Trí Quang: 'Tôi cần tiền nhưng không chạy theo vai diễn'

Diễn viên Trí Quang.
Diễn viên Trí Quang.
Nam diễn viên không nhận cùng lúc nhiều phim vì muốn đảm bảo sức khỏe và có đủ thời gian chăm chút cho vai diễn.

- Quen thuộc với khán giả qua những vai khù khờ, cam chịu số phận bất hạnh, anh nghĩ sao về cái duyên của mình với dạng vai này?

- Kể từ khi vào nghề, ngoài vai diễn có chút tính cách phản diện trong phim Tường vi cánh mỏng, tôi luôn nhận những vai hiền lành, khù khờ, dễ bị ăn hiếp hoặc bị vùi dập, trong lòng chất chứa oán hận. Tôi luôn ao ước được đóng một vai phản diện mà cái ác trong nhân vật được đẩy tới tận cùng. Nhưng dường như đạo diễn không dám giao cho tôi vai ác. Một phần có lẽ họ thấy tính cách ngoài đời của tôi đơn giản, điềm tĩnh.

Hiện nay kịch bản hay rất khan hiếm, nhiều kịch bản hao hao nhau, dẫn đến nhân vật của phim này có đôi nét giống nhân vật của phim trước. Biết là có thể lặp lại một, hai điểm nào đó nhưng tôi vẫn nhận vì yêu nghề, yêu tính cách của nhân vật.

- Nhiều diễn viên hiện nay nhận cùng lúc nhiều phim để tăng thu nhập. Anh thì sao?

- Đúng là hiện nay nhiều diễn viên có thể chạy một lúc nhiều phim, và nhà sản xuất cũng tạo điều kiện cho diễn viên tranh thủ tối đa thời gian của mình. Tuy nhiên làm như vậy rất mệt, nhất là khi bạn nhận vai chính. Nếu cứ quay liên tục trong một tháng, ngày nào cũng từ 7h sáng đến 21h tối, bạn sẽ không có thời gian để ngủ, dành sức cho ngày làm việc tiếp theo. Tôi thuộc lứa diễn viên đã có tuổi, sức khỏe không cho phép ôm cùng lúc nhiều việc. Tôi chủ trương chỉ nhận một phim, hết phim này mới nhận lời phim khác. Tôi chú trọng chất lượng chứ không vì sức ép kinh tế mà chạy theo số lượng.

- Vậy anh giải quyết ra sao với những vấn đề phát sinh về kinh tế?

- Tôi có buôn bán thêm như mua đất, xây một căn hộ nho nhỏ rồi bán lại. Tuy nhiên, nguồn thu đó không ổn định. Thu nhập chính của tôi chủ yếu trông vào thù lao đóng phim.

Tôi nghĩ nhiều hay đủ đều do cách tiêu xài của mình. Biết xoay xở, không đi xe sang, dùng hàng hiệu, bạn vẫn có thể sống khỏe với thu nhập từ nghề diễn.

- Nhiều diễn viên than phiền, thù lao đóng phim nếu dùng để đầu tư phục trang cho vai diễn sẽ chẳng còn lại bao nhiêu. Bản thân anh thấy sao?

- Với mức thù lao được chi trả hiện nay, nếu diễn viên dành để đầu tư toàn bộ phục trang cho mấy chục tập phim thì số dư còn lại chẳng đáng bao nhiêu. Vì vậy, việc diễn viên dùng lại phục trang của các vai diễn trước là chuyện thường thấy. Điều này nếu lặp lại nhiều, dễ gây cảm giác nhàm chán cho khán giả, nhất là với diễn viên liên tục đảm nhận một dạng vai.

- Anh làm thế nào để không lặp lại mình trong một dạng vai đã trở nên quen thuộc?

- Riêng về phục trang, tôi cũng như các diễn viên khác, không thể khắc phục việc mặc lại quần áo từ những bộ phim đã quay trước đó.

Dù thường được đóng khung cho một dạng vai, mỗi vai diễn tôi nhận lại có những số phận, tính cách không giống nhau. Tôi cố gắng quan sát những con người ngoài đời thực để áp dụng vào nhân vật của mình. Tôi không chủ trương chạy cùng lúc nhiều phim cũng là để vai diễn của mình được trau chuốt.

Trí Quang: 'Tôi cần tiền nhưng không chạy theo vai diễn' ảnh 1 Trí Quang (áo vàng) đóng cùng người mẫu Trang Nhung trong phim Vết sẹo.

- Không chủ trương nhận nhiều phim nhưng anh lại dành thời gian rảnh cho sân khấu kịch. Điều gì ở sân khấu hấp dẫn anh?

- Kịch nói cho tôi cơ hội được sống hết mình với đam mê diễn xuất. Khi diễn kịch, tôi được sống với nhân vật nhiều giờ trên sân khấu nên cảm xúc không bị gián đoạn như khi quay phim. Trên phim trường, vai diễn của bạn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có khi đang có cảm hứng diễn xuất, gặp sự cố từ phía bạn diễn hay máy móc, diễn viên phải ngừng lại và chờ đợi. Còn trên sân khấu, diễn viên có đến 3 giờ để sống với nhân vật, cảm xúc không hề gián đoạn vì rất hiếm khi có sự cố sân khấu xảy ra.

Diễn trên sân khấu, tôi còn được giao lưu trực tiếp với khán giả. Tôi thích thú lắm khi đứng trên sân khấu, cảm nhận được tình cảm của người ngồi xem dành cho vai diễn của mình qua gương mặt họ. Với phim ảnh, đôi khi phải đợi vài tháng, thậm chí hàng năm, khi phim lên sóng, diễn viên mới nhận được phản hồi của khán giả. Cảm hứng làm nghề do đó cũng nguội hơn so với khi diễn trên sân khấu.

- Cảm giác của anh ra sao khi khán giả ngày càng ít quan tâm đến sân khấu?

- Nhiều khi diễn viên khóc cười, lăn lộn 3 tiếng đồng hồ trên sân khấu, nhìn xuống hàng ghế khán giả chỉ chừng 50 người, chúng tôi cũng chạnh lòng. Tôi có quan niệm “tích tiểu thành đại”. Mình cứ kiên trì diễn đều đặn, đến một lúc nào đó khán giả sẽ tự cảm nhận được và đến rạp đông hơn để thưởng thức những vở diễn được đầu tư, có chiều sâu về nghệ thuật.

Trí Quang: 'Tôi cần tiền nhưng không chạy theo vai diễn' ảnh 2

Trí Quang (phải) diễn cùng Ngọc Lan trong kịch Nửa đời ngơ ngác.

Bản thân tôi là diễn viên, chỉ biết diễn xuất. Nhưng những người chịu trách nhiệm sản xuất và lo đầu ra cho vở kịch còn chạnh lòng nhiều hơn khi thấy sân khấu vắng khách. Tôi khâm phục nghị lực của những nghệ sĩ như anh Thành Hội, chị Ái Như. Giữa hoàn cảnh như vậy, họ vẫn nỗ lực đầu tư những vở kịch có giá trị nghệ thuật cao. Đó cũng là một động lực để tôi gắn bó với sân khấu, dù thù lao mỗi suất diễn không nhiều.

- Khác với nhiều đồng nghiệp, anh khá an phận. Điều gì khiến anh chọn quan điểm sống đó?

- Đã có nhiều người nói tôi an phận, không biết tranh đấu để giành lấy những vai diễn hay. Tôi không nghĩ như thế, bởi mỗi người có mục đích riêng khi lựa chọn nghề nghiệp của mình. Tôi không thích bon chen trong showbiz vì sớm hiểu được sự hào nhoáng của nó. Ngày bé, tôi cùng các anh chị làm công quả trong chùa, được nghe các nhà sư thuyết pháp về lẽ vô thường của cuộc sống. Tôi ngộ ra, sự sống và cái chết chỉ cách nhau hơi thở, việc gì phải đặt nặng tham, sân, si. Chỉ khi nào bạn trải qua một biến cố lớn trong đời, bạn mới hiểu, rốt cuộc điều con người cần nhất trong cuộc sống này là sự bình an và một cái tâm thanh thản.

Trí Quang tên thật là Võ Ngọc Thi, sinh năm 1978 tại TP HCM. Anh vốn là cử nhân kinh tế nhưng lại rẽ ngang sang phim ảnh. Trí Quang lấy nước mắt khán giả qua nhiều bộ phim truyền hình như Bến sông trăng, Hướng nghiệp, Ngã rẽ cuộc đời, Nhịp đập trái tim, Long xích lô, Duyên nợ miền Tây, Vết sẹo...

Năm 2007, Trí Quang từng lọt vào top 5 đề cử của Giải thưởng Truyền hình. Sau một thời gian tham gia phim ảnh, anh lấn sân vào lĩnh vực kịch nói và ghi dấu ấn với vai Tư Nhớ trong vở Nửa đời ngơ ngác của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. 

Theo Châu Mỹ

Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG