Vì sao Bolero được ưa chuộng từ nông thôn tới thành thị?

Nhạc sĩ Minh Châu (người mặc áo đen) trong tọa đàm về Bolero.
Nhạc sĩ Minh Châu (người mặc áo đen) trong tọa đàm về Bolero.
TPO - “Tôi luôn luôn trân trọng tất cả những thành tựu âm nhạc của Việt Nam từ xưa đến giờ. Bolero cũng là một trong số đó. Chức năng của người nghệ sĩ là trân trọng cái cũ và đi tìm cái mới…”- là chia sẻ của nhạc sĩ Minh Châu trong tọa đàm có chủ đề Bolero.

Vẫn xoay quanh những tranh cãi về dòng nhạc Bolero thời gian gần đây, chiều 6/9, báo Thể thao và văn hóa đã tổ chức tọa đàm về dòng nhạc này. Các khách mời của tọa đàm gồm: nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện; nhạc sĩ Minh Châu; “Chuyên gia” nghiên cứu nhạc bolero Trần Hữu Ngư và nhà Nhà báo Nguyễn Minh.

Các khách mời đã có những chia sẻ thẳng thắn về chủ đề Bolero. Trước thực tế, Bolero được coi là một dòng nhạc và trở lại ồ ạt trong thời gian gần đây, “chuyên gia” nghiên cứu nhạc bolero Trần Hữu Ngư nói: “Nói Bolero là một dòng nhạc không có gì sai. Trước năm 1975, hầu như nhạc sĩ nào cũng dính tới nhạc Bolero. Tôi không hiểu vì sao lúc đó, dòng nhạc này được hưởng ứng rất lớn từ thành thị tới nông thôn. Phải nói thêm rằng Bolero được sinh ra ở thành thị nhưng cái nôi nuôi dưỡng nó lại là nông thôn. Tại sao Bolero lại được yêu như vậy? Tôi thấy hình như Bolero hát lên là mỗi người có tâm trạng. “Anh ơi, tôi lên đường phố cũ tìm anh…” là có mình trong đó”.

Trước câu hỏi: Vì sao Bolero qua rất nhiều thời kì thu hút được đông đảo công chúng âm nhạc, ông Trần Hữu Ngư lý giải: “Thứ nhất, Bolero dễ ca, thứ hai là dễ thuộc, dễ cảm. Một bài hát dễ ca, dễ thuộc là người ta thích, hay dở chưa biết. Và Bolero không triết lý, không sính chữ, hát lên là người ta hiểu. Và người ta hiểu sẽ thấy hay”.

Nhạc sĩ Minh Châu bổ sung thêm, Bolero được yêu thích vì nó nói về tâm sự cá nhân chứ không phải đề cập tới những vấn đề cao siêu gì hết. Mỗi người nghe đều thấy mình trong đó.

Ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện là quan trọng ở chỗ, giai điệu của Bolero rất gần gũi và thấm đẫm chất liệu dân ca Việt Nam.  

Bên cạnh đó, hầu hết các khách mời không đồng tình với việc làm mới Bolero vì: “Người ta mê Bolero hay Bolero sống được là nhờ cái giai điệu của nó. Anh làm mới là nó mất đi cái hay của nó”- ông Trần Hữu Ngư chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, nhạc sĩ Minh Châu chia sẻ: “Mỗi bản nhạc có nhạc tính của nó. Nếu mình chế biến nó hay thay đổi với một tiết tấu khác sẽ khiến nó trở nên dị dạng. Tức là mình đã lôi nó ra khỏi ngữ cảnh của nó. Nó trở nên xa lạ. Chúng tôi không thích cải biên, làm mới Bolero. Hoặc cải biên, làm mới phải ở một mức độ nào đó, đừng làm nó biến dạng”.

Trong tọa đàm, nhà báo Nguyễn Minh cho rằng mọi lo lắng về sự trở lại ồ ạt của Bolero là không đáng và không có gì phải ầm ĩ như vậy. “Việc hát nhạc xưa từng là một trào lưu không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Ngay cả những ngôi sao quốc tế có tên tuổi như Lady Gaga… Thế nên việc Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm hay Hồ Ngọc Hà hát nhạc xưa chẳng có gì đáng lo ngại”- nhà báo Nguyễn Minh bày tỏ.

Anh nói thêm: “Việc nhạc hàn lâm không phát triển ở Việt Nam không liên quan tới việc Bolero trở lại ồ ạt. Bolero không có lỗi. Đến một thời điểm nào đó có thể thay đổi, có thể một ngày nào đó Bolero biến mất như nó từng biến mất… Hãy để những dòng nhạc phát triển một cách khách quan. Mỗi dòng nhạc có khán giả của riêng mình. Chúng ta đang quá lo lắng vì những điều không nên lo lắng. Có rất nhiều dòng nhạc cùng tồn tại đấy thôi. Chúng ta mất quá nhiều thời gian để nói về Bolero”.

Trong khi đó, nhạc sĩ Minh Châu cho rằng anh trân trọng những thành tựu âm nhạc của Việt Nam từ xưa đến giờ nhưng chức năng của một người nghệ sĩ là phải sáng tạo. “Người ăn mày cái cũ không phải nghệ sĩ, người nghệ sĩ phải tìm cái mới đóng góp vào những cái cũ”- nhạc sĩ Minh Châu nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG