Có nên chọn các ngành 'báo động đỏ'?

Có nên chọn các ngành 'báo động đỏ'?
TP - Mùa tuyển sinh 2013, nhiều trường ĐH, CĐ đang giảm chỉ tiêu khối ngành kinh tế theo chủ trương của Bộ GD-ĐT, vì cho rằng đã thừa nhân lực. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tư vấn, không có ngành nào thừa nhân lực.

> Tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: Nhiều trường cắt giảm chỉ tiêu
> Những điểm mới trong tuyển sinh năm 2013

Nhiều trường giảm chỉ tiêu

Ông Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho biết, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, trường cắt giảm chỉ tiêu khối ngành kinh tế hệ ĐH gồm các ngành: Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán.

Theo đó, mỗi ngành chỉ tuyển 200 sinh viên (giảm 150-170 chỉ tiêu so với năm 2012). Riêng hệ CĐ, trường tạm ngưng tuyển sinh 3 ngành: Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán.

Thay vào đó, trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào hai ngành Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học, mỗi ngành tuyển 200 chỉ tiêu ĐH và 150 chỉ tiêu/ngành với hệ CĐ. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là 3.900, gồm 2.800 chỉ tiêu hệ ĐH, 1.100 chỉ tiêu hệ CĐ.

ThS. Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho biết, trường dự kiến giảm 300 chỉ tiêu so với năm ngoái, các ngành giảm chỉ tiêu tập trung vào Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh.

Trường ĐH Tài chính - Marketing ngừng tuyển sinh các ngành hệ CĐ trong năm 2013. Trường ĐH Kinh tế TPHCM dù tổng chỉ tiêu không tăng (4.000 chỉ tiêu) nhưng sẽ tuyển mới ba ngành đào tạo gồm: Kinh doanh quốc tế, Marketing và Kiểm toán.

Khác với các trường trên, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM chỉ tiêu dự kiến năm nay tăng hơn so với năm trước. Năm 2012, lúc đầu, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM đưa ra chỉ tiêu dự kiến là 2.650 chỉ tiêu (hệ ĐH: 2.150, CĐ: 500), nhưng sau đó, Bộ GD-ĐT chỉ cấp cho trường này 1.300 chỉ tiêu (hệ ĐH: 1.100, CĐ: 200).

Do vậy, trường đưa ra chỉ tiêu dự kiến là 1.650 (ĐH: 1.400, CĐ: 250). Như vậy, so với năm trước, một số ngành của trường có sự điều chỉnh về chỉ tiêu: Tài chính - Ngân hàng tuyển 650 chỉ tiêu, tăng 100, Quản trị kinh doanh tuyển 200 chỉ tiêu, tăng 50, Kế toán tuyển 300 chỉ tiêu, tăng 50, Hệ thống thông tin quản lý tuyển 100 chỉ tiêu, tăng 50, Tiếng Anh thương mại tuyển 150, tăng 50. Hệ CĐ ngành Tài chính – ngân hàng chỉ tiêu dự kiến năm nay cũng tăng 50 so với năm ngoái (200 chỉ tiêu).

Không ngành nào thừa nhân lực

Nói về việc nhóm ngành kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng hiện nay bị cho là thừa nhân lực, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TPHCM, cho rằng, ngành tài chính - ngân hàng đang lâm vào tình trạng vừa thiếu vừa thừa nhân lực như những ngành nghề khác. Ngành này đang cần khoảng 10.000 - 12.000 lao động tại TPHCM. Lĩnh vực tài chính – ngân hàng vẫn thiếu những người chuyên nghiệp, có kỹ năng cao.

TS. Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TPHCM, chia sẻ: Bây giờ, nguy cơ thất nghiệp của ngành ngân hàng ngày càng rõ; sinh viên tốt nghiệp khó có việc làm, đặc biệt là ở các cơ quan Nhà nước.

Trong khi đó, các doanh nghiệp khi tuyển người thì đòi hỏi ngày càng cao về mọi mặt, nhất là kinh nghiệm thực tế. Do đó, ai làm giỏi, chấp nhận thách thức, có kỹ năng tốt vẫn sẽ được tuyển dụng.

ThS. Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Tài chính Marketing, cho rằng, ngành tài chính - ngân hàng đã đóng băng giống như thị trường bất động sản.

Bộ GD-ĐT khuyến cáo không nên mở thêm khối ngành kinh tế. Những trường đào tạo về tài chính - ngân hàng, kinh doanh quốc tế cũng đã chuẩn bị sẵn nội dung chương trình đào tạo thích hợp để sinh viên khi ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.

ThS. Lâm Tường Thoại, Phó Chánh Văn phòng ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng, một số ngân hàng đang sáp nhập, nhu cầu nhân lực đang chững lại, nhưng không có nghĩa là không tuyển thêm.

Xuất phát từ sự đam mê, hứng thú của mình thì các em nên chọn ngành này để dự thi; có việc làm hay không phụ thuộc năng lực bản thân, ThS. Thoại nói

Làm nhiệm vụ, một thiếu úy công an hy sinh

TP – Ngày 13-1, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, tối 12-1, trong khi làm nhiệm vụ, tổ công tác đặc biệt của Công an tỉnh gồm thiếu úy Bùi Văn Bình (SN 1988), chiến sỹ Phòng Cảnh sát bảo vệ cơ động, đại úy Thiều Văn Ba, Đội phó Đội TTKS Giao thông 1-4 và thiếu úy Bế Văn Hải, Công an huyện Tiên Yên phát hiện một nhóm đối tượng điều khiển xe mô tô có biểu hiện nghi vấn.

Họ ra tín hiệu dừng để kiểm tra, song các đối tượng điều khiển phương tiện bỏ chạy. Trong quá trình truy đuổi, ô tô của tổ công tác bị lật, khiến thiếu úy Bùi Văn Bình bị thương nặng.

Dù được đưa đi cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện đa khoa Hải Hà, nhưng do vết thương quá nặng, tối cùng ngày, thiếu úy Bình đã hy sinh. Đại úy Thiều Văn Ba và thiếu úy Bế Văn Hải bị thương nhẹ, đang được điều trị tích cực. Ngày 13-1, T.Ư Đoàn trao tặng Huy chương tuổi trẻ dũng cảm cho Thiếu úy Bình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG