Phép vua thua lệ phí

Phép vua thua lệ phí
Thị Mẹt từ đâu chạy về la toáng lên: - Anh ơi sướng rồi! Quê ta sướng rồi! - Bà này khùng hay sao, quê ta vừa qua cơn bão lụt, lấy đâu ra mà sướng. Không lẽ ngồi trong nước lũ nhận quà cứu trợ gọi là sung sướng a?
Phép vua thua lệ phí ảnh 1

- Nhà nước vừa dẹp bỏ các loại lệ phí, có hơn ba trăm rưỡi loại lệ phí được dẹp bỏ!

- Lệ phí đâu mà lắm thế!

- Thì lệ phí tích tiểu thành đại từ nửa thể kỉ 20 đến đầu thế kỉ 21, từng đó chỉ một nửa loại lệ phí mà dân phải gánh chịu thôi.

Phải rồi. Bộ có lệ phí bộ, sở có lệ phí sở, tỉnh có lệ phí tỉnh, huyện có lệ phí huyện, rồi lệ phí xã, lệ phí phường, lệ phí trường, lệ phí xóm… tùm lum tùm la, nếu kiểm kê cho hết, bảo đảm hơn ngàn loại lệ phí là cái chắc.

Thị Mẹt vui vẻ:

- Bây giờ hơn ba trăm rưỡi lệ phí bị dẹp bỏ, dân mình nhẹ gánh đoạn trường, từ nay chỉ còn lại tiếng ca… he he.

Phải rồi! Cảm ơn Nhà nước quá. Nhớ lại ngày xưa có những loại phí vô lý ầm ầm, kêu trời không thấu. Khốn khổ nhất là món thủy lợi phí. Kênh mương dân đào, đê đập dân đắp, nước trời cho, vậy mà hàng năm phải nộp lệ phí dẫn thủy nhập điền sở tính hecta canh tác mỗi xã, cứ thế nhân phần trăm lên, trừ vào tiền thóc mỗi mùa thu hoạch.

- Chúng tôi có lấy nước của sở đâu, nước trời cho, sao lại bắt chúng tôi trả tiền! Dân biết một mà không biết hai, nước của trời, nhưng sở là con trời, sở không thu tiền thì ai thu?

Không thu lấy đâu tiền trả lương cho cán bộ thủy lợi xuống hướng dẫn cho dân đào mương đắp đập, lấy đâu tiền xây trạm máy bơm hoành tráng huyện nào cũng có?

Khổ ơi là khổ, lương cán bộ sở thì Nhà nước trả, trạm bơm thì dân góp tiền mua máy móc, xây lắp. Cả người coi trạm bơm dân cũng đã trả tiền, xăng dầu dân đóng góp hết trơn hết trọi, sao sở còn bắt dân nộp lệ phí?

Hu hu!

- Thôi không khóc nữa- Thị Mẹt quát to- Nhà nước đã dẹp rồi còn ngồi đó mà khóc.

Hu hu! Ngơ khóc vì không biết món thủy lợi phí đó dùng để làm gì? Hay đó chính là liên hoan phí, bồi dưỡng phí, quĩ đen phí? Mấy chục năm trời chớ có ít ỏi gì đâu.

- Thôi, mau về nhìn quê ta sung sướng!

Thị Mẹt và Ngơ hân hoan lái ô tô về quê. Mình là con cái quê hương, không về dịp này còn dịp nào nữa. Quê đây rồi. Roét! Yêu cầu quí khách dừng lại, mua vé qua đường.

- Em ơi, lại lệ phí- Ngơ thì thào.

Đường này lũ lụt xói lở, xã điều động dân chở mấy chục xe đá về san lấp, phải thu lệ phí qua đường.

Hu hu có 15 mét đường thôn cũng phải nộp hơn chục ngàn lệ phí. Roét! Yêu cầu quí khách mua vé qua cầu.

- Báo cáo đồng chí lệ phí… cầu này đường kia đều do ông bà bố mẹ cô bác cậu dì chúng tôi bỏ công bỏ của xây nên, chúng tôi được hưởng chút lộc không được sao?

Đồng chí lệ phí mặt lạnh như tiền:

- Ông bà bố mẹ cô bác cậu dì của anh qua đây cũng phải nộp.

- Ôi, sao lại thế ạ? Mình làm ra rồi mình lại nộp tiền cho người khác về cái mình làm ra, có đâu lạ đời như ở đây không?

- Muốn thắc mắc, mời lên xã.

Ôi thôi, nộp cho khỏe. Xã có bao giờ mở cửa giờ hành chính, buổi trưa mở cửa liên hoan, buổi tối mở cửa tổ tôm, ngày hai buổi im lìm đóng cửa, có đến mồng thất mới tìm ra xã.

Mà thắc mắc làm gì, Nhà nước mới xóa được lệ phí xuống đến tận huyện thôi, còn lệ phí xã phường trường thôn thiên hình vạn trạng xóa sao hết được. Mất có mấy chục ngàn đồng được về quê gặp bố mẹ, không ơn xã thì thôi, còn đi thắc mắc.

Bố mẹ ôm lấy Ngơ mừng rỡ:

- Xã mình ưu việt hơn xã hàng xóm đó con.

- Sao ạ?

- Xã hàng xóm, khách lạ về quê thăm bố mẹ không mang theo giấy giới thiệu, chứng minh thư bị phạt hành chính một trăm ngàn đồng lận!

Chu cha, xã ơi là xã!

- Mày đừng kêu nữa Ngơ ơi- Bố Ngơ hối hả giục - Mau lên xã lãnh tiền cứu trợ bão lụt cho bố.

Ngơ cầm tờ giấy trợn mắt há mồm:

- Bố ơi  tiền cứu trợ bão lụt sao phải nộp lại 20%?

- Nộp vào quĩ vì người nghèo- Lá rách ít bọc lá rách nhiều mà con.

- Nhưng nhà mình rách đến tận cùng rồi, còn gì đâu mà  bọc?

Bố Ngơ ôm mặt khóc ròng:

- Bố không biết. Có khi tiền đó là để bọc xã bọc huyện chớ không bọc dân nghèo đâu con ơi!

Hu hu!

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.