Rối giáo dục di sản trong trường học

Rối giáo dục di sản trong trường học
TP - Trong bản đánh giá công bố sáng 7-3, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Hội di sản văn hóa cho biết, các dự án đưa di sản vào trường học vài năm qua dù ít nhiều thu được tác động tích cực, nhưng còn không ít thách thức đối với các nhà quản lý giáo dục, văn hóa.

> Khai mạc Tuần lễ Văn hóa và Phát triển

Văn phòng UNESCO Hà Nội hỗ trợ kinh phí và phối hợp chuyên môn với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa (CCH), thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam thực hiện dự án “Giáo dục di sản trong nhà trường tại Việt Nam” từ năm 2009.

Di sản thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, bảo tàng, di sản vật thể và phi vật thể… được đưa vào nhà trường dưới nhiều hình thức từ bài giảng chính quy đến giờ học ngoại khóa. Các dự án mới thí điểm tại trường Tư thục Nguyễn Văn Huyên, THCS Lê Ngọc Hân, THCS Cầu Diễn, THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội); THCS Tử Nê, THCS Thanh Hối (Hòa Bình). Dự án Tăng cường năng lực tiếp cận và phản ánh thông tin cho giới trẻ nhằm bảo tồn các giá trị di sản văn hóa thông qua các hoạt động Dự án ở Đăk Nông và Hà Nội. Quảng Ninh thực hiện dự án Xây dựng bộ tài liệu về Giáo dục môi trường dành cho giáo viên “Giáo dục bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long”.

Hướng giáo dục mới này phần nào mang lại những đổi mới nhất định trong phương pháp dạy và học, khuyến khích học sinh hiểu giá trị và trải nghiệm các di sản văn hóa trước hết là di sản xung quanh nhà trường, địa phương. Sau chuyến thăm bảo tàng của học sinh trường THCS Lê Ngọc Hân, các em tái tạo lại chiếc mũ rơm, mô hình áo trấn thủ bằng giấy...

Tuy nhiên, theo đánh giá do các chuyên gia do PGS.TS Nguyễn Văn Huy trình bày, nhược điểm của đa số dự án là những người thực hiện chỉ hiểu về di sản văn hóa và truyền thống văn hóa ở mức chung chung, theo lối mòn. Chưa kể đến hàng loạt thách thức mà chính những người thực hiện vấp phải: thiếu và không có sự tham gia, giám sát của các cơ quan quản lý giáo dục. Bản thân ngành văn hóa chưa thực sự cung cấp đủ thông tin tại các di sản, di tích và bảo tàng.

Trong bản báo cáo đánh giá do tám thành viên thuộc Văn phòng UNESCO Hà Nội, CCH, hiệu trưởng một số trường học thực hiện, các nhà chuyên môn mạnh dạn đưa khuyến nghị về quan điểm giáo dục di sản, tiếp cận giáo dục di sản trong nhà trường và nâng cao năng lực của giáo viên, cán bộ di sản về giáo dục di sản trong nhà trường. Những thay đổi này giúp đưa di sản vào chương trình đủ các cấp học.

ThS. Nguyễn Lăng Bình, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, không chỉ để trẻ đi tham quan ào ào, mà cần định hướng. Với học sinh tiểu học, hình thức đơn giản khi đi thăm di tích chùa chỉ cần để trẻ nhận được màu cờ, đếm số pho tượng...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG