PGS - TS Tôn Thân (Chủ biên SGK Toán 6 hiện hành):

Hành trình biến mất của bàn tính gẩy

Hành trình biến mất của bàn tính gẩy
TP - Với những người thuộc các thế hệ 5X, 6X, 7X, chiếc bàn tính gẩy là hình ảnh khá quen thuộc thời họ còn là học sinh phổ thông. Nhưng việc chiếc bàn tính biến mất khỏi SGK từ bao giờ thì ngay cả những giáo viên dạy Toán lâu năm cũng không tường tận.
Hành trình biến mất của bàn tính gẩy ảnh 1
Sách số học lớp 6 (NXB Giáo dục - 1978) có in hình bàn tính gẩy

Lục tìm trong thư viện của NXB Giáo dục, chúng tôi mới dần dần khám phá ra “hành trình mất tích” của chiếc bàn tính.

Điểm xuất phát tìm kiếm của chúng tôi là cuốn Số học lớp 6 phổ thông (NXB Giáo dục 1978). Rất dễ nhận thấy thời điểm xuất bản cuốn sách là thời hoàng kim của chiếc bàn tính gẩy bởi chính nó đã được sử dụng làm hình ảnh minh họa duy nhất trên bìa sách. 

Đến SGK môn Toán lớp 6 chương trình cải cách (1981 - 2001) tình hình trở nên phức tạp. Sách Toán 6 tập một đến bản in năm 1991 dù bìa không còn hình vẽ chiếc bàn tính nhưng nội dung vẫn có ba bài nói về cách sử dụng bàn tính: Bàn tính (bài 15), Cộng bằng bàn tính (bài 16), Trừ bằng bàn tính (bài 17).

Trong cuốn này, chiếc bàn tính được giới thiệu như sau: “Một số dân tộc trên thế giới từ lâu đã biết sử dụng bàn tính để thực hiện một cách tiện lợi các phép cộng, trừ, nhân, chia các số tự nhiên, các số thập phân, đặc biệt là các phép cộng, trừ”.

Chúng tôi mở bản in năm 1998 và không hề có ba bài về bàn tính gẩy (theo trí nhớ của nhiều giáo viên dạy Toán, bản in năm 1998 chỉ là sách tái bản của SGK cải cách đã được chỉnh lý sau năm 1991). Thậm chí, hình ảnh minh họa lớn nhất của bìa sách là hình vẽ chiếc máy tính bỏ túi của hãng SHARP.

Trong nội dung cuốn sách, chiếc bàn tính gẩy tuyệt nhiên không được nhắc đến. Máy tính điện tử không chỉ là  nội dung một đề mục nhỏ trong bài đọc thêm mà được viết thành hai bài: Hệ nhị phân. Máy tính điện tử (bài 21); Máy tính bỏ túi (bài 22). Và câu “Máy tính điện tử là một thành tựu...” cũng được nhắc lại.

Hành trình biến mất của bàn tính gẩy ảnh 2
SGK Toán lớp 6 hiện hành

Tại sao bị gạt khỏi SGK?

Nhà giáo Lê Hải Châu, tác giả các cuốn sách Toán 6 chương trình cải cách, nay tuổi đã cao giải thích ngắn gọn: “Hồi ấy chẳng ai dùng bàn tính nữa nên người ta bỏ, không dạy”.

Trong quá trình tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi gặp nhiều câu trả lời tương tự. Theo ông Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó Tổng giám đốc NXB Giáo dục, việc bỏ các bài dạy về sử dụng bàn tính gẩy ra khỏi chương trình là hợp lý trong tình hình hiện nay.

Theo ông Quang, từ cách đây hàng chục năm, chiếc bàn tính gẩy ngày càng trở nên khó tìm mua trong khi chiếc máy tính bỏ túi tràn ngập thị trường với giá rất rẻ (bất kỳ học sinh nào cũng có khả năng sở hữu một chiếc). Đã vậy, máy tính bỏ túi là một công cụ rất hữu dụng (tính nhanh, tính chính xác). Hơn nữa, trong chương trình môn toán phổ thông của các nước trên thế giới, đại đa số không dạy bàn tính gẩy.

Ông Quang giải thích: “Bàn tính gẩy có xuất xứ Trung Quốc. Do đó, việc Trung Quốc chú trọng dạy học sinh sử dụng bàn tính gẩy chẳng qua là họ muốn đề cao giá trị truyền thống của họ. Chúng ta không nên bắt chước họ”.

Nhà giáo Vũ Hữu Bình, tác giả các cuốn Toán 6 chương trình hiện hành cũng đồng quan điểm với ông Nguyễn Đăng Quang nhưng không đồng tình về nhận định chiếc bàn tính gẩy khó mua. “Hồi ấy việc mua chiếc bàn tính gẩy khá dễ. Hơn nữa, học sinh có thể tự làm được. Nhưng trong thực tế đời sống xã hội thì không còn ai dùng bàn tính gẩy. Do đó, các trường tuy có bàn tính gẩy nhưng người ta cũng không chú trọng dạy cho học sinh” - thầy Vũ Hữu Bình nói.

Cũng theo thầy Vũ Hữu Bình, dù không cần thiết phải dạy bàn tính gẩy cho học sinh phổ thông nhưng cũng nên có những chuyên gia nghiên cứu về bàn tính gẩy và không nên để kỹ năng sử dụng công cụ này mai một.

Đáng tiếc!

Thạc sỹ Vũ Kim Thủy, Phó TBT Tạp chí Toán tuổi thơ cho biết ông đã sang Singapore và thấy bạn khá xem trọng bàn tính gẩy. Theo họ, bàn tính gẩy là công cụ hữu hiệu giúp học sinh phát triển tư duy và kỹ năng tính nhanh. Không chỉ vậy, các nhà giáo dục Singapore rất xem trọng kỹ năng tính toán của học sinh.

Từ năm 1996 đến nay, hàng năm bạn tổ chức các kỳ thi chọn học sinh sang Singapore học phổ thông theo chương trình học bổng của ASEAN (đầu vào là học sinh lớp 9). Với môn Toán, Singapore quy định học sinh vào phòng thi không được mang máy tính bỏ túi. Mọi phép tính thí sinh phải tự làm bằng tay. Ví dụ đó cho thấy Singapore có ý thức như thế nào trong việc phá bỏ sự lệ thuộc của học sinh vào các công cụ tính toán hiện đại.

Ở nước ta, theo ThS Vũ Kim Thủy, việc các nhà làm chương trình toán phổ thông bỏ qua bàn tính gẩy là điều đáng tiếc.

“Theo cách nhìn nhận của những người làm toán chúng tôi, bàn tính gẩy là công cụ giúp học sinh hiểu bản chất của các phép tính trong số học (cộng, trừ, nhân, chia). Sở dĩ người ta gạt bỏ bàn tính gẩy, không dạy cho học sinh nữa là bởi những người làm chương trình cho rằng nó lạc hậu.

Tôi cho rằng vấn đề ở đây là do nhìn nhận chưa đúng tầm quan trọng của bàn tính gẩy đối với quá trình hình thành tư duy toán học trong một đứa trẻ. Người ta chỉ đơn giản nghĩ rằng máy tính điện tử là thành tựu tuyệt vời, là quan trọng nên chọn máy tính điện tử và bỏ bàn tính gẩy.” – Thạc sỹ Vũ Kim Thủy bày tỏ. 

Quý Hiên (thực hiện)

PGS - TS Tôn Thân (Chủ biên SGK Toán 6 hiện hành):

Nên đưa bàn tính gẩy vào tài liệu ngoại khóa

Ông Thân cho biết, ở Nhật, một nước phát triển máy tính điện tử nhất thế giới, máy tính bỏ túi thì bán vô cùng rẻ, vậy mà họ vẫn cho học sinh dùng bàn tính gẩy (gọi là Soroban).

Hằng năm, họ còn tổ chức những cuộc thi sử dụng bàn tính gẩy. Thậm chí, họ còn tổ chức thi tính toán nhanh giữa những người sử dụng bàn tính gẩy với những người sử dụng máy tính bỏ túi. Có nhiều trường hợp người sử dụng bàn tính gẩy thắng. Theo các nhà toán học Nhật Bản, khi sử dụng bàn tính gẩy, học sinh không chỉ làm toán như một cái máy mà phải tư duy, tìm tòi phát hiện để tìm ra con đường giải quyết tốt nhất cho một bài toán.

Thực tế, ở nước ta hiện nay việc đưa bàn tính gẩy vào giảng dạy trong nhà trường là rất khó, bởi chính giáo viên cũng chẳng biết sử dụng, lại thiếu tài liệu; còn học sinh thì quá quen với máy tính bỏ túi rồi nên cũng không có hứng thú với bàn tính gẩy.

Quý Hiên (thực hiện)

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.