Sẽ có nhiều môn tự chọn, sách tự chọn

Sẽ có nhiều môn tự chọn, sách tự chọn
TP - Ngay sau khi ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa Giáo dục - Thanh thiếu niên của Quốc hội khẳng định, những lần đổi chương trình và sách giáo khoa trước đây không thành công là do chuẩn bị không tốt, đã làm theo quy trình ngược, phóng viên Tiền Phong đã trao đổi vói ông Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm HN và nay là Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới chương trình - sách giáo khoa về vấn đề.

> Ngành giáo dục chưa biết lắng nghe
> Giáo dục 'lạc đường'?

Xin ông cho biết, công việc viết chương trình (CT) và sách giáo khoa (SGK) hiện đã đến giai đoạn nào?

Hiện nay công việc viết CT đang ở giai đoạn hoàn thiện đề án về xây dựng CT-SGK sau 2015 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các nội dung như: mục tiêu, chuẩn giáo dục, chuẩn năng lực học sinh, kế hoạch giáo dục (GD) và khung chương trình các môn học ở nhà trường phổ thông cũng đang được làm ở dạng... dự thảo.

Vậy có kịp để triển khai CT và SGK mới vào 2015 như dự kiến không?

Rất gấp rút may ra mới làm được. Năm nay, may ra mới xong những vấn đề chung! Đến 2014 mới bắt đầu làm chi tiết cụ thể CT và không biết có làm nổi hết CT năm 2014 không? Tôi đoán thế!

Xin ông cho biết những điểm đổi mới dễ thống nhất với nhau nhất trong nội bộ các nhà khoa học?

CT lần này hướng mục tiêu vào phát triển năng lực học sinh với những tiêu chí được miêu tả một cách chi tiết, cụ thể, có thể mô tả được. Cố gắng xây dựng CT sao cho tường minh, đơn trị, tối đa để các chủ thể tham gia CT biết phải làm gì để hướng tới mục tiêu đó.

Học sinh của chương trình hiện hành. Ảnh: Hồ Thu
Học sinh của chương trình hiện hành. Ảnh: Hồ Thu.

Điểm mới nhất của chương trình 2015 là gì?

CT lần này chưa quyết định có phải 1 chương trình nhiều bộ SGK hay không vì luật của Quốc hội chưa cho phép. Tuy nhiên, chương trình mở ra một khả năng có thể biên soạn nhiều tài liệu giáo khoa đa dạng, đáp ứng đại trà, vùng miền và phân hóa.

Số môn tích hợp sẽ được tăng lên và làm giảm số đầu môn học ở phổ thông nhưng tăng tải tri thức và giảm tải những cái vừa thừa vừa thiếu trong chương trình hiện hành.

Trước đây môn học tích hợp chỉ có ở tiểu học thì nay sẽ có ở cả bậc THCS, ví dụ: môn Khoa học thì sẽ tích hợp kiến thức Lý, Hóa, Sinh, môn KHXH thì bao gồm kiến thức Sử, Địa... CT cũng phân hóa sâu: đến bậc THPT, học để định hướng khi ra trường và định hướng cho việc dự bị ĐH. CT lần này sẽ có 2 giai đoạn: đào tạo cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và sau cơ bản.

Theo đó, số môn học bắt buộc giảm nhưng số môn tự chọn thì nhiều lên để đảm bảo sự đa dạng. Đến THPT, học sinh phân hóa theo 2 hướng: ra trường và học nghề nghiệp hoặc học tiếp lên giáo dục ĐH.

Để làm như vậy, học sinh có học phân ban A, B, C như hiện nay không?

Sẽ có CT đáp ứng số học sinh ra trường sẽ đi học nghề, và có cả CT cho những em học lên đại học.

Số môn ít đi nhưng kiến thức tăng lên, thì chương trình có tiếp tục nặng so với chương trình cũ không và học sinh lớp 1 có phải mang những chiếc cặp 5 kg không?

CT hiện nay nặng là so với gì, với ai? Nếu SGK của mình đi triển lãm quốc tế thì vừa nhẹ về kiến thức, vừa nhẹ về trọng lượng! Đặc biệt về kiến thức nhẹ vô cùng.

Thế vì sao học sinh của họ được học được chơi còn học sinh của ta thì học đến u mụ?

Đó là vấn đề khác. Nếu chúng ta tiếp cận theo hướng đánh giá về năng lực mà bây giờ đang đeo đuổi thì người ta đánh giá bằng khả năng ứng dụng tri thức của người học để giải quyết những vấn đề của lý luận và của thực tiễn, đặc biệt là thực tiễn.

Nếu theo hướng đó thì học sinh ta kém hơn nhiều, nhẹ hơn nhiều. Khi học Toán, học sinh mình giỏi hơn nước ngoài, nhưng để giải toán chứ không phải để giải các vấn đề của cuộc sống. Dạy như chúng ta hiện nay, một học sinh sẽ như nhà Toán học, nhà Vật lý hoặc nhà Sinh học nhưng cuối cùng lại chả ra nhà nào cả!

Vậy CT của ta lần này làm theo nước nào?

(Cười) Có người gọi đùa nó là chương trình Oẳn tà roằn vì không biết là học từ nước nào. Ở ta đã có nhiều thứ thất bại vì thấy người ta hay thì mình liền đưa vào áp dụng, chả khác nào đi mua một tấm vải pô-pơ-lin trắng lóa vá vào một cái áo nâu sồng.

Nhưng, lần này Bộ trưởng chỉ đạo: cố gắng học được gì thì học nhưng phải học một cách triệt để, bài bản và đến nơi đến chốn, tránh hời hợt và triển khai luôn. Bộ trưởng cũng chỉ đạo chọn học ở những nước từng có những vấn đề giống như ta đang cải cách bây giờ.

Đó là những nước nào?

Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản... cuối cùng, có lẽ, người ta thấy Hàn Quốc có nhiều điểm để học một cách bài bản hơn và, dĩ nhiên, có tiếp thu kinh nghiệm của các nước khác nữa.

Nhiều ý kiến cho rằng phải xong CT mới viết SGK, nhưng lại có ý kiến cho rằng phải đồng thời, vậy xin hỏi SGK đã được khởi động chưa?

Về tuần tự thì SGK phải dựa vào CT đã hoàn chỉnh, SGK chỉ là một trong những yếu tố cơ bản của CT chứ không phải là CT. Về lô-gíc phải có CT rồi mới làm SGK; nhưng khi làm, để thể hiện tư tưởng CT, người ta vẫn có thể đồng thời biên soạn SGK để nhìn trở lại CT và điều chỉnh. Nên, sẽ có những đoạn không phải làm dứt điểm CT rồi mới làm SGK; sẽ có đoạn gối.

Như vậy có thể hiểu SGK vẫn đang được làm và như vậy là ngược quy trình?

Lần này ngành đã thấm điều đó và tư tưởng chỉ đạo là dứt khoát không làm ngược nhưng cũng có thể có giai đoạn thể hiện SGK khi CT chưa tường minh thì cũng là cách làm để hoàn thiện CT.

Chúng ta đang ở giai đoạn mới làm CT khung và chưa làm CT môn học. Đầu quý III năm 2014 mới xong CT thì may ra lúc đó mới bắt tay vào biên soạn SGK. Nhìn chung, còn rất ít thời gian và may ra mới...

Hồ Thu

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.