Những ký ức về nhà khoa học đầu ngành phong cách học Cù Đình Tú

Những ký ức về nhà khoa học đầu ngành phong cách học Cù Đình Tú
TPO - Nhiều thế hệ sinh viên ngành Ngữ văn ĐH Sư phạm Việt Bắc luôn tự hào dù là sinh viên miền núi nhưng đã được học những thầy giáo giỏi nhất nước như PGS, Nhà giáo ưu tú Cù Đình Tú.

Là nhà giáo tâm huyết, mẫu mực, PGS- Nhà giáo ưu tú Cù Đình Tú, nguyên giảng viên ngôn ngữ, Trưởng Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên) cũng đồng thời là nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực phong cách học ở nước ta.

Những thành công trong nghiên cứu khoa học của thầy là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa sự nghiêm túc, kiên trì, say mê đến mức hiếm có với trình độ ngoại ngữ, chuyên môn cao.

Điều khiến nhiều khóa sinh viên ngũ văn các thế hệ khâm phục nhất ở thầy là trong hoàn cảnh cực kì khó khăn của những năm tháng chiến tranh, khi cả thầy và trò đều phải sống, học tập, làm việc trong những căn nhà tranh, tre, nứa, lá tạm bợ nơi rừng núi mà thầy vẫn miệt mài nghiên cứu và cho công bố nhiều công trình khoa học có giá trị.

Những ký ức về nhà khoa học đầu ngành phong cách học Cù Đình Tú ảnh 1

 Vợ chồng PGS- Nhà giáo ưu tú Cù Đình Tú

Đặc biệt, cuốn Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, một trong những cuốn sách có chất lượng tốt nhất về phong cách học và hiện đang được dùng phổ biến trong các trường ĐH,CĐ trong cả nước cũng chính là công trình được khởi thảo, hoàn thành trong thời kì thầy Cù Đình Tú công tác tại Trường ĐHSP Việt Bắc.

Đọc những trang viết của thầy, có thể nhận thấy trong cách trình bày chặt chẽ, giản dị, trong sáng, dễ hiểu là những nội dung khoa học rất sâu sắc, những phát hiện bất ngờ, thú vị, sự phân tích, cảm thụ văn chương rất tinh tế. Chính sự kết hợp hài hòa giữa những đặc điểm về nội dung và hình thức trên đây đã tạo nên dấu ấn sâu đậm, sự lôi cuốn, hấp dẫn cho những trang viết của PGS Cù Đình Tú.

Trong 14 năm công tác ở Trường ĐHSP Việt Bắc, ngoài công việc chính là giảng dạy, nghiên cứu, PGS Cù Đình Tú còn tham gia công tác quản lí trên cương vị là chủ nhiệm Khoa Ngữ văn trong nhiều năm và ở cương vị nhà quản lí, thầy cũng để lại những dấu ấn sâu đậm.

Những ký ức về nhà khoa học đầu ngành phong cách học Cù Đình Tú ảnh 2

PGS- Nhà giáo ưu tú Cù Đình Tú  trong lễ nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Là một nhà chuyên môn làm công tác quản lí, thầy đặc biệt quan tâm đến chất lượng dạy học và nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng nề nếp, kỉ cương cho hoạt động chuyên môn của khoa. Đặc biệt, trên cương vị là chủ nhiệm khoa, thầy đã chỉ đạo, tổ chức tốt việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng góp phần xây dựng đội ngũ giảng viên của khoa với nhiều giảng viên có phẩm chất, năng lực tốt, sau này làm nòng cốt về chuyên môn, quản lí ở Khoa Ngữ văn ở Trường cũng như trong ngành giáo dục và trong các ngành khoa học xã hội - nhân văn.

Đối với những sinh viên ngữ văn khóa 3 chúng tôi, những ấn tượng, kỷ niệm về thầy có rất nhiều mà một trong những kỷ niệm không thể quên là buổi gặp gỡ đầu tiên giữa sinh viên mới mới vào trường và các thầy giáo trong khoa. Tôi còn nhớ hôm đó, thầy Cù Đình Tú (khi ấy, mới ngoài 30 tuổi) với phong cách trẻ trung, sôi nổi và rất tài hoa vừa chơi đàn ghi ta, vừa hát một bài ca sáng tác trong thời kỳ

kháng chiến chống Pháp có giai điệu vui tươi, lạc quan trong đó có một điệp khúc với câu “ăn cơm muối vừng đời vẫn cứ tươi” khiến mọi người hết sức hào hứng vì nó rất phù hợp với hoàn cảnh sinh hoạt thời chiến ở nơi sơ tán của sinh viên.

Sau này, ấn tượng tốt đẹp của buổi gặp gỡ ấy càng trở nên sâu đậm ở chúng tôi khi thầy lên lớp. Là nhà giáo tâm huyết, tận tụy với nghề và với học trò lại rất có tài năng sư phạm, thầy đã khiến cả lớp chúng tôi thực sự bị cuốn hút bởi môn “Tu từ học” (Phong cách học) mà thầy giảng dạy. Với vốn hiểu biết sâu rộng về chuyên môn và kĩ năng dạy học thành thục, thầy đã kết hợp nhuần nhuyễn trong bài giảng của mình những tri thức, kinh nghiệm dân gian về “sự lựa lời” trong nói năng, giao tiếp (được đúc kết trong tục ngữ, ca dao) với những tri thức khoa học hiện đại về phong cách học, tạo ra những giờ học đầy hào hứng, say mê. Có thể nói chính những giờ dạy của thầy đã giúp sinh viên chúng tôi hiểu thêm sự phong phú, cái hay, cái đẹp, sự tinh tế của tiếng Việt và văn hóa giao tiếp của người Việt; từ đó, thêm yêu thích môn Ngôn ngữ học thường được coi là môn học khô khan ở Khoa Ngữ văn. Sau này, khi đã ra trường công tác, chúng tôi vẫn thường nhắc lại cùng nhau với niềm tự hào rằng mặc dù là sinh viên miền núi nhưng đã được học những thầy giáo giỏi nhất.

Có thể nói dấu ấn PGS Cù Đình Tú tạo ra ở học trò và đồng nghiệp trong những năm thầy làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, quản lí ở Trường ĐHSP Việt Bắc là rất sâu đậm. Thành quả mà thầy tạo ra không chỉ là số lượng sinh viên được đào tạo, số đầu sách và công trình được công bố mà quan trọng hơn là sự nhiệt tình, tâm huyết với ngành nghề, những tri thức, kĩ năng, kinh nghiệm mà thầy đã truyền cho các thế hệ sinh viên trong đó có nhiều người đã trở thành các nhà quản lí, nhà khoa học xuất sắc ở khắp mọi miền đất nước. Thầy vừa vĩnh viễn ra đi ở tuổi 81, tại thành phố Hồ Chí Minh, để lại nỗi tiếc thương cho bao thế hệ học sinh sinh viên và đồng nghiệp.

                                           (Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Thái Nguyên)

Phó giáo sư - Nhà giáo Ưu tú Cù Đình Tú sinh đầu năm 1934, tuổi Quý Dậu. Mới 28 tuổi, anh đã đứng tên chung với Giáo sư Hoàng Tuệ và một cán bộ trẻ khác viết cuốn Giáo trình về Việt ngữ, tập 1 - một trong những giáo trình đại học đầu tiên về ngôn ngữ học ở nước ta. PGS là tác giả các cuốn sách: Giáo trình tiếng Việt hiện đại, tập 1 (viết chung); Ngữ âm học tiếng Việt hiện đại (viết chung), Tu từ học tiếng Việt hiện đại. Cuốn sách thứ ba sau này được hoàn thiện, lấy tên Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt (1983) là tác phẩm đã đưa Cù Đình Tú lên vị trí một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về phong cách học ở nước ta.
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết

Theo Viết
MỚI - NÓNG