Bát nháo thi thử

Bát nháo thi thử
Chỉ còn vài ngày nữa là các thí sinh chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, nhưng nhiều lò luyện cấp tốc vẫn chưa dừng hoạt động mà còn "nóng" hơn với dịch vụ thi thử...

Tại Hà Nội, ngoài phố Tạ Quang Bửu, các lò luyện thi xung quanh trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Sư phạm cũng nở rộ dịch vụ thi thử.

Ông Nguyễn Minh Tiến, phụ trách Trung tâm luyện thi số 15, ngõ 336 đường Nguyễn Trãi chào đón:

"Chiều ngày 28.6 vẫn còn một buổi thi thử môn Lịch sử với giá 15.000 đồng/môn. Chỉ sau một ngày là biết kết quả thi, người ra đề và chấm thi đều là các thầy giỏi của trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn...".

Được biết, cũng tại trung tâm này, trong tháng 6, mỗi tuần trung tâm đều tổ chức thi thử một lần cho từng khối thi, mỗi môn thi và đã thu hút hàng trăm thí sinh đăng ký dự thi.

Đây cũng là thời điểm mà các lò luyện đang bội thu với việc bán ra các đề thi thử có đáp án kèm theo. Mỗi đề thi thử + đáp án được bán với 2.000 đồng; cả bộ đề cho mỗi khối thi trong tất cả các đợt thi thử vừa qua được bán với giá 30.000 đồng.

Nhiều đề thi có đáp án viết tay nguệch ngoạc, chất lượng in rất kém nhưng vẫn có nhiều thí sinh mua về để tự "thử sức" tại nhà.

Trong khi đó, Trung tâm luyện thi số 1 Tạ Quang Bửu, Hà Nội với địa thế thuận lợi cộng với nhiều hình thức quảng cáo bắt mắt luôn là nơi lập kỷ lục về lượng thí sinh đăng ký luyện thi cũng như số lượng học sinh tham gia thi thử.

Chị nhân viên ngồi ở bàn tuyển sinh của trung tâm này cho biết, trung tâm đã tổ chức 3 đợt thi thử đối với tất cả các khối thi ĐH và lần nào cũng có hàng ngàn thí sinh tham gia.

Cũng theo chị nhân viên này, đối với những môn thi tự luận, do thí sinh dự thi quá nhiều mà thầy chấm thi lại có hạn nên phải sau 2 tuần mới có kết quả. Tại trung tâm luyện thi "Bác Lân" (số nhà 32, ngõ 30, phố Tạ Quang Bửu) cũng vậy, đợt thi nào cũng thu hút rất đông thí sinh tham gia thi.

Với giá tiền 20.000 đồng/môn thi trắc nghiệm, 15.000 đồng/môn thi tự luận kèm theo những lời quảng cáo hấp dẫn như: đề thi sát với đề của Bộ GD-ĐT, bài thi do các giảng viên có uy tín và kinh nghiệm của các trường ĐH chấm..., rất nhiều thí sinh đã không ngại ngần thi thử. Thậm chí có thí sinh còn tham gia thi thử tới 2-3 lần.

Võ Thị Thúy Hằng (Bắc Ninh) đến lấy kết quả thi của tuần trước cho biết: "Tuy không tham gia khóa học ôn cấp tốc nhưng vì ở gần Hà Nội nên em xin được lịch thi thử của trung tâm và đến ngày thi em lại sang đây để tham gia. Tổng cộng em cũng thi thử 3 lần rồi!".

Kết quả không đáng tin cậy

Tại các đợt thi thử này, những môn thu hút nhiều thí sinh tham gia nhất là những môn thi theo hình thức trắc nghiệm. Tâm lý chung của các thí sinh là thi thử để luyện kỹ thuật làm bài trắc nghiệm và làm quen với tâm lý phòng thi. Tuy nhiên, nhiều thí sinh đã thực sự thất vọng với cách tổ chức thi của các lò luyện này.

Minh Hùng (Phú Thọ) cho biết: "Em tham gia thi thử cả 3 môn khối A, chủ yếu để làm quen với không khí trường thi nhưng sự thực lại không như những gì  trung tâm đã quảng cáo. Phòng thi có hàng trăm thí sinh ngồi chen chúc nhau, giám thị thì chẳng thấy đâu, việc thi cử rất nhốn nháo...".

Còn thí sinh Mai Thục Lan (Hòa Bình) thì cho biết, việc tổ chức thi thử chỉ thực sự được tiến hành nghiêm túc với những bạn đã học ôn ở trung tâm một thời gian dài. Còn những người không học ôn ở trung tâm mà chỉ đăng ký thi các kỳ thi đại trà với hàng nghìn người tham gia thì kết quả sẽ chẳng nói lên điều gì.

Với những đợt thi đại trà, để tăng thêm lợi nhuận, các trung tâm còn tìm cách tiết kiệm tối đa chi phí tổ chức. Phòng thi chật chội, ngồi chen chúc nhau đã đành; việc chấm bài thi cũng không phải do các giảng viên ĐH chấm như lời quảng cáo.

Bởi lẽ các thầy cô phải chạy sô ở các lớp luyện thi cấp tốc, chắc chắn không có thời gian để chấm hàng ngàn bài thi của những đợt thi thử đại trà. Hầu hết các trung tâm đều phải thuê sinh viên chấm với giá 3.000 - 4.000 đồng/bài, "vừa nhanh, vừa rẻ" - một chủ lò luyện tiết lộ.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Duy Kha, Trưởng phòng Khảo thí - Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD - Bộ GD-ĐT, cho rằng:

Không có một cơ quan chức năng nào đứng ra kiểm soát chất lượng của những đợt thi thử này nên thí sinh tham dự các kỳ thi đó không nên quá tin tưởng vào kết quả bài thi và cũng không nên coi đó như một cuộc tập dượt thực sự cho kỳ thi ĐH.

Theo ông Kha, sở dĩ phải khuyến cáo như vậy vì các lò luyện thi tổ chức thi thử mang nặng tính kinh doanh, lợi nhuận; đề thi và đáp án chắc chắn không thể sát với thang điểm cũng như cách đánh giá, phân loại của Bộ GD-ĐT.

Đó là chưa loại trừ khả năng việc ra đề, chấm thi còn "nương" theo khả năng của người học tại trung tâm khiến học sinh lầm tưởng rằng mình theo học ở trung tâm đó là có khả năng làm tốt bài thi ĐH.

Theo Tuệ Nguyễn
Thanh niên

MỚI - NÓNG