Bươn bả sau giảng đường đại học

Bươn bả sau giảng đường đại học
TP - Để tiếp tục nuôi giấc mơ nơi giảng đường đại học, nhiều sinh viên không về nghỉ hè, bám trụ Thủ đô, kéo xe bò kiếm sống. Bên cạnh đó, cha, mẹ cũng lặng lẽ kiếm tiền ở Hà thành để năm học mới con tiếp tục được đến trường.

> Nghị lực của thí sinh hỏng mắt, không chân, một tay

Đặng Đình Đoài (người đẩy xe). Ảnh: Trường Phong
Đặng Đình Đoài (người đẩy xe). Ảnh: Trường Phong.

Sinh viên đi kéo xe bò

Đặng Đình Đoài trông gầy gò, là sinh viên năm thứ nhất ngành điện và năng lượng tái tạo của Đại học Thủy lợi. Nghỉ hè, thay vì về quê như đám bạn, Đoài ở lại Hà Nội làm thuê kiếm tiền.

Lán nơi Đoài ở cùng công nhân quê Yên Bái nằm sâu trong con ngõ gần đình Khương Đình, chỉ là những mảnh gỗ cốp pha ghép lại. Đội của Đoài có hơn chục người làm thuê cho một ông chủ chuyên nhận thầu sửa đường, cống.

Trong đội, Đoài còi nhất, nặng 42kg. Có lẽ vì thế, Đoài thường được ưu tiên làm việc nhẹ hơn thành viên khác: kéo, đẩy xe bò, xách vữa…

Hơn 7h sáng, đội của Đoài bắt đầu làm việc. Hôm nay, đội phải chở những tấm bê tông từ bãi tập kết lên đường Tôn Đức Thắng để sửa đường. Những tấm bê tông nặng hàng tạ được vận chuyển lên xe bò.

Đoài cầm càng, nhưng vì xe nặng quá, cậu bị bật nhảy người lên. Cố hết sức Đoài cũng không điều khiển được chiếc xe bướng bỉnh, đành chuyển xuống đẩy phía sau.

Phải bốn người vừa ép, kéo, đẩy, nâng, chiếc xe mới từ từ chuyển bánh. Mồ hôi chảy tràn trên mặt, ướt hết áo quần. Cứ thế, cả nhóm kéo xe, đi bộ hơn 5km, đến điểm tập kết tại một ngõ nhỏ trên phố Tôn Đức Thắng.

Đoài bảo, nghỉ hè, cậu về quê (ở Đông Hưng, Thái Bình) được vài hôm rồi lên Hà Nội. Thương bố mẹ ở nhà, tham công tiếc việc, Đoài xin việc đi làm vừa kiếm thêm trả tiền phòng, và hoạt động cho khỏe người. Đi làm thế này, Đoài cũng không mất tiền ăn. Chủ xưởng thuê một người chuyên nấu ăn cho nhóm, mỗi ngày ba bữa.

“Nhà em cũng không đến nỗi quá khó khăn. Mỗi tháng bố mẹ gửi ra cho em hơn một triệu tiền thuê nhà và ăn học. Nhưng, về nghỉ hè không có việc gì làm, em ở lại kiếm thêm tiền” – Đoài nói. Những người như Đoài, muốn giữ phòng trọ, dù về nghỉ hè, vẫn phải nộp tiền cho chủ nhà.

Gần 20 ngày rồi Đoài mới làm được 6 – 7 công. Mỗi công, chủ trả 70 nghìn đồng. Công việc cũng bấp bênh, thỉnh thoảng lại di chuyển, đổi chỗ…

Đoài bảo, làm thêm kiếm tiền trang trải học hành, không có gì phải ngượng.

Cùng làm với Đoài còn có một sinh viên cao đẳng tên Thắng. Thắng cho biết, cũng tranh thủ những ngày nghỉ hè đi làm thêm, kiếm tiền phụ giúp mẹ cha.

Vì con nên phải tha hương

Hai năm nay, từ khi con trai đỗ đại học, mỗi khi nông nhàn, cô Nguyễn Thị Lâm lại từ Hoằng Hóa (Thanh Hóa) vượt hàng trăm cây số ra Hà Nội bán hàng rong, kiếm tiền nuôi con.

Mỗi ngày, phụ nữ 47 tuổi này đi hàng chục cây số, dọc theo các con phố ở Hà Nội bán hàng. Bà Lâm nặng 40kg, nhưng lúc nào trên người cũng đeo một rổ hàng bằng một phần ba trọng lượng cơ thể.

Bà Lâm bảo, rổ hàng có giá hơn hai triệu, lỉnh kỉnh những ví da, cắt móng tay, lót giày, khẩu trang…

“Mỗi tháng đi như thế này, chi tiêu tiết kiệm, cũng để ra được hơn một triệu đồng”. Bà Lâm tiết kiệm bằng cách thuê nhà theo tối ở xóm lao động gần cầu Long Biên. Mỗi tối, để có chỗ nghỉ lưng, bà phải trả 11 nghìn đồng. Tiền ăn mỗi ngày, tiết kiệm hết mức cũng mất khoảng… 30 nghìn đồng.

Ngồi nghỉ, bà Lâm móc từ túi ra vài đồng bạc lẻ, vuốt thẳng, đếm từng tờ. Từ sáng tới quá trưa, bà mới kiếm được hơn ba chục ngàn đồng. Bà cho biết, từ giờ tới tối, nếu không bán được hàng nữa, coi như ngày hôm nay chỉ đủ tiền ăn, không tích cóp được đồng nào.

Theo bà Lâm, lý do bà không trọ cùng con trai sợ con ngại với bạn bè vì có mẹ đi bán hàng rong. Đến tên trường con bà theo học, bà còn giấu.

Hơn 19h tối, tình cờ ngang qua phố Tôn Đức Thắng, thấy dáng người quen quen đang đi bán hàng rong. Ngoảnh lại, thấy bà Lâm tạt vào một quán nước, theo tiếng gọi mua hàng của một thanh niên…

Giống như bà Lâm, cứ mỗi độ nông nhàn, ông Viết (Giao Thủy, Nam Định) phải lên Hà Nội làm thuê kiếm tiền nuôi bốn người con học đại học. Với chiếc xe bò đã cũ, bốn năm qua, ở khu vực Phùng Khoang, ông Viết vẫn cần mẫn làm việc, tích cóp từng đồng, gửi cho các con trang trải chi phí học hành.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG