻ không ưa thì trách: Sao cứ lấy hoàn cảnh thí sinh để lôi kéo người xem? Riết thấy nhàm.

Hết cười đến khóc?

Có vị vặn:  Đưa hoàn cảnh vào gameshow (trò chơi truyền hình) thì có gì sai?  Rằng sai thì… chẳng có gì  sai. Đến cuộc chơi với mục đích gì mà chẳng được. Còn nhớ hồi “Ai là triệu phú” đang thịnh vượng, không ít bạn trúng ghế nóng thật thà khai: Mơ ước của tôi… là được một lần nhìn thấy anh… Lại Văn Sâm ngoài đời. Giản dị thế thôi. Anh Lại Văn Sâm chắc phấn khởi ít nhiều, còn khán giả vỗ tay rào rào tán thưởng.

Nhưng dạo gần đây, gameshow mọc lên quá nhiều. Trong  cảnh “trăm hoa đua nở”, “trăm đài đua tiếng” thành ra  khó chọn một “đóa hoa rực rỡ”  nhất. Người có sở thích tham gia gameshow  được thoải mái lựa chọn. Cùng với trào lưu phát triển của mạng xã hội, hình như cái tôi của người tham gia gameshow, lẫn người xem gameshow đều lớn dần lên, ít thấy người chơi nào lại hồn nhiên phát biểu: Tôi đến với gameshow vì mong muốn được một lần nhìn thấy anh, chị nào đó của nhà đài. Cũng bớt kiểu: Tôi tham gia gameshow vì ước một lần được lên ti vi. Thế thì  “quê” quá!

Có lẽ áp đảo hơn cả trong các loại gameshow, chính là gameshow hài. Nhờ loại gameshow này, ngành giải trí ở ta cũng có thêm một vài ngôi sao mọc lên từ “sau lũy tre làng”. Tiêu biểu là trường hợp của “gái quê” Lê Thị Dần trong “Thách thức danh hài”. Thoắt cái thành người nổi tiếng,  chị bỏ nghề làm kẹo nhãn, đóng cửa hiệu cắt tóc gội đầu, để chuyên tâm làm diễn viên.

Hiện tượng Lê Thị Dần đã thôi thúc nhiều người nuôi giấc mộng bước chân vào showbiz từ nhịp cầu gameshow. Nhưng gameshow hài quá nhiều dẫn đến chất lượng bấp bênh, người xem bội thực, Lê Thị Dần bắt đầu bị la ó, bị đề nghị trở lại “nghề được đào tạo”. Thế là một loại gameshow mới xuất hiện, đối nghịch gameshow hài,  không thèm chọc cười mà chỉ chăm chăm câu nước mắt khán giả từ đầu chí cuối.

Rủi ro từ… nước mắt

Ở ta, có những nghệ sỹ bỗng chốc thành “sao” vì hoàn cảnh đặc biệt. Còn nhớ hồi diễn viên, người mẫu nọ bị ung thư gây chấn động. Các trang báo mạng liên tục cập nhật tin tức về nam diễn viên này. Chưa đóng góp gì lớn cho nghệ thuật nhưng tên anh được phủ sóng rộng rãi.  Thậm chí sau khi anh đã về bên kia, người vợ góa của anh vẫn tiếp tục được báo mạng quan tâm theo kiểu: Sau một năm chồng mất, cô ấy sống thế nào?

Nhiều ngôi sao ở nước ngoài sau khi ánh hào quang tắt, đã trở về cuộc sống bình thường khó khăn, vất vả. Báo chí ở họ cũng đưa tin song không thấy có phong trào hô hào đóng góp giúp đỡ ngôi sao qua thời. Còn ở ta, tình hình có khác. Ngay trong các trò chơi truyền hình hoàn cảnh thí sinh vẫn luôn được điểm qua hoặc nhấn mạnh. Người ta từng biết gia cảnh đặc biệt của các quán quân “Giọng hát Việt nhí”. Có những thí sinh chẳng giành giải gì ở gameshow cũng vẫn “nổi” như thường nhờ “hoàn cảnh đặc biệt”.

Ca sỹ Hà My trong chương trình “Tình bolero hoan ca” (THVL) là một ví dụ. Tuy  phải dừng bước sau 4 vòng thi nhưng cái tên Hà My đã trở nên quen thuộc với khán giả từ những câu chuyện ngoài lề: Trước đây cô từng là ca sỹ nổi tiếng, bây giờ gia cảnh khó khăn, một mình nuôi bốn miệng ăn, trông chờ vào thu nhập đi hát phập phù.  Những mối quan hệ của cô cũng được khai thác triệt để: Hà My là cháu của nam danh ca Thái Châu, là “người xưa” của danh hài Hoài Linh… Cô thú nhận: “Tình bolero hoan ca đã thay đổi cuộc đời Hà My thêm một lần nữa. Chương trình đã giúp Hà My trở lại với ca hát, có nhiều show và cải thiện cuộc sống”.

Tuy nhiên trường hợp Hà My chỉ gợi sự thương cảm, chưa khiến người ta phải rơi nước mắt xót thương. Hiện nay, trò chơi truyền hình vô đối trong khoản câu  nước mắt khán giả thuộc về “Hát mãi ước mơ” (HTV7). Như MC Ốc Thanh Vân giới thiệu: Đây là chương trình âm nhạc rất đặc biệt, bởi thí sinh cất tiếng hát vì ai đó, vì một người thân trong gia đình, một người bạn trong lớp, một người hàng xóm… Cô kêu gọi: “Hãy cùng cất cao tiếng hát lấn át khó khăn”. “Được lời như cởi tấm lòng”, bao hoàn cảnh, bao  cuộc đời gian nan cứ “bơi” hết vào gameshow này.

Câu chuyện dậy sóng nhất gắn với thí sinh Đặng Hữu Nghị (đến từ huyện Bình Chánh, TP HCM). Anh đã khiến cả giám khảo lẫn người xem “Hát mãi ước mơ” rơi lệ khi ca: “Đành lòng gà trống nuôi con/Sao em nỡ bỏ con cho đành/Từ đây lo cấy lo cày/ Cho qua ngày tàn phai dấu xưa…”. Anh Đặng Hữu Nghị kể hoàn cảnh gà trống nuôi hai con bị bại não, vợ bỏ đi... Câu chuyện khiến dư luận nức nở, không ít người nhiễm bệnh kỷ lục đã bầu Đặng Hữu Nghị là người cha vĩ đại nhất Việt Nam.

Còn chàng trai miền Tây có tên Trung Hiếu lại mang đến cho khán giả “Hát mãi ước mơ” một câu chuyện khác nội dung nhưng chung hoàn cảnh: Anh là con trai út trong gia đình có hai chị em. Gia đình khó khăn vì người cha bị tai biến. Trung Hiếu đến với cuộc thi không mong kiếm được nhiều tiền hay được chú ý, mà muốn có món quà tặng cha… Người con hiếu thảo Trung Hiếu cũng khiến giám khảo và khán giả rưng rưng cảm động.

Đó là chỉ là hai trong vô số hoàn cảnh buồn ở “Hát mãi ước mơ”: Nào là  một cụ ông 67 tuổi đi thi  hát với mong muốn có chi phí chữa bệnh tim cho em gái quê nhà. Một người khác đi hát để kiếm tiền chữa bệnh cho cô gái 18 tuổi bị ung thư. Người nữa lại đi hát để kiếm tiền giúp đỡ người hàng xóm nghèo, neo đơn. Một người mẹ mù lòa thi hát lo hồi môn cho con gái v.v...

Nhiều người khen: “Hát mãi ước mơ”- Một gameshow nhân văn, ấm áp tình người, gây xúc động. Tuy nhiên, cũng có người “soi”: Gameshow kiếm ăn trên hoàn cảnh  thí sinh để thu hút người xem. Xem gameshow thấy giải trí gì đâu, toàn  nước mắt giống như xem chương trình “địa chỉ cho những tấm lòng  từ thiện”, “tấm lòng vàng” v.v.. Mỗi người mỗi ý.

Nhưng câu nước mắt khán giả cũng có khi gặp rủi ro. Câu chuyện về ông bố vĩ đại nuôi hai con bị bại não, có một kết thúc không mấy hay ho: Giữa lúc dư luận đang xúc động mạnh, nhiệt tình ủng hộ gạo, tiền, quần áo về địa chỉ của anh Đặng Hữu Nghị, vợ cũ của anh Nghị  bất ngờ “tố” ngược: Chị không bỏ con, anh Nghị đã không thật thà. Lúc này, người đáng thương lại trở thành kẻ đáng trách, anh đã phải công khai xin lỗi vợ cũ và các Mạnh Thường Quân. Câu chuyện của anh Đặng Hữu Nghị  rồi cũng lắng xuống nhưng một bộ phận khán giả ít nhiều hơi hẫng với với những gameshow “hoàn cảnh”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.