Khi các địa phương toàn quyền

Khi các địa phương toàn quyền
TP - Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD&ĐT phân cấp triệt để quyền tự chủ cho các địa phương, bỏ chấm chéo, bỏ thanh tra ủy quyền: Nhiều cán bộ giáo dục cho rằng kỳ thi sẽ diễn ra nghiêm túc.

> Lịch thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2012

Bỏ chấm chéo, bỏ thanh tra ủy quyền

Năm nay là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT bỏ hẳn lực lượng thanh tra ủy quyền (cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ được Bộ ủy quyền đến làm thanh tra cắm chốt tại các hội đồng coi thi).

Lực lượng này bắt đầu xuất hiện từ năm 2007, kỳ thi đầu tiên thực hiện phong trào hai không mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (lúc đó là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) phát động.

Ngay mùa thi năm đó, thanh tra ủy quyền đã lập công ở hội đồng coi thi GDTX Lương Tài (Bắc Ninh): phát hiện một vụ tổ chức giải đề thi ngay trong hội đồng coi thi. Nhưng những mùa thi sau, thanh tra ủy quyền không thể hiện được vai trò gì đáng kể và vì thế, Bộ GD&ĐT dần dần rút gọn lực lượng này.

Một quy định khác xuất hiện trong thời kỳ hai không là chấm chéo bài thi tự luận, năm nay được bãi bỏ.

Tuy nhiên, theo nhiều địa phương, dù chấm chéo, những tiêu cực trong thi cử khó mà chấm dứt nếu như khâu coi thi bị buông lỏng.

Vì vậy, dần dần chấm chéo được các địa phương cho đó là một giải pháp chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn…

Đã vậy, từ chấm chéo lại nảy sinh hiện tượng tiêu cực mới là bắt tay nhau để chấm khiến Bộ GD&ĐT phải đứng ra giải quyết ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mùa thi năm ngoái.

Đó là những lý do để bắt đầu từ năm nay Bộ GD&ĐT giao hết quyền chấm thi cho các địa phương, bài của thí sinh tỉnh/ thành nào thì tỉnh/ thành đó tự chấm.

Thí sinh quay cóp, giám thị bị phạt

Trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều cán bộ quản lý thi ở các địa phương cho rằng, không thể có chuyện lộn xộn như trước đây trong kỳ thi tốt nghiệp, cho dù Bộ phân quyền cho các địa phương.

Ông Đàm Ngọc Hùng, Phó trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT Bắc Kạn, nhận xét, nếu vì địa phương tự tổ chức, tự giám sát kỳ thi mà kỷ cương thi cử không nghiêm thì không thể có chuyện các trường lo lắng, đôn đốc học sinh ôn thi cả ngày lẫn đêm như ở Bắc Kạn mấy năm nay.

Ông Hoàng Đức Minh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu, cho rằng, nói chung các địa phương đều muốn có kết quả thi cử thực chất. Tỉ lệ đỗ cao mấy năm gần đây là nhờ các trường tổ chức ôn tập tốt, đúng hướng, trong khi yêu cầu kiến thức để học sinh đỗ tốt nghiệp là không cao.

“Những tỉnh miền núi như Lai Châu chúng tôi thì đa số học sinh đều là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng khó khăn nên theo quy chế chỉ cần bình quân 4,5 điểm/môn là các em đã đỗ tốt nghiệp. Hầu hết các em đều được cộng điểm nghề nữa nên tỉ lệ đỗ cao cũng là bình thường”, ông Minh nói.

Ông Nguyễn Đức Vui, Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội, nói, việc bắc thang, trèo tường như ở Hà Tây cũ năm 2006 sẽ không bao giờ tái diễn vì nhận thức của người dân cũng như chính quyền địa phương đã chuyển biến.

Mặt khác, qua những năm thi tốt nghiệp bị kiểm soát gắt gao như vừa qua, ý thức làm nhiệm vụ trong kỳ thi của các giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cũng được nâng lên. Hơn nữa, quy chế cũng ngày càng hoàn thiện, các biện pháp xử lý quyết liệt hơn.

“Ví dụ có một quy định mới từ năm nay tôi cho là rất được, đó là giám thị sẽ bị xử lý khi thanh tra phát hiện có thí sinh quay cóp trong phòng thi. Trước đây không quy định như vậy nên đôi khi giám thị cũng không làm hết trách nhiệm”, ông Vui nói.

Đề thi vừa sức

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Bộ GD&ĐT chủ trương đề thi phải ra theo hướng cách phản ánh được chất lượng dạy học, hướng tới đánh giá đúng năng lực của học sinh, kiến thức cũng đòi hỏi sát với thực tế hơn.

Việc thực hiện triệt để chủ trương này được xem như một giải pháp để quản lý chất lượng thi cử đảm bảo thực chất, khách quan. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu lớp 12.

Về nguyên tắc, đề thi phải đảm bảo 50% yêu cầu học sinh phải hiểu và vận dụng được kiến thức, 50% kiểm tra khả năng ghi nhớ, nhận biết của học sinh.

“Với yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT thì đề thi vẫn được ra theo hướng đảm bảo HS có học lực trung bình làm được bài thi ở mức đạt yêu cầu tốt nghiệp”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói.

Ngoài việc trực tiếp tham gia khâu ra đề, Bộ GD&ĐT đóng vai trò chỉ đạo kỳ thi, cử các đoàn công tác của Bộ đến các địa phương thanh tra, kiểm tra.

Tuy nhiên, nội dung thanh tra, kiểm tra chủ yếu xem xét quy trình thực hiện các khâu từ chuẩn bị thi đến coi thi, chấm thi. Gần như Bộ không tham gia can thiệp trực tiếp vào các vụ việc cụ thể.

“Tất cả các địa phương đều có Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, thường do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh/ thành làm trưởng ban, lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng chỉ là phó ban thường trực. Mọi việc sẽ được xử lý theo phân cấp, Bộ cũng chỉ có thể có ý kiến chứ Bộ không thể giải quyết thay địa phương”, ông Hiển nói.

Danh sách máy tính được mang vào phòng thi

TPHCM  - Ngày 30-5, Bộ GD&ĐT công bố danh sách máy tính cầm tay được đem vào phòng thi ĐH-CĐ năm 2012, trong đó có Casio FX 570 ES Plus (năm 2011 không có tên trong danh sách).

Năm 2012, các loại máy tính được mang vào phòng thi là: Casio FX 95, FX 220, FX 500A, FX 500 MS, FX 500 ES, FX 500VNPlus, FX 570 MS, FX 570 ES và FX 570 ES Plus; VinaCal 500MS, 570 MS và 570 ES Plus; Vietnam Calculator VN-500RS; VN 500 ES; VN 570 RS, VN 570 ES. Sharp EL 124A, EL 250S, EL 506W, EL 509WM; Canon FC 45S, LS153TS, F710, F720.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.