Nhiều trường không có người học

Nhiều trường không có người học
TP - Hôm nay 30-11, thời hạn cuối cùng để các trường ĐH, CĐ nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS). Dù năm nay, thời gian xét tuyển kéo dài nhưng nhiều trường ĐH, CĐ nhất là những trường ĐH địa phương (khu vực Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên) nhiều ngành vẫn tuyển không ra người học.

> Nhiều trường có nguy cơ ‘đóng cửa’
> Hạ điểm chuẩn để cứu trường tư?

Tại TPHCM, dù đã cố kéo dài thời gian xét tuyển theo lịch của Bộ GD-ĐT với hy vọng tuyển đủ chỉ tiêu nhưng đến nay, nhiều trường đành kết thúc tuyển sinh trong không khí ảm đạm.

Lãnh đạo ĐH Kinh tế Tài chính cho biết, trường đặt chỉ tiêu của trường 1.000 (ĐH:650; CĐ:350) nhưng đến nay chỉ tuyển được 200 thí sinh. Trong khi đó, ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định chỉ tuyển được 50% số thí sinh so với chỉ tiêu đặt ra là 650.

Ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều trường cũng điêu đứng vì chờ đợi thí sinh trong vô vọng.

Tính đến 29-11, ĐH Tân Tạo (Long An) chỉ có 29 thí sinh trúng tuyển trong khi tổng chỉ tiêu năm nay là 500. ĐH Tây Đô (Cần Thơ) có đến 3.000 chỉ tiêu nhưng chưa tới 50% số thí sinh trúng tuyển. ĐH Cửu Long thiếu hơn 1.000 chỉ tiêu…

Theo phân tích từ phía các trường, có hai nguyên nhân chính khiến khó tuyển sinh là: điểm sàn năm nay chưa tính đúng và tính đủ và mức học phí cao.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Quyền, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định cho rằng: trong tình hình kinh tế biến động như hiện nay, nhiều trường có mức học phí từ 30 đến hơn 100 triệu đồng/năm là quá đắt nên nhiều thí sinh sẽ cân nhắc khi nộp hồ sơ xét tuyển.

Nhiều trường công lập có điểm chuẩn thấp nhưng mức học phí không quá cao nên thí sinh đổ xô vào các trường này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG