Lớp 'VIP' trong trường công: Sẽ điều chỉnh bất hợp lý

Lớp 'VIP' trong trường công: Sẽ điều chỉnh bất hợp lý
Đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định, sẽ nghiêm túc tiếp thu tất cả các ý kiến để điều chỉnh, thậm chí tạm dừng ban hành quy định chính thức về học phí chất lượng cao trong trường công lập nếu thấy quá nhiều bất cập.

> Lớp “VIP” trong trường công

Nhiều trường của Hà Nội đang chờ quy định về giáo dục chất lượng cao của Bộ GD-ĐT để có cơ sở pháp lý thực hiện mô hình này - Ảnh: T.Nguyễn (Thanh Niên)
Nhiều trường của Hà Nội đang chờ quy định về giáo dục chất lượng cao của Bộ GD-ĐT để có cơ sở pháp lý thực hiện mô hình này - Ảnh: T.Nguyễn (Thanh Niên).

Cần quy định chuẩn chất lượng cao

Hiện nay, điều mà người dân và ngành giáo dục các địa phương mong đợi là Bộ GD-ĐT cần quy định thế nào là trường chất lượng cao.

Anh Nguyễn Văn Định, một phụ huynh tại Hà Nội cho hay: “Chúng tôi rất cần một căn cứ đầy đủ tính khoa học để biết thế nào thì đủ tiêu chuẩn là trường chất lượng cao. Có như vậy chúng tôi mới yên tâm cho con học và chấp nhận nộp mức học phí cao”.

Chị Nguyễn Minh Anh, cũng là phụ huynh, so sánh: “Chúng tôi mua đồ, phải biết chắc chắn hàng hiệu, được công nhận về chất lượng, thì mới sẵn sàng chi một khoản tiền lớn mà vẫn thấy thoải mái, không lo lắng gì. Đằng này, trường chất lượng cao chỉ do tự phong, chẳng có văn bản nào từ các cấp quản lý công nhận”.

Hà Nội hiện có hơn 100 trường ở các cấp học phát triển theo mô hình dịch vụ chất lượng cao. Song, chỉ có 19 trường trong số này được thành phố phê duyệt (dựa trên Nghị quyết của Thành ủy), còn lại đều tự gắn mác chất lượng cao và thu học phí ngất ngưởng.

Theo kế hoạch, trong năm 2012, ngành GD-ĐT Hà Nội phải hoàn thiện dự thảo quy định tạm thời về tiêu chuẩn, quy trình công nhận trường chất lượng cao giai đoạn 2012-2015. Thế nhưng, nếu Bộ GD-ĐT không ban hành văn bản về trường chất lượng cao, sẽ rất khó cho địa phương khi cho phép các trường thí điểm mô hình này.

Mới đây, tại một cuộc hội thảo bàn về mô hình giáo dục chất lượng cao của Hà Nội, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho rằng: “Để thực hiện mô hình này, trước hết, các trường công phải chuyển sang mô hình công lập tự chủ tài chính. Các trường này được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất nên có lợi hơn trường tư. Vì vậy, khi đăng ký thực hiện mô hình chất lượng cao, các trường này phải có mức học phí thấp hơn các trường tư cùng thực hiện mô hình”.

Trong khi đó, bà Lan Anh, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Bộ GD-ĐT, có ý kiến: “Cho phép trường công lập được thực hiện mô hình chất lượng cao thì cần phải có những chính sách để hỗ trợ cho hệ thống trường tư. Nếu không sẽ còn tiếp tục tình trạng học phí của trường tư thu cao, nhưng chưa chắc con em đã được học trong một môi trường giáo dục chất lượng cao”.

Không ban hành nếu quá nhiều bất cập

Lý giải về việc xây dựng dự thảo học phí chất lượng cao trong trường công lập, ông Bùi Hồng Quang, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ GD-ĐT, cho biết: “Dự thảo thông tư là thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong GD-ĐT và Nghị định của Chính phủ về học phí.

Các văn bản này đều đưa ra định hướng các trường mầm non, phổ thông công lập thực hiện chương trình chất lượng cao được chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo”.

Tuy nhiên, ông Quang cũng đồng tình với việc nếu không xây dựng được một chương trình giáo dục chất lượng cao với những tiêu chí cụ thể, rõ ràng thì chắc chắn dù quy định có được ban hành, các trường cũng không đủ lý lẽ thuyết phục để người dân tin tưởng mà chấp nhận một mức học phí cao.

Bên cạnh đó, ông Quang bày tỏ: “Cá nhân tôi hoàn toàn nhất trí với các ý kiến cho rằng nên tách bạch theo mô hình trường chất lượng cao. Bởi nếu cho thực hiện theo một vài nhóm, lớp chất lượng cao trong một nhà trường như dự thảo rất dễ nảy sinh sự mất công bằng trong một môi trường giáo dục”.

Ông Quang cũng cho biết, sẽ còn một loạt vấn đề khác cần phải làm rõ như ở những địa bàn chưa đủ trường công lập để đáp ứng nhu cầu học tập tối thiểu của người dân thì có nên cho phép áp dụng mô hình trường công lập chất lượng cao hay không; kinh phí nhà nước cấp cho các trường công lập được hoạt động theo mô hình chất lượng cao và được thu học phí cao sẽ ra sao...

Dự kiến, trong tuần tới, lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ có cuộc họp với ban soạn thảo thông tư, bao gồm đầy đủ các vụ bậc học có liên quan để phân tích kỹ tất cả những vấn đề còn đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Ông Quang khẳng định: “Đây mới là dự thảo lần một nên chắc chắn sau khi nhận được ý kiến đóng góp, chúng tôi sẽ phải sửa chữa, bổ sung, thậm chí tạm dừng để soạn thảo lại nếu thấy có quá nhiều bất cập. Chỉ khi nào dự thảo đáp ứng được đòi hỏi của thực tế thì lãnh đạo Bộ GD-ĐT mới xem xét để ban hành chính thức”.

Theo Tuệ Nguyễn
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.