Tùng Dương: Kẻ thành thật hay thích chơi ngông?

Nhiều nghệ sĩ Việt "lên đồng" trước phát ngôn về Bolero của Tùng Dương.
Nhiều nghệ sĩ Việt "lên đồng" trước phát ngôn về Bolero của Tùng Dương.
TPO - Mới đây, nhân tiện ra mắt liveshow, Tùng Dương tạo chú ý bằng cách đốt lại đám cháy đã cũ khi phát ngôn về Bolero.

Gần đây, trên rất nhiều trang báo, mạng xã hội nhắc tên Tùng Dương liên quan tới phát ngôn sốc về Bolero. Nhân sự kiện ra mắt liveshow, Tùng Dương chẳng hiểu cố tình hay hữu ý mà thêm một lần phàn nàn về làn sóng “nhà nhà người người hát Bolero, nghe Bolero”.

Tùng Dương cho rằng Bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. “Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với Bolero thì đúng là một sự thụt lùi”- câu nói của Tùng Dương chẳng cần quá lâu để tạo nên một cơn sóng phản đối, chỉ trích thực thụ.

Không chỉ thẳng thừng chê bai vì Bolero được chuộng, Tùng Dương còn tự tin mình là “người sáng tạo”. Thế nên, nam ca sĩ tự hào vì tâm trí mình luôn cầy xới những mảnh đất mới chứ nhất định không hát, không làm album Bolero vì sợ trở thành kẻ “ăn đóm theo tàn”.

Có thể thấy, phát ngôn của Tùng Dương đương nhiên gây sốc nhưng không mới và không lạ trong giới showbiz. Vì trước Tùng Dương, Quốc Trung hay Lê Minh Sơn cũng từng nhận không ít gạch đá vì "dám chê" Bolero. Lê Minh Sơn mạnh miệng: “Dưới góc độ kiếm tiền thì việc bùng nổ các đêm nhạc bolero là rất tốt nhưng đối với người sáng tạo thì đấy là sự trì trệ và đau khổ". Trong khi Quốc Trung không ngại va chạm tuyên bố: “Những thanh niên, trí thức trẻ tuổi thông thạo công nghệ, sành điệu hoặc sở hữu những bộ dàn Hi-End đắt tiền nhưng lại đắm đuối với những ca khúc uỷ mị, sướt mướt có cách đây gần 100 năm có gọi là bình thường hay không?”.

Quốc Trung cũng cho rằng việc các ca sĩ trẻ hướng theo dòng xưa, nhạc sến hiện nay “là làm màu, lười sáng tạo, chộp giật”.

Ngay cả Tùng Dương, trước bài phỏng vấn ngày hôm qua (21/8) về Bolero, anh đã từng “sướng ngôn” gây bão về dòng nhạc này. Cụ thể, Tùng Dương chia sẻ: “Tôi vẫn tôn trọng bolero, nhưng thời đại bây giờ không phù hợp nữa. Tôi nghĩ nếu các bạn ca sĩ, nhạc sĩ trẻ quá xa đà vào bolero thì đó sẽ là một bước thụt lùi của âm nhạc và không phát triển được, vì muốn phát triển, chúng ta phải hát những bài hát mới, kể cả bolero chúng ta cũng phải sáng tác mới để phù hợp với thời đại ngày nay chứ không thể hát nhạc cổ mãi. Tôi không lên án nhạc xưa, kể cả những bài nhạc cách mạng thì đều có thể làm mới và hát lại được, còn nếu quá xa đà vào bolero nghĩa là chúng ta đang quá lạm dụng trào lưu này rồi”.

Nói về một điều đã cũ, tại sao phát ngôn của Tùng Dương vẫn khiến dư luận ồn ào như thế? Một trong những người “lên đồng” dữ dội nhất trước phát ngôn của Tùng Dương phải kể đến Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên… Thật trùng hợp khi chỉ vài ngày nữa, Đàm Vĩnh Hưng làm liveshow chuyên về Bolero. Lệ Quyên thì lần nào lên sân khấu cũng không thể thiếu màu sắc âm nhạc này. Hẳn tới đây, cả hai nhân vật này còn dự định kết hợp để làm một show hoành tráng, nghe nói có tên gọi “Tuyệt đỉnh Bolero”. Vì vậy, Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên “nổi điên” là hợp nhẽ!

Vốn là người nổi tiếng “chua ngoa”, Đàm Vĩnh Hưng chỉ thẳng mặt đàn em đốp chát: “Em đang tự ảo tưởng cho mình là ai đó ghê gớm lắm”. Đàm Vĩnh Hưng khẳng định anh không thèm lên tiếng mà “để cho cuộc đời và những chiếc vé đựơc bán sạch, những lời mời với những con số chót vót và những đêm diễn kín chỗ ngồi... trả lời quý vị!”.

Nhân thể sự bức xúc của Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên nhào vô động viên, đồng thời lên tiếng thách thức: “Hát thử một bài Bolero đàng hoàng xem, nhiều ai đó sẽ cúi rập đầu bái phục, có điều làm không nổi, cho nên cái cơ hội rập đầu đó coi bộ phải để kiếp sau. Khổ thật, cứ vậy hoài, không sợ mọi người nói ganh tỵ ta?".

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.