Trường quốc tế: Ngó lơ giáo dục văn hóa Việt?

Trường quốc tế: Ngó lơ giáo dục văn hóa Việt?
Mang tiếng là “quốc tế”, thời gian qua, nhiều trường thuộc loại hình này (tại TP. Hồ Chí Minh) đã khiến xã hội không khỏi băn khoăn, bởi nhiều trường chỉ chú tâm chạy theo lợi nhuận mà lơ là chất lượng. Nhất là việc giáo dục văn hóa Việt cho học sinh …

Mang tiếng là “quốc tế”, thời gian qua, nhiều trường thuộc loại hình này (tại TP. Hồ Chí Minh) đã khiến xã hội không khỏi băn khoăn, bởi nhiều trường chỉ chú tâm chạy theo lợi nhuận mà lơ là chất lượng. Nhất là việc giáo dục văn hóa Việt cho học sinh …

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.
 

Một “bốc” lên mười

Điều dễ nhận thấy với các trường quốc tế hiện nay chính là lấy việc học ngoại ngữ với người bản địa để thu hút học sinh. Ngoài khung chương trình được áp từ các nước bản địa (Anh, Mỹ, New Zealand), thì việc dạy văn hóa Việt cho học sinh ra sao, cơ quan chức năng dường như chưa thể quản lý, nếu không muốn nói là không thể kiểm soát. Bất cập này có nguyên nhân từ việc chồng chéo của các văn bản pháp quy, quy định, sự lỏng lẻo trong giám sát, quản lý... Chính vì thế, nhiều cơ sở lợi dụng kẽ hở này để chạy theo lợi nhuận, thay vì chất lượng.

Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh, TS. Huỳnh Công Minh cho rằng, dù đúng nghĩa, trường quốc tế phải là trường dạy chương trình nước ngoài được quốc tế công nhận. Nhưng có một thực tế là, không ít trường Việt Nam dạy học sinh Việt Nam nhưng xin phép Bộ GD&ĐT mở thêm chương trình nước ngoài dưới hình thức là trường song ngữ, thế là cũng đặt tên quốc tế.

Điều đáng nói là có một số trường chạy theo kinh doanh, quảng cáo cho dữ mà dạy không ra gì. Trong đó, chất lượng giáo viên ngoại ngữ là vấn đề nổi cộm. “Giáo viên tiếng Anh ở các trường này thường có thời gian gắn bó rất ngắn. Sự thiếu ổn định này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đào tạo cũng như kế hoạch dài hạn. Đặc biệt là chất lượng giáo viên tiếng Anh của các trường thực chất không như giới thiệu, chỉ biết ngoại ngữ mà không có trình độ sư phạm.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Hoài Chương cho biết, hiện TP. Hồ Chí Minh có 50 trường có yếu tố nước ngoài (YTNN), chiếm hơn 50% số trường có YTNN trên cả nước. Trong số này có 5 trường thành lập theo Công hàm ngoại giao, giảng dạy cho học sinh Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Bắc, theo chương trình do Bộ Giáo dục các nước này dưới sự quản lý, điều hành của các Tổng Lãnh sự quán. Do đó việc quản lý cũng không đơn giản. Ông Chương cũng nhìn nhận: Một số cơ sở giáo dục có YTNN đã quảng cáo sai với mục tiêu, chức năng được xác nhận trong Giấy chứng nhận đầu tư. Nhiều trường không đầu tư đúng mực, lo chạy theo lợi nhuận mà xem nhẹ chất lượng.

Văn hóa Việt, ngó lơ

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường phổ thông có YTNN được phép thí điểm đào tạo học sinh Việt Nam nhưng phải giảng dạy các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý theo chương trình của Bộ GD&ĐT Việt Nam. Tuy nhiên, việc giảng dạy chương trình Việt Nam cho học sinh Việt Nam ở các trường này cũng có vấn đề, đó là tình trạng một số trường không dạy đủ nội dung, đủ tiết, và số môn theo quy định. Vì chỉ quan tâm chương trình nước ngoài, nên hầu hết các trường không chú trọng đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học nên chất lượng thấp.

Đáng lưu ý, các trường phổ thông quốc tế đều ít quan tâm giáo dục văn hóa Việt Nam, đặc biệt tại một số trường có đại đa số học sinh Việt Nam nhưng không tổ chức dạy chào cờ và hát Quốc ca Việt Nam hàng tuần. Trong đó, một bộ phận không nhỏ phụ huynh cũng không quan tâm đến vấn đề sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt của con em, mà chỉ quan tâm đến việc học ngoại ngữ và chương trình nước ngoài. Một số trường phổ thông có YTNN có cơ sở vật chất thuê mướn chật hẹp, đội ngũ giáo viên thiếu ổn định và không đồng đều, học phí cao… ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và sức khỏe học sinh, dẫn đến một số học sinh phải xin về học lại tại các trường phổ thông giảng dạy chương trình Việt Nam.

Thông tin từ Sở GD&ĐT cho biết, hiện nay, mức học phí trung bình của bậc mầm non từ 3.225 - 11.300 USD/năm, bậc tiểu học 6.000 - 14.200 USD/năm, bậc trung học 6.600 - 20.000 USD/năm... Tổng số học sinh học tại các trường có YTNN là trên 12.000 em, trong đó học sinh Việt Nam chiếm gần 40%. Tổng số giáo viên ở các trường gần 1.400 người, trong đó gần 70% là giáo viên nước ngoài, nhưng nguồn nhân sự này không ổn định, chất lượng không đồng đều và khó được kiểm chứng. Do đó, để có một căn cứ đánh giá chất lượng của các trường có YTNN, hiện Sở GD&ĐT và Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng bộ tiêu chuẩn, đang trong giai đoạn lấy ý kiến để hoàn chỉnh.

TS. Nguyễn Kim Dung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục cho biết, dự thảo bộ tiêu chuẩn được xây dựng trên cơ sở học hỏi các bộ tiêu chuẩn của thế giới, đồng thời có tính đến các đặc điểm của nền giáo dục Việt Nam. Căn cứ vào thực tế của các trường và áp vào bộ tiêu chuẩn sẽ có 4 mức độ đánh giá: Tốt, khá, đạt, hoặc chưa đạt yêu cầu. Từ đó giúp xã hội và các phụ huynh nhận được đâu là “chất lượng quốc tế” mà định hướng đúng cho tương lai con trẻ…

Theo Nguyễn Thùy
Thanh tra

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.