Điểm sàn - tiềm ẩn rủi ro

Điểm sàn - tiềm ẩn rủi ro
TP - Khoảng 1 tuần nữa, Hội đồng Điểm sàn quốc gia mới họp để quyết định điểm sàn tuyển sinh cho năm 2013. Dư luận bắt đầu đoán già đoán non về điểm sàn. Cao hay thấp và điểm sàn năm nay, trong mắt các nhà tuyển sinh, tiềm ẩn nỗi lo.

> Những trường cuối cùng công bố điểm thi
> 2/3 số thủ khoa ĐH Huế là người Huế

Tất cả các trường đều... lên điểm

ĐHKH Tự nhiên (ĐHQG HN) dự kiến điểm chuẩn tối thiểu là 19,0, cao hơn năm trước 3 điểm; ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG HN) dự kiến chuẩn khối D là 24,0 (có nhân hệ số), một số ngành cao hơn năm trước và đặc biệt, ngành tiếng Anh dự kiến điểm chuẩn đến 30,0 (cao hơn năm trước từ 2 đến 3 điểm).

ĐH Sư phạm HN dự kiến điểm chuẩn của khối C tương đối ổn định nhưng chuẩn dự kiến của khối A với ngành Toán là 24,0 điểm (năm trước 21-22 điểm)...

ĐH Ngoại thương cũng dự báo điểm chuẩn khối D cao hơn năm trước. Đỉnh điểm là trường ĐH Y khoa HN với thông tin không khỏi giật mình: 27,5 điểm mới vào được ngành y đa khoa. Điều này đồng nghĩa với sự thật: thí sinh đạt 3 điểm 9 cũng vẫn “bật sới” (các ngành khác của trường này dự kiến chuẩn từ 21 đến 22 điểm).

Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng trường ĐH Y khoa HN, một trường luôn có điểm chuẩn cao hàng top cũng đặt câu hỏi: Không biết vì sao trường nào điểm cũng dâng lên cao như vậy. Trả lời câu hỏi này, bà Hà Lê Kim Anh, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG HN) cho rằng, do năm nay đề thi ra cơ bản, hỏi vào những kiến thức đã học THPT và do thí sinh đã được tập dượt kỹ ở THPT không bị nhầm lẫn nhiều khi làm bài thi trắc nghiệm nên điểm thi năm nay đã dâng cao như vậy.

Ý kiến này được các nhà tuyển sinh đưa ra nhiều nhất. Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên nói: Số thí sinh đạt điểm sàn tăng cao gấp đôi so với năm trước do đề thi hợp lý hơn, mở hơn để đảm bảo thí sinh trung bình và trung bình khá làm được chiếm 30-40%; vì vậy, ông Vui kết luận, tuyển sinh sẽ dễ hơn năm trước.

Điểm sàn có cao hơn không?

Trong lúc đa số các nhà tuyển sinh dự báo điểm sàn (ĐS) tuyển sinh năm 2013 có thể sẽ cao hơn ĐS năm trước từ 0,5 đến 1,0 điểm thì ông Trà Thanh Trung, trưởng phòng ĐH chính quy, Ban ĐH- Sau ĐH, ĐHQG TPHCM lại cho rằng ĐS ảnh hưởng đến tuyển sinh nguyện vọng (NV) 1 và NV bổ sung của tất cả các trường;

vì vậy, khi định ĐS, Hội đồng ĐS quốc gia phải xem xét chung tất cả các trường công lập (CL), ngoài công lập (NCL), các trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Theo ông, để mức ĐS giữ ổn định là tốt nhất; hoặc nếu tăng, chỉ nên tăng hơn năm trước 0,5 điểm. Theo ông Thanh Trung, ĐS sẽ ảnh hưởng đến khối NCL và những trường tốp dưới có chuẩn bằng ĐS.

Vẫn tiềm ẩn rủi ro

Ông Hoàng Xuân Quảng, Phó hiệu trưởng ĐH An Giang cho biết: Số thí sinh năm nay đạt điểm sàn của năm trước ở trường này là 80%. Tuy nhiên, theo ông Xuân Quảng, khó khăn đối với các trường tốp dưới và trường NCL không phải là đã hết do thí sinh không học những trường tốp trên sẽ không đi học trường tốp dưới (do chất lượng và đầu ra hạn chế) mà đi học nghề hoặc sẽ đi vào học các trường có chương trình tốt, chấp nhận học phí cao để có đầu ra tốt; đặc biệt, những thí sinh đạt dưới 25 điểm không vào trường thấp!

Vì vậy, khi tính ĐS, ông Xuân Quảng đề nghị, Hội đồng ĐS cần tính đến khả năng dịch chuyển thấp của thí sinh về mặt thực tế - thí sinh không từ miền Đông xuống miền Tây để học; không từ miền Trung vào miền Nam...

Theo ông Xuân Quảng, ngay cả miền Tây Nam bộ cũng còn phải chia làm ba phần không dịch chuyển đi học, ví dụ: thí sinh trên sông Tiền sẽ không xuống dưới sông Tiền để học; Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ... nên vào một nhóm; Long Xuyên, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang vào một nhóm chứ không thể tính chung trong một địa chỉ ĐB sông Cửu Long.

Nếu chỉ tính trên lý thuyết như năm trước, ông Xuân Quảng cảnh báo, các trường sẽ lại gặp khó khăn trong việc tuyển đủ người học và Bộ GD&ĐT sẽ lại phải đẻ ra nhiều cách ưu tiên khó xử như năm trước - cho phép một số địa phương được tuyển thẳng dưới ĐS.

Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng ĐH Công nghệ và Kinh doanh HN cho rằng, Bộ GD&ĐT chỉ nên giữ điểm sàn ở 13,0 như truyền thống; nếu thấy mặt bằng điểm thi của các trường đều tăng như năm nay mà Bộ tăng điểm sàn thì cũng bằng... không - các trường tốp dưới sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG