Nguồn dồi dào, nhiều trường vẫn khó tuyển

Nguồn dồi dào, nhiều trường vẫn khó tuyển
TP - Khi điểm sàn tuyển sinh ĐH, CĐ chính thức được công bố, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, nguồn tuyển của các trường năm nay rất dồi dào và thí sinh sẽ có nhiều cơ hội học ĐH, CĐ hơn. Tuy nhiên nhiều trường vẫn khó tuyển đủ chỉ tiêu.

> Khoảng 200.000 thí sinh trúng tuyển NV1

Khi tính điểm sàn, Bộ GD&ĐT có tính khả năng ảo trong số lượng thí sinh dôi dư cho các nguyện vọng sau hay chưa?

Chúng tôi đã tính tới điều này.

Vậy khả năng thí sinh trúng tuyển năm nay sẽ cao hơn?

Điều này còn phụ thuộc nhiều yếu tố: Hệ số dịch chuyển (tỷ lệ thừa và thiếu) từ vùng này sang vùng khác, cơ chế tuyển sinh mềm dẻo cho tuyển sinh nhiều đợt, không giới hạn số nguyện vọng (NV), không quy định điểm NV sau phải cao hơn NV trước.

Hy vọng các trường tuyển đủ chỉ tiêu và tất cả các thí sinh có NV học ĐH đều có thể tìm được chỗ học phù hợp.

Năm nào Bộ cũng cho là đã tính đến lượng thí sinh dôi dư, thừa khả năng lấp đầy chỉ tiêu tuyển sinh nhưng vì sao vẫn có nhiều trường không tuyển đủ và phải dùng nhiều “chiêu” thu hút người học?

Với số lượng dư trên điểm sàn lớn như năm nay, các trường sẽ không có khó khăn gì trong việc tuyển đủ số lượng.

Trên thực tế, có những thí sinh đạt điểm trên điểm sàn nhưng không chọn học một số trường còn chỉ tiêu là do các trường đó không có sức hút về uy tín, ngành học, chất lượng, học phí lại cao.

Điều này dẫn đến việc một số trường còn dư chỉ tiêu không tuyển được người học. “Chiêu” tốt nhất là các trường phải tự nâng cao chất lượng và sức hút cho mình.

Thí sinh sau khi thi đại học 2012. Ảnh: Hồng Vĩnh
Thí sinh sau khi thi đại học 2012. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Thí sinh sẽ xoay xở thế nào nếu các trường nhận đơn xét tuyển NV sau chỉ nhận bản phiếu báo điểm chính?

Chỉ có các trường tốp trên thiếu ít chỉ tiêu, tuyển thí sinh điểm cao mới thu bản chính; đa số các trường ĐH đại trà sẽ nhận cả bản phô-tô giấy báo điểm.

Bộ sẽ làm gì nếu các trường co kéo hoặc “giữ chân” thí sinh khiến các em không thể có hồ sơ để nộp nhiều trường?

Bộ yêu cầu các trường ĐH tuyển sinh làm nhiều đợt, mỗi đợt kéo dài trong một thời gian nhất định, tùy theo chiến lược tuyển sinh của trường chứ không phải kéo dài vô hạn hoặc phải chờ đến ngày 30-11 mới công bố.

Sự xét tuyển lệch thời gian giữa các trường sẽ khiến các em không thể rút hồ sơ ở trường này nếu thấy nguy cơ trượt để nộp vào trường khác và mất đi cơ hội tuyển, việc này sẽ được giải quyết thế nào?

Thí sinh phải theo dõi và phán đoán chứ Bộ không thể can thiệp tới hàng triệu thí sinh. Đây cũng là một bước tập dượt cho óc phán đoán và lựa chọn thích hợp của thí sinh để có khả năng trúng tuyển cao hơn.

Hơn 70% số thí sinh đã trúng tuyển NV1 còn lại 30 % thí sinh phải học NV sau. Con số này không nhiều, vì vậy, thí sinh phải theo dõi thông tin trên mạng, trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Những năm tới có cải tiến nào về tuyển sinh làm cho kỳ thi này bớt căng thẳng hơn không?

Từ nay đến 2015 vẫn duy trì thi “Ba chung” nhưng sẽ có những cải tiến theo hướng tích cực làm cho kỳ thi nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Sau năm 2015 sẽ có thể sự thay đổi; ví dụ, thay vì thi 3 môn sẽ thi 6 môn, nếu thí sinh học 1 ngành thì có thể thi 3 môn hoặc chọn nhiều ngành thì thi nhiều hơn. Trong tương lai, mỗi trường sẽ có phương án tuyển sinh riêng.

Sau tuyển sinh, năm học mới sẽ bắt đầu, những thí sinh khó khăn không có tiền để nộp học phí sẽ được trợ giúp thế nào?

Chính sách vay tín dụng để học ban đầu cần những thủ tục nhất định, ngay khi nhập học thí sinh cần làm ngay thủ tục để vay vốn. Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường gia hạn cho các tân sinh viên 3 tháng để làm thủ tục nhập học.

Điểm sàn ĐH khối A, A1: 13,0 điểm; khối B: 14,0; khối C: 14,5 và khối D: 13,5. Điểm sàn các khối tương ứng hệ CĐ thấp hơn điểm sàn ĐH là 3 điểm. Cụ thể là: khối A: 10, 0 điểm; khối A1: 10,0 điểm; Khối B: 11,0 điểm; khối C: 11,5 điểm; khối D:10,5 điểm. 

Hồ Thu

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG