Thứ hạng cao của HS Việt Nam không phản ánh toàn bộ năng lực

Thứ hạng cao của HS Việt Nam không phản ánh toàn bộ năng lực
TP - Tin vui đến từ tổ chức OECD, kết quả Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) 2012 của Việt Nam nằm trong top 20 nước và vùng lãnh thổ có điểm chuẩn cao trong số 65 nước tham gia. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng, PISA không đánh giá được toàn bộ năng lực của học sinh Việt Nam…

> Bộ bất ngờ việc học sinh Việt xếp trên Anh, Mỹ
> Học sinh Việt vượt Mỹ về Toán và Khoa học

Bất ngờ?

PISA – được bắt đầu từ năm 2000, với chu kỳ ba năm/ lần. Việt Nam lần đầu tham gia vào năm 2012. Mới đây, Hiệp hội các nước phát triển OECD đã nghiệm thu và chấp nhận kết quả của Việt Nam. Theo đó, cả ba lĩnh vực của PISA, Việt Nam đều được xếp thứ hạng cao.

Lĩnh vực trọng tâm của kỳ PISA 2012 là Toán thì Việt Nam đứng thứ 17/65 nước – vùng lãnh thổ (sau đây gọi chung là nước) tham gia. Điểm trung bình là 494 thì Việt Nam đạt 511. Đáng chú ý, điểm Toán của Việt Nam cao hơn nhiều nước giàu có của OECD như Áo, Úc, Đan Mạch, Pháp, Anh, Luxembourg, Na uy, Mỹ, Thụy Điển, Hunggary, Israel, Hy Lạp... Lĩnh vực Đọc hiểu, Việt Nam đứng thứ 19/65, với mức điểm 508 trong khi điểm trung bình là 496. Kết quả Đọc hiểu của học sinh Việt Nam vẫn cao hơn các nước OECD vừa liệt kê, trừ Úc. Lĩnh vực mà học sinh VN xếp thứ hạng cao nhất là Khoa học với mức điểm đạt 528 trong khi điểm trung bình là 501. Trong lĩnh vực này, học sinh Việt Nam đứng sau các nước/vùng (theo thứ tự): Thượng Hải, Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Phần Lan, Estonia, Hàn Quốc.

Trong cuộc họp báo của Bộ GD&ĐT chiều 4/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, kết quả trên là một sự bất ngờ. Theo ông Hiển, dẫu giáo dục phổ thông là bậc học được đánh giá khả quan nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng các nhà quản lý giáo dục trong nước cũng không thật sự tự tin khi tham gia PISA.

Mặt khác, theo các chuyên gia kiểm định quốc tế, kết quả PISA có mối liên hệ chặt chẽ với các chỉ số GDP, HDI. Thông thường, nước kinh tế kém phát triển kết quả PISA khó có thứ hạng cao. Do đó, với chỉ số GDP đứng thứ 69/70, HDI thứ 70/70, Việt Nam lọt vào tốp 20 nước có kết quả PISA cao quả là một điều trái thông lệ.

“Lần đầu tham gia nên thoạt tiên, chúng tôi còn sợ kết quả không tốt thì rất xấu hổ. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT thấy cần phải xác định được mình đang đứng ở đâu để còn có quyết sách phù hợp nên đã tham gia”, ông Hiển nói.

PISA không phải là tất cả

Theo bà Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Trung tâm Đánh giá Giáo dục – Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng GD, Bộ GD&ĐT, khi tham gia PISA, Việt Nam phải tuân thủ một quy trình kỹ thuật với tất cả các quy định nghiêm ngặt.

Ví dụ khi chọn mẫu, tất cả các nước phải xây dựng dữ liệu mẫu (toàn bộ học sinh tuổi 15 trong hệ thống GD quốc dân) gửi cho OECD mẫu, sau đó OECD sẽ chọn mẫu. Tất cả học sinh tham gia vào kỳ khảo sát quốc gia PISA là do OECD lựa chọn. Đề thi do OECD cung cấp.

PISA 2012, Việt Nam có 13 bộ đề thi. Mỗi trường tham gia thi chỉ có 35 học sinh nên mỗi phòng thi chỉ có tối đa ba học sinh trùng đề. “Đây là chương trình được xem là có uy tín nhất về đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông trên thế giới”, bà Mỹ Hà nói.

Chia sẻ với báo giới, Thứ trưởng Hiển tâm sự, ông rất vui khi Việt Nam được xếp thứ hạng cao trong bảng kết quả PISA 2012. Nhưng ông Hiển cũng nhấn mạnh, kết quả PISA của ta tuy có hơn nhiều nước phát triển, nhưng PISA không đánh giá được toàn bộ năng lực người học mà chỉ đánh giá ba năng lực: đọc hiểu, toán, khoa học.

“Hiện nay chưa có chuẩn đánh giá toàn diện để so sánh với nước khác. Tuy chưa so sánh được thì vẫn có thể biết được học sinh mình yếu so với học sinh thế giới về giao tiếp, năng lực về hợp tác và những kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp tương lai. Sắp tới đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, đối với phổ thông, chúng ta phải rất quan tâm vấn đề này. Cần phải chuyển một nền giáo dục từ học sinh ngồi trong lớp thành nền giáo dục có lớp học linh hoạt, nhà trường gắn với cộng đồng xã hội, học tập không phải chỉ có học lý thuyết mà phải tăng thực hành, tăng các hoạt động xã hội của học sinh sinh viên để phát triển năng lực toàn diện”, ông Hiển nói.

Ông Hiển cũng cho biết, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phân tích kỹ báo cáo kết quả PISA 2012 để xác định đúng các yếu tố ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập của học sinh, từ đó đề xuất chính sách thúc đẩy các yếu tố tích cực, khắc phục các yếu tố tiêu cực nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, trước mắt là chất lượng giáo dục tiểu học, giáo dục THCS.

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, vận dụng các kỹ thuật, phương pháp của PISA vào đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, nhất là đổi mới cách ra đề kiểm tra, đề thi và phương pháp đánh giá chất lượng trên diện rộng của từng địa phương (không phải là đánh giá kết quả của cá nhân học sinh).

PISA là một chương trình đánh giá học sinh quốc tế OECD khởi xướng nhằm tìm kiếm các chỉ số đánh giá tính hiệu quả - chất lượng của hệ thống giáo dục của mỗi nước tham gia, qua đó rút ra các bài học về chính sách đối với giáo dục phổ thông.

PISA được thực hiện 3 năm một lần (bắt đầu từ năm 2000). Đối tượng đánh giá là học sinh trong độ tuổi 15, độ tuổi kết thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia.

Quy mô của PISA là rất lớn và có tính toàn cầu, không chỉ gồm các nước thuộc khối OECD. Trong lần đánh giá thứ năm (2012) có 65 nước tham gia.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG