Chỉnh học lệch, giảm áp lực thi

Chỉnh học lệch, giảm áp lực thi
TP - Sau bài báo “Học lệch - hệ luỵ của nền giáo dục ứng thí” phản ánh tình trạng học lệch đang ngày càng phổ biến trong các trường phổ thông, các chuyên gia về giáo dục đã đưa ra giải pháp chấn chỉnh tình trạng này.

> Học lệch- hệ lụy của nền giáo dục ứng thí
> Sẽ đổi mới cách dạy, cách thi để không học lệch

Cần giải tỏa áp lực thi cử

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, một số môn học sinh chán học không chỉ do nội dung chương trình, sách giáo khoa dở mà còn vì cách dạy buồn tẻ của giáo viên. Trên thực tế, có rất nhiều thầy cô ngại đổi mới phương pháp dạy học không vì họ lười, họ kém mà vì họ chịu áp lực của thi cử.

Mặt khác, phần lớn học sinh từ lớp 11 trở lên thường học theo kiểu học gạo, dẫu thầy cô có đổi mới phương pháp, dạy cho học sinh tư duy độc lập thì các em cũng chẳng hưởng ứng bởi các em thấy chỉ cần chép cho thật nhiều, nhớ cho thật nhiều để đi thi.

 “Bộ GD&ĐT cần phải tổ chức nghiên cứu công phu về vấn đề đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng đánh giá được thực chất hơn năng lực, nhất là năng lực suy nghĩ và kỹ năng thực hành của học sinh”.  

Với chương trình học 18 môn (tính cả các hoạt động giáo dục) như hiện nay thì việc lựa chọn 6 môn thi là hợp lý. Tuy nhiên, có lẽ Bộ GD&ĐT phải tính đến việc lấy trọng số điểm những môn không thi để tính vào kết quả thi tốt nghiệp (không chỉ để xếp loại trung bình, khá, giỏi như hiện nay).

Nếu làm thế, có thể sẽ giảm được tình trạng học lệch. Nhưng cần đưa ra cơ chế giám sát thật tốt, tránh tình trạng các trường phổ thông sẵn sàng “cấy” điểm để học sinh có điểm “đẹp”.

Không nên hiểu toàn diện một cách máy móc

Theo GS Văn Như Cương, cách hiểu giáo dục toàn diện như ta hiện nay làm khó cho ngành GD, làm khó cho học sinh vì đơn giản là không thể thực hiện được. Mỗi con người có một sở thích, năng khiếu riêng và mọi sở thích đều được tôn trọng. Thường các em có xu hướng chăm chú cho những môn mình thích và khi đó dễ xao nhãng môn khác.

“Theo tôi cần phải thực hiện giáo dục phân hóa. Chúng ta chỉ giáo dục toàn diện đến một mức độ nào đó thôi, sau đó là cho học sinh có quyền tự chọn. Em A thích sử thì học sử, em B thích hoá thì học hóa. Không nên ép nhau phải thích cả sử cả hóa thì mới là toàn diện”. Có thể giáo dục toàn diện đến lớp 10, phân hóa ở lớp 11 và 12. Khi thi tốt nghiệp, học sinh vẫn phải thi bắt buộc ba môn công cụ, các môn còn lại là tự chọn”, GS Văn Như Cương đề xuất.

Thiết kế chương trình tích hợp để giảm tải

Còn GS Đinh Quang Báo (Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục) cho rằng không thể khắc phục được tâm lý học để thi, vì đã là người đi học thì phải đi thi, đã đi thi thì ai cũng muốn đỗ.

“Tôi ủng hộ nguyên tắc học gì thi nấy. Vấn đề làm sao để không gây áp lực cho học sinh khiến các em sợ thi sợ học, ôn tập căng thẳng! Học nhiều môn mà chỉ thi một số môn thì học sinh bỏ những môn không thi là đương nhiên”, GS Báo nói.

Để khắc phục tình trạng trên, GS Báo cho rằng Bộ GD&ĐT cần có một chương trình phổ thông mới theo hướng tích hợp để giảm tải, phục vụ mục tiêu giáo dục năng lực cho người học.

Chương trình THPT có thể chỉ gồm 7 môn học, trong đó có một số môn cốt lõi, bắt buộc mọi học sinh phải học (chẳng hạn như toán, văn, ngoại ngữ), ngoài ra học sinh được tự chọn môn học theo sở trường, theo xu hướng chọn nghề sau này của các em. Khi thi tốt nghiệp, các em sẽ thi tất cả các môn mà mình đã được học, nhưng khi xếp loại bằng tốt nghiệp sẽ không chỉ căn cứ vào điểm thi mà còn cả quá trình học.

GS Đinh Quang Báo cho rằng, không nên tổ chức dạy học quá nhiều môn như hiện nay mà cần tích hợp để giảm tải. Tổ chức thi tốt nghiệp nhẹ nhàng, thi rải ra dần dần từng phần từng môn trong năm học, không tập trung thi một lúc 5 – 6 môn trong một vài ngày.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.