Không được dùng tiền thu đầu năm để chi cho giáo viên

Không được dùng tiền thu đầu năm để chi cho giáo viên
TP - Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ngân sách thành phố cấp đủ để đảm bảo việc tổ chức các hoạt động giáo dục có chất lượng. Tuy nhiên, không cấm các trường huy động các nguồn lực xã hội, miễn là phải tuân thủ quy trình, công khai, minh bạch và phục vụ học sinh chứ không phải để nâng cao đời sống cho các thầy cô giáo.

> Thiếu hơn 200 phòng học khối mầm non
> Làm sao để hội nhập giáo dục?

Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết:

Từ nhiều năm nay, ngân sách thành phố cấp cho các trường đảm bảo mức chi thường xuyên đạt cơ cấu 70 - 30 (70% chi cho lương, 30% chi cho các hoạt động giáo dục - PV) với các trường THPT; mức 75 - 25 với các trường tiểu học, THCS và mầm non. Nếu so sánh với quy định của Bộ GD&ĐT (cơ cấu chi tối thiểu đạt 80 - 20) thì đây là một tỉ lệ khá tốt.

Tuy nhiên, ngoài tiền ngân sách, thành phố cho phép các trường thu một số khoản khác. Việc thu các khoản này phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, thu đủ chi và đảm bảo quy trình theo quy định. Theo đó những khoản thu phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, đầu tư cho chất lượng thật, phục vụ người học chứ không phải để nâng cao đời sống cho các thầy cô giáo.

Năm nay, số lượng học sinh lớp một tăng vọt so với năm trước. ảnh: Hồng Vĩnh
Năm nay, số lượng học sinh lớp một tăng vọt so với năm trước. ảnh: Hồng Vĩnh.

Những năm trước, dư luận bức xúc về việc thu tiền của cha mẹ học sinh để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy học dưới danh nghĩa “xã hội hóa”. Vấn đề này năm nay được giải quyết thế nào, thưa ông?

 Không được coi bất kỳ hình thức đóng góp nào như là một điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục và không được quy định mức đóng góp cụ thể để ép buộc đối với các đối tượng tham gia đóng góp.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ

Việc này đã được Sở hướng dẫn rất cụ thể trong công văn 8568/SGD&ĐT-KHTC. Các trường được phép nhận những khoản đóng góp tự nguyện của các cá nhân, tổ chức, phụ huynh học sinh để xây dựng các công trình nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường, dụng cụ phục vụ học tập – sinh hoạt của học sinh nhưng phải đúng quy trình.

Trước hết, trường phải thống nhất chủ trương và kế hoạch triển khai trong Ban giám hiệu, Hội đồng trường và ban đại diện cha mẹ học sinh. Bước thứ hai, lập kế hoạch công việc và dự trù kinh phí chi tiết, trong đó nêu rõ dự kiến nguồn huy động, nội dung chi và dự kiến mức chi cụ thể; công khai ít nhất một tuần để xin ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo.

Bước thứ ba là báo cáo cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp và chỉ tiến hành vận động đóng góp khi được cơ quan cấp trên đồng ý. Sau khi hoàn thành công việc thì phải niêm yết công khai báo cáo quyết toán kinh phí, kết quả thực hiện…

Chúng tôi cũng yêu cầu quá trình vận động này phải đảm bảo tinh thần tự nguyện, đúng mục đích, công khai, minh bạch. Nhà trường không được coi bất kỳ hình thức đóng góp nào như là một điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục và không được quy định mức đóng góp cụ thể để ép buộc đối với các đối tượng tham gia đóng góp.

Để đảm bảo chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tập trung vào những giải pháp nào?

Trước hết quy mô phát triển phải phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành, đảm bảo sĩ số trên lớp. Mục tiêu của chúng tôi năm nay là giảm dần sĩ số, chẳng hạn với THPT hiện nay đã giảm được từ 45 xuống còn 42 học sinh/ lớp.

Trong quá trình tổ chức dạy học, các trường phải quan tâm đổi mới phương pháp, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là phát huy năng lực sáng tạo của học sinh, giảng dạy theo phương pháp là dạy ít học nhiều, quan trọng là khuyến khích học sinh tự học.

Năm vừa rồi chúng tôi thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) ở một trường, năm nay sẽ mở rộng ra ở khoảng 50 trường trên toàn thành phố. Đặc biệt, tôi cho rằng để tạo được sự chuyển biến về chất lượng giáo dục thì phải tạo được sự đột phá trong công tác quản lý, xây dựng đội ngũ.

Một giải pháp nữa là đầu tư cơ sở vật chất trường học theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa và hiện đại. Ngoài ra, năm nay chúng tôi tiếp tục phân cấp quản lý, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, cương quyết xử lý những sai phạm. Chúng tôi đưa ra phương châm nhận thức đúng, quyết tâm cao, phương pháp phù hợp, giải quyết dứt điểm.

Thưa ông, việc giảm sĩ số hiện nay mới chỉ thực hiện được ở cấp THPT. Còn cấp tiểu học và THCS vẫn khó khăn?

Vẫn còn một số điểm khó khăn, nhưng chúng tôi đã có lộ trình từng bước giảm dần. Năm nay là năm đặc biệt, do người dân quan niệm tuổi Đinh Hợi là tuổi đẹp nên số lượng học sinh vào lớp Một tăng vượt lên 11.000 cháu so với năm trước.

Không chỉ năm nay mà từ nhiều năm trước đây sĩ số/lớp học của rất nhiều trường vượt quá quy định?

Thực tế hiện nay có sự phân bố dân cư không thật đều, hoặc có những trường ở trong điều kiện vô cùng khó khăn nên có nơi quá đông có nơi quá vắng học sinh.

Ví dụ Trường Tiểu học Trung Phụng quận Đống Đa tuy cơ sở vật chất khang trang nhưng do nằm ở trong ngõ chợ, đường vào trường chật hẹp nên rất khó tuyển sinh, sĩ số của trường chưa đến 30 học sinh/lớp.

Xét về mặt bằng chung của thành phố, chỗ học của các cháu không thiếu, kể cả tiểu học lẫn THCS. Chúng tôi tính sĩ số bình quân là 45 học sinh/lớp. Đây là bài toán về quản lý, rất khó khắc phục trong ngày một ngày hai. Hiện tại chúng tôi vẫn xây dựng thêm trường vệ tinh, chỗ nào có thể được thì xây thêm phòng học.

Cảm ơn ông.

Quý Hiên
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG