Ngổn ngang nỗi lo dạy toán bằng tiếng Anh

Ngổn ngang nỗi lo dạy toán bằng tiếng Anh
Dạy toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh không còn lạ lẫm đối với một số trường THPT ở TPHCM, vì có trường đã thực hiện từ nhiều năm nay. Nhưng, việc thống nhất một chương trình của Sở GD-ĐT TPHCM khiến các trường lo lắng.

Ngổn ngang nỗi lo dạy toán bằng tiếng Anh

> Họ nói một thứ 'na ná' tiếng Anh
> Dạy học phổ thông bằng tiếng Anh: Lợi bất cập hại

Dạy toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh không còn lạ lẫm đối với một số trường THPT ở TPHCM, vì có trường đã thực hiện từ nhiều năm nay. Nhưng, việc thống nhất một chương trình của Sở GD-ĐT TPHCM khiến các trường lo lắng.

Một tiết học toán bằng tiếng Anh của học sinh lớp 10A2 Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM. Ảnh: Như Hùng
Một tiết học toán bằng tiếng Anh của học sinh lớp 10A2 Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM. Ảnh: Như Hùng.

Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường thực hiện thí điểm dạy toán và các môn khoa học tự nhiên (KHTN) bằng tiếng Anh sử dụng chương trình của ĐH Cambridge (Anh) ủy nhiệm cho Công ty EMG thực hiện tại Việt Nam với hai phương thức: hợp đồng với EMG thực hiện toàn bộ chương trình; sử dụng lực lượng giáo viên sẵn có hoặc do trường tự hợp đồng (tài liệu dạy và học sẽ do EMG cung cấp theo mức giá thỏa thuận).

Thời lượng: hai tiết/tuần/môn học cho học sinh khối 10, 11. Chuẩn đầu ra sẽ dựa trên chuẩn của ĐH Cambridge: học sinh sẽ dự các kỳ thi của Cambridge do EMG thực hiện tại Việt Nam.

Lo chương trình nặng, chi phí cao

TPHCM hiện có 10 trường THPT thực hiện thí điểm dạy toán và các môn KHTN bằng tiếng Anh. Hầu hết các trường đều tự biên soạn chương trình để dạy và sử dụng một phần giáo viên biên chế trong trường, một phần mời giáo viên thỉnh giảng.

Đây được xem như một chương trình tự chọn (không lấy điểm để đánh giá, xếp loại học lực học sinh) nên mức học phí cũng do các trường tự thỏa thuận với phụ huynh, dao động từ 100.000 - 150.000 đồng/tháng/môn học.

Ông Phạm Văn Nam - hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân - cho biết: “Việc thống nhất một chương trình chung cho tất cả các trường là cần thiết. Phụ huynh cũng muốn con em họ sau khi học phải có bằng cấp, chứng chỉ của ĐH Cambridge được nước ngoài công nhận - về mặt pháp lý là ổn rồi.

Có một chương trình rõ ràng, giáo viên không phải tự mày mò biên soạn mà có “đối tượng” để tiếp cận, nghiên cứu, học hỏi cũng mang ý nghĩa tích cực.

Tuy nhiên, việc dạy toán và KHTN bằng tiếng Anh vẫn chưa hấp dẫn học sinh vì chương trình chính khóa quá nặng đối với các em. Như trường tôi, học kỳ 1 năm học 2012-2013 có 19 học sinh học toán, vật lý bằng tiếng Anh thì sang học kỳ 2 chỉ còn tám em.

Nếu triển khai dạy chương trình của Cambridge thì phải đợi đến đầu năm học sau, chúng tôi họp phụ huynh, phân tích cụ thể mới cho học sinh đăng ký”.

Tương tự, ở Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, ông Trần Trung Kiên, hiệu trưởng nhà trường, thông tin: “Năm nay, chúng tôi thí điểm một lớp 10 (lớp này có 40 học sinh/tổng số hơn 1.000 học sinh lớp 10) có trình độ tiếng Anh tương đối khá để dạy môn toán bằng tiếng Anh với mức học phí 120.000 đồng/tháng/học sinh.

Nếu thực hiện chương trình của ĐH Cambridge, chúng tôi sẽ chọn phương án sử dụng giáo viên thỉnh giảng và giáo viên hiện có chứ không hợp đồng với Công ty EMG để thực hiện toàn bộ chương trình vì chi phí sẽ rất cao.

Sang học kỳ hai, nhà trường sẽ làm việc lại với phụ huynh về vấn đề này. Điều làm tôi lo lắng là phụ huynh trường tôi không khá giả, nếu học phí cao quá họ sẽ rút tên”.

Ông Kiên cũng cho biết thêm: “Muốn sử dụng chương trình của ĐH Cambridge, hằng năm các trường phải đóng một khoản phí gọi là phí thành viên thì Cambridge mới chuyển giao giáo trình, tài liệu giảng dạy.

Như vậy, ngoài khoản phí mua sách cao gấp nhiều lần so với học phí hiện nay, khoản phí thành viên cũng sẽ được chia đều trên đầu học sinh. Nếu số lượng học sinh đăng ký đông còn đỡ, chứ 20, 30 học sinh thì các em phải gánh phí rất nặng”.

Trong khi đó, ban giám hiệu Trường THPT Gia Định lại tỏ ra thận trọng: “Mỗi trường có đặc thù riêng nên thời điểm thực hiện chắc chắn sẽ khác nhau. Trường Gia Định mới bắt đầu thí điểm từ đầu năm học 2012 - 2013, chúng tôi cho học sinh đăng ký, hiện có hơn 100 học sinh học trái buổi từ 1-2 môn/tổng số bốn môn: toán, lý, hóa và kinh tế.

Giáo viên thì thỉnh giảng từ các nơi khác với điều kiện đã từng học ở nước ngoài về, từng dạy các môn trên bằng tiếng Anh.

Học phí 150.000 đồng/môn/tháng. Chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa thăm dò xem tình hình học sinh như thế nào.

Ban đầu có em đăng ký học ba môn nhưng sau một thời gian thì rút lại còn một, hai môn vì bài vở chương trình chính khóa đã quá nhiều mà các em phải hoàn thành. Chúng tôi không dám áp dụng chương trình của ĐH Cambridge ngay vì sợ học sinh sẽ quá tải”.

Có vội vàng không?

Hiệu trưởng một trường THPT nêu ý kiến: “Việc thực hiện chương trình của Cambridge chắc chắn phải có một lộ trình chứ chưa thể thực hiện ngay. Có vội vàng quá không khi sở chưa chuẩn bị gì về cơ sở vật chất, giáo viên đã “áp” văn bản kêu các trường thực hiện?

Cách nay nhiều năm khi thực hiện việc dạy toán, lý bằng tiếng Pháp, giáo viên phải đi tu nghiệp một năm ở Pháp rồi mới về dạy. Trong khi đó, bây giờ mình chưa tiến hành bồi dưỡng gì, chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Làm ngay cũng được nhưng mức phí cao quá, liệu phụ huynh có đồng thuận?”.

Hầu hết hiệu trưởng đều cho rằng đây là chương trình không bắt buộc, làm được hay không phụ thuộc vào sự đồng lòng của phụ huynh và học sinh. Ngay cả một số trường THPT nổi tiếng ở TP.HCM, thời gian qua lớp 10 mở được nhưng đến lớp 11 thì học sinh xin rút hết.

Phải kiểm tra đánh giá

Bà H.T. Diễm Thúy - phụ huynh ở quận 1, TPHCM - cho biết: “Con tôi đang học chương trình THCS của Cambridge. Tôi có xem sách giáo khoa của họ, khách quan nhận xét thì chương trình của họ rất hay. Tuy nhiên, việc chuyển tải những cái hay ấy đến học sinh là cả một quá trình và nghệ thuật của giáo viên.

Con tôi nói hồi năm lớp 6 giáo viên dạy chương trình Cambridge hay lắm, nhưng lên lớp 7, rồi lớp 8 thì thầy dạy dở quá, không chuyển tải được hết ý của bài học cho học sinh, về nhà tôi phải dạy lại cho cháu.

Vì vậy, ở bậc THPT khi triển khai chương trình, dù với phương thức sử dụng giáo viên sẵn có ở trường hay thỉnh giảng tại các trung tâm, hoặc hợp đồng với cơ quan đại diện cho ĐH Cambridge tại Việt Nam thì tôi đề nghị Sở GD-ĐT TP phải có sự kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình cũng như thanh tra, dự giờ giáo viên để kịp thời chấn chỉnh những cái không phù hợp. Không thể cứ hợp đồng với một đơn vị nào đó là giao hết cho họ”.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.