Dạy thêm phải xin phép hiệu trưởng

Ảnh minh họa: Xuân Phú
Ảnh minh họa: Xuân Phú
TP - Trong trường phổ thông không được tổ chức dạy thêm với học sinh tiểu học hoặc học sinh học 2 buổi/ngày, giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa của mình ngoài nhà trường phải xin phép hiệu trưởng…

> Không trả lương nhà giáo quá 200 giờ dạy thêm/năm

Đó là những nội dung được nêu ra trong quy định về dạy thêm học thêm mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành.

Ảnh minh họa: Xuân Phú
Ảnh minh họa: Xuân Phú.

Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT, các quy định trong Thông tư 17 nhằm áp dụng cho hoạt động dạy thêm có thu tiền.

“Trong nguyên tắc dạy thêm, đối tượng học là học sinh có nhu cầu, tự nguyện học và được gia đình đồng ý. Nếu như quy định cũ chỉ nêu ngắn gọn không được ép buộc học sinh học thêm để thu tiền thì trong quy định mới nêu rõ hơn, không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc”, ông Chuẩn nói.

Quy định mới yêu cầu các trường không tổ chức lớp dạy thêm theo các lớp học chính khóa, học sinh trong cùng một lớp học thêm phải có học lực tương đương nhau.

Thu hẹp phạm vi được dạy thêm của giáo viên

Về thu và quản lý tiền học thêm, Thông tư 17 chỉ đưa ra những nội dung có tính nguyên tắc chung, không đưa ra mức thu. Thậm chí, nếu như văn bản trước đây yêu cầu UBND tỉnh/thành phố quy định mức thu thì thông tư bỏ nội dung này.

Vì vậy, mức thu hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường. “Đặc biệt, về nguyên tắc quản lý, Thông tư 17 nêu, nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường, giáo viên dạy thêm trong nhà trường không được trực tiếp thu, chi tiền học thêm.

Đây là một điểm mới hoàn toàn so với trước”, ông Đoàn Văn Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT chia sẻ.

Giải thích tại sao lại có quy định giáo viên đang dạy trong các trường công lập tuy được tham gia dạy thêm nhưng không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường, ông Ninh nói: “Không cấm dạy thêm mà chỉ cấm dạy thêm sai quy định.

Giáo viên hưởng lương ngân sách là diện phải thực hiện các điều khoản trong các luật cán bộ công chức, luật phòng chống tham nhũng… Nếu họ tổ chức dạy thêm hoặc đứng ra thu tiền là vi phạm các luật trên.

Thực tế hiện nay không chỉ thầy nào dạy thêm môn đó mà còn đứng ra tổ chức dạy thêm và mời các giáo viên khác tham gia dạy. Quy định đưa ra nhằm hạn chế hoạt động kinh doanh trong dạy thêm của giáo viên”.

Dạy thêm phải xin phép

Theo Thông tư 17, dù dạy thêm trong nhà trường hay ngoài nhà trường, các đơn vị/ tổ chức/ cá nhân phải xin phép Sở GD&ĐT hoặc Phòng GD&ĐT (tuỳ theo nội dung dạy thêm thuộc cấp học nào).

Với các nhà trường, trong hồ sơ xin phép tổ chức dạy thêm có nêu rõ mức thu và phương án chi tiền học thêm, phương án tổ chức dạy thêm.

Với các lớp dạy thêm ngoài nhà trường, tổ chức/ cá nhân đứng ra xin phép mở lớp phải trình danh sách trích ngang các giáo viên tham gia dạy thêm, có đơn xin dạy thêm (có dán ảnh) có xác nhận của hiệu trưởng nhà trường đối với những giáo viên đang dạy tại các cơ sở giáo dục công lập.

Ngoài ra, trong bản kế hoạch tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm của tổ chức/ cá nhân ngoài nhà trường phải nêu rõ các nội dung: đối tượng học thêm, nội dung dạy thêm, địa điểm, cơ sở vật chất, mức thu tiền học thêm…

Ưu điểm nổi bật của Thông tư 17 (so với các quy định trước đây và so với chính dự thảo ban đầu của thông tư này) là “cắt” được ý định lách quy định đối với dạy thêm bậc tiểu học.

Theo đó, không được phép dạy thêm các môn văn hóa với học sinh bậc tiểu học mà chỉ được dạy thêm các môn năng khiếu (nghệ thuật, thể dục) và kỹ năng sống.

Tuy nhiên, trong Thông tư 17 không thể hiện rõ nội dung giữa gia sư với dạy thêm khác gì nhau, lớp có quy mô học sinh bao nhiêu học sinh trở lên được xem là lớp dạy thêm và phải xin phép.

Hoặc với quy định giáo viên khi dạy thêm học sinh chính khoá của mình ở lớp học thêm ngoài nhà trường, các nội dung trong thông tư cũng không nêu bật được những căn cứ để các cơ quan chức năng dựa vào đó để kiểm soát.

1. Không dạy thêm đối với học sinh được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày.

2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;

b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khoá khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

(Điều 4, Quy định về dạy thêm, học thêm, ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG