Khi đạo đức là môn phụ

Khi đạo đức là môn phụ
TP - Hồi tháng ba, giới học trò cuối cấp phổ thông từng qua một “cơn choáng váng” khi nghe nói môn giáo dục công dân sẽ là một trong những môn thi tốt nghiệp. Nhiều học sinh kêu than trên các trang mạng cứ như thể mình đã trượt tốt nghiệp đến nơi.

> Học lệch- hệ lụy của nền giáo dục ứng thí
> Sẽ đổi mới cách dạy, cách thi để không học lệch

Từ lâu trong thế giới học đường đã hình thành lằn ranh phân cách môn chính - môn phụ. Thậm chí môn giáo dục công dân còn chịu số phận nghiệt ngã hơn thế khi nó được các em (và cả các thầy?) xem đó là môn phụ của môn phụ! Kết cục câu chuyện thì ai cũng rõ, đó chỉ là một tin đồn được dựng lên bởi một cư dân mạng đang là học sinh lớp 12.

Nhưng theo nhiều chuyên gia, tin đồn đó là một thái độ giễu cợt (dù vô tình) của học trò dành cho hệ thống giáo dục lệch lạc mà các em là nạn nhân.

Thật ra không chỉ đến khi học trò phản ứng những người làm giáo dục mới nhận ra mình đang tham gia góp phần lái con tàu giáo dục Việt Nam đi ngày càng xa quỹ đạo “toàn diện”.

Theo Luật Giáo dục, khái niệm “toàn diện” trong giáo dục phổ thông phải bao gồm đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ. Nhưng trên thực tế, “hầu hết các trường phổ thông chỉ đủ điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ… để dạy văn hoá!” (lời PGS.TS Trần Thị Tâm Đan).

Không phải ngẫu nhiên mà Văn phòng Chủ tịch nước xem giáo dục đạo đức là điểm nhấn cần phải quan tâm trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục mà cả nước phải triển khai trong thời gian sắp tới.

Sự khủng hoảng hệ thống giá trị trong đời sống xã hội hiện nay như cơn bão cát ngày càng xuyên sâu vào từng góc nhỏ mỗi lớp học trong khi đó nhà trường lại không tạo được một nền tảng đạo đức đủ làm nên tấm màng bảo vệ học sinh.

Ngày càng nhiều ứng xử, hành vi lệch chuẩn dần dần được “bình thường hóa” trong nhân sinh quan, thế giới quan học trò. Ông Nguyễn Chí Thành, Trợ lý của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cám cảnh: “Đến các trường phổ thông, nhìn giáo viên văn, toán, lý, hóa trông họ tươi tỉnh. Còn nhìn sang các thầy cô dạy giáo dục công dân thì trông vẻ mặt rất buồn rầu”.

Nhà trường không là “ốc đảo” giữa xã hội. Tuy nhiên, trong buổi làm việc với đoàn khảo sát về giáo dục đạo đức ở trường phổ thông của Văn phòng Chủ tịch nước, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã cật vấn chính mình: “Tại sao phụ huynh sẵn sàng bỏ ra 6 - 7 triệu đồng cho con theo học một khoá kỹ năng sống kéo dài vài tuần trong khi chương trình của ta đủ cả? Phải chăng vì cách giáo dục của chúng ta thiếu chiều sâu, thiếu mục tiêu thiết thực?”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG