Cần nhiều bộ sách hay chất lượng giáo viên?

Cần nhiều bộ sách hay chất lượng giáo viên?
TP - Chương trình phổ thông gồm 10, 11 hay 12 năm? Một chương trình một bộ sách giáo khoa hay nhiều bộ sách? Cơ sở nào để phải đổi mới chương trình sách giáo khoa?… Theo GS Đào Trọng Thi, nếu Bộ GD&ĐT không khẩn trương trả lời được những câu hỏi này thì khó mà có được chương trình sách giáo khoa mới sau năm 2015.

> Phải thay đổi tư duy khoa cử, quan trường
> Sẽ có nhiều môn tự chọn, sách tự chọn

Một chương trình, nhiều bộ sách?

Hôm qua, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến các chuyên gia về đổi mới chương trình – sách giáo khoa (SGK).

Đánh giá của các chuyên gia về chương trình – SGK hiện hành tương đối thống nhất. Đó là: nặng dạy chữ mà chưa chú trọng dạy người, quá tải, chưa phân hóa được học sinh cũng như chưa tạo được sự liên thông giữa chương trình giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đổi mới chương trình – SGK là cần thiết, thậm chí cấp bách. “Tôi mong Quốc hội kéo ngắn thời gian đau khổ của con em chúng ta”, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đề xuất.

Theo PGS-TS Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn nên là 12 năm, trong đó từ lớp 1 đến lớp 10 nên thiết kế với nội dung đơn giản, dễ hiểu.

Với lớp 11, 12 thì xây dựng chương trình nâng cao. Song song với SGK quốc gia, khuyến khích các trường tuỳ theo nhiệm vụ đào tạo xây dựng các bộ sách riêng.

Tôi mong Quốc hội rút ngắn thời gian “đau khổ” của con em chúng ta

GS Nguyễn Lân Dũng cũng ủng hộ việc có nhiều bộ SGK: “Nhà nước tập trung làm chương trình thật tốt. Còn việc soạn SGK nên học tập cách làm của nhiều nước khác là để cho các nhà xuất bản và các tác giả tham gia. Ai viết sai với chương trình thì không được phát hành”. GS Văn Như Cương lại cho rằng, cần cân nhắc khi cho phép nhiều bộ SGK. “Về nguyên tắc thì điều này đúng nhưng thực hiện rất phức tạp”, GS Cương nói.

Việc làm SGK, theo nhiều chuyên gia là nên tận dụng được trí tuệ của các nhà khoa học. “Hiện có những đầu sách tuy ít bài nhưng lại rất nhiều tên tác giả. Đã đến lúc xem lại mối quan hệ giữa chất lượng SGK và tổ chức biên soạn SGK”. TS Vũ Văn Dụ, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo viên, Bộ GD&ĐT cảnh báo.

Dạy không tương THÍCH thì đổi mới sách lãng phí

Các chuyên gia cũng cho rằng, chương trình – SGK không phải là yếu tố quan trọng nhất làm nên chất lượng giáo dục. Theo đó, Quốc hội cũng như Bộ GD&ĐT nên có một cuộc khảo sát, đánh giá quy mô chất lượng chương trình – SGK hiện hành để làm cơ sở thuyết trình yêu cầu đổi mới, tránh lãng phí.

Có chăng hiện tượng chưa khai thác hết những ưu điểm của chương trình – SGK hiện hành? GS Phạm Minh Hạc với tư cách là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giai đoạn bộ này chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình – SGK năm 2002 chia sẻ: “ Sai lầm lớn nhất của chúng tôi là tưởng tượng về điều kiện dạy học.

Bây giờ chúng ta xây dựng chương trình sau năm 2015 lại hình dung năm 2020 nước ta là nước công nghiệp hiện đại. Thực tế liệu có đúng như vậy không?”. Theo GS Hạc, chương trình - SGK dẫu có tốt đến mấy mà điều kiện dạy học không tương ứng thì cũng không hiệu quả.

“Bộ GD&ĐT nên nhìn thẳng vào thực tế để trả lời câu hỏi, chúng ta có tiền không? Lãnh đạo nhiều sở GD&ĐT bảo với tôi, chỉ có 40% số trường lớp tạm đủ điều kiện để mà dạy học”, GS Hạc nói.

Nhiều chuyên gia cũng đã tập trung vào phân tích các nguyên nhân khiến chương trình – SGK hiện hành chưa đáp ứng kỳ vọng của xã hội. PGS-TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên cho rằng, giáo viên khó mà làm tốt nhiệm vụ trong môi trường làm việc quá chật hẹp, cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.

PGS-TS Trần Thị Tâm Đan nói: “Chúng ta nêu cao khẩu hiệu giáo dục toàn diện nhưng hầu hết là không có sân chơi - bãi tập, không có phòng thực hành – thí nghiệm... Chúng ta đổi mới nhưng chưa bao giờ đặt vấn đề đổi mới nội dung đào tạo của các trường sư phạm. Hai điều kiện quan trọng đều thiếu thốn thì làm sao dạy tốt học tốt?”.

Theo PGS Tâm Đan, nếu hai điều kiện trên không thay đổi thì đổi mới chương trình - SGK là lãng phí.

Theo GS Đào Trọng Thi, nếu cuối năm nay hoặc đầu sang năm Quốc hội không ban hành nghị quyết mới về vấn đề này thay thế cho nghị quyết 40/2000/QH10 ngày 9/12/2000 thì việc Bộ GD&ĐT dự kiến sau năm 2015 có chương trình – SGK mới là thất bại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG