Cần đủ chỗ học chất lượng cho trẻ mầm non

Cần đủ chỗ học chất lượng cho trẻ mầm non
TP - Theo ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GD Mầm non - Bộ GD&ĐT, để giải quyết tận gốc tình trạng cô giáo mầm non sử dụng bạo lực trong nuôi dạy trẻ, xã hội phải có đủ chỗ học đảm bảo chất lượng.

> Dân mạng ‘dậy sóng’ vụ bảo mẫu đầy đọa trẻ
> Bắt giam hai bảo mẫu 'tra tấn' trẻ mầm non

Ông Minh bày tỏ:

Chúng tôi thực sự sốc và rất phẫn nộ khi xem hình ảnh do các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về hiện tượng bảo mẫu hành hạ trẻ. Tôi cho rằng bản thân mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm trong vấn đề này.

Đây không phải lần đầu xảy ra việc bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non. Theo ông, căn nguyên của vấn đề này là gì?

Nếu chúng ta theo dõi một cách có hệ thống thì rõ ràng tình trạng bạo hành, ngược đãi trẻ thường xảy ra trong các cơ sở giáo dục mầm non tư thục chưa được cấp phép, không đảm bảo được các điều kiện về an toàn và không đảm bảo các điều kiện về chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Theo tôi có bốn nguyên nhân chính gây nên tình trạng gây mất an toàn cho trẻ trong các nhóm lớp này.

Thứ nhất, điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ và chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ không đáp ứng được nhu cầu. Thứ hai là do khâu quản lý chăm sóc trẻ không đảm bảo. Thứ ba, nguyên nhân quan trọng nhất là công tác giám sát, kiểm tra và xử lý của chúng ta chưa tốt.

Theo phân cấp quản lý, việc kiểm tra giám sát và xử lý các nhóm trẻ thuộc UBND phường xã - nơi có quyền cấp phép hoạt động và đồng thời cũng có trách nhiệm giám sát và xử lý các nhóm trẻ tư nhân. Thời gian vừa rồi nếu những nhóm lớp không đủ điều kiện không được hoạt động thì hẳn đã hạn chế được nhiều tình trạng mất an toàn cho trẻ.

Thứ tư, đó là sự hiểu biết và ý thức của phụ huynh trong việc gửi con cho các cơ sở nuôi dạy còn hạn chế. Không thể nói là phụ huynh không biết và không có trách nhiệm trong việc con em mình bị bạo lực tại các cơ sở nuôi dạy trẻ trong một thời gian dài. Họ cần cân nhắc để lựa chọn những cơ sở mầm non đảm bảo an toàn cho con em mình để gửi gắm.

Giờ học nhạc của các cháu trường mầm non Thanh Xuân Bắc, Hà Nội. Ảnh : Hồng Vĩnh
Giờ học nhạc của các cháu trường mầm non Thanh Xuân Bắc, Hà Nội. Ảnh : Hồng Vĩnh.

Nhưng có những trường hợp cụ thể phụ huynh không có cơ hội để lựa chọn, thưa ông?

Tất nhiên trong một số trường hợp cụ thể thì nhiều khi có thể phụ huynh cũng không có sự lựa chọn khi mà xã hội không có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu chăm sóc trẻ có chất lượng. Ngân sách của nhà nước là có hạn. Trường công lập ở các thành phố lớn chủ yếu dành cho người có hộ khẩu, trong khi phụ huynh là công nhân hoặc lao động ngoại tỉnh thường không có hộ khẩu tạm trú, do đó khả năng họ gửi được con em vào được trường công lập là hữu hạn.

Hiện nay số trẻ mầm non được học trong các trường công lập là khoảng bao nhiêu phần trăm?

Con số này hiện chúng tôi chưa thống kê được cụ thể.

Hiện nay trong hệ thống trường công lập rất hiếm trường nhận trẻ dưới 3 tuổi nên người dân buộc phải gửi trường ngoài công lập. Tuy nhiên học phí trường ngoài công lập có chất lượng thì rất cao nên những người có thu nhập mức trung bình trở xuống buộc phải gửi con vào những nhóm lớp tư nhân giá rẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho trẻ. Vậy cần phải làm thế nào để khắc phục được tình trạng này?

Như tôi đã phân tích, có nhiều lý do khiến người lao động có mức thu nhập bình quân trở xuống, trong đó có công nhân ở các khu công nghiệp, phải gửi con ở các nhóm lớp tư thục. Một phần do ta bị động (tăng dân số cơ học quá nhanh), phần nữa do ta chưa gắn quy hoạch khu công nghiệp với quy hoạch khu dân cư, trong đó đặt yêu cầu khu công nghiệp phải có trường mầm non. Về lâu dài, để giải quyết dứt điểm vấn đề này thì phải có được các trường mầm non và khu dân cư cho những người làm trong các khu công nghiệp. Nếu không, dẫu chúng ta có tìm được giải pháp nào quản lý trước mắt thì về sau vấn đề cũng sẽ nảy sinh. Phải có chỗ học đã. Đình chỉ, xử lý không cho các cơ sở đó hoạt động mà không có chỗ học thì sẽ chỉ dồn sức ép quá tải vào các cơ sở có chất lượng.

Cảm ơn ông.

Quý Hiên
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG