Ai về thăm trẻ Cao Sơn

 Những trẻ em chân trần, chân đi ủng, áo mong manh tới lớp học mùa lạnh. Ảnh: Hoàng Lam
Những trẻ em chân trần, chân đi ủng, áo mong manh tới lớp học mùa lạnh. Ảnh: Hoàng Lam
TP - Chúng tôi trở lại Cao Sơn, xã Lũng Cao, huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) khi ánh nắng hanh hao ngày đông không đủ xua đi cái lạnh buốt da, buốt thịt nơi vùng cao này. Cao Sơn như ốc đảo cô đơn, riêng một góc trời với hình ảnh những đứa trẻ co ro đến trường trong giá lạnh.

Mấy năm trước, từ trung tâm xã Lũng Cao lên Cao Sơn (tên gọi chung của ba bản: Son, Bá, Mười của xã này) chỉ có lối đi duy nhất là đường mòn nhỏ nằm sát ngay phía vực của dãy núi. Cứ thế, người sau nối tiếp bước người trước, tay bám sườn đá, cành cây di chuyển chừng 7 giờ đồng hồ mới đến Cao Sơn, dù chỉ có 8 km đường rừng. Dịp này, hành trình trở lại Cao Sơn của chúng tôi như ngắn hơn bởi một con đường mới đang được ngành giao thông - vận tải tỉnh Thanh Hóa mở lên bản.

Ba bản Son, Bá, Mười nằm trên những sườn đồi nhấp nhô giữa thung lũng trên dãy Pha Chiến, Pha Hé. Lúc 9h sáng, trên con đường liên ba bản màu đất đồi phủ, thấp thoáng những tốp trẻ em co ro, tựa vào nhau. Những đứa trẻ vai đeo ba lô, cặp sách, đứa tay cầm dép, đứa chân đi ủng đang dò dẫm tới trường.

Lý giải về giờ đi học giữa buổi này, em Vi Văn Thiệp - học sinh lớp 3 của Trường phổ thông Cao Sơn (đóng ở bản Mười) nói: “Bọn cháu có giờ học buổi chiều, nhưng tới lớp học giờ này để nghỉ ngơi, ăn cơm đùm buổi trưa rồi mới vào giờ học”.

Những năm gần đây, các lớp bậc tiểu học và THCS được đầu tư kiên cố. Giờ học bài của thầy và trò trên dãy Pha Chiến, Pha Hé yên tâm hơn với thời tiết mưa dài, rét sâu. Vì vậy, lớp học nơi đây ngoài là nơi học tập của các em, còn là nơi cả gia đình, bản thân các em xem như nơi an toàn để học, nghỉ ngơi trong ngày, khi bố mẹ đi làm nương rẫy.

Ai về thăm trẻ Cao Sơn ảnh 1

Các cụ bà chờ cháu ngoài lớp học. Ảnh: Hoàng Lam

Bên con đường liên bản, một mái nhà ọp ẹp ngay bên sườn đồi là lớp học của trẻ mầm non. Đây là khu lẻ của Trường mầm non Lũng Cao, nằm ở bản Son, được dựng bằng những tấm ván gỗ, nền đất. Các cháu mầm non vào lớp học vẫn phải giữ nguyên trang phục cho ấm, chân vẫn dép lê hoặc ủng. Ánh sáng của phòng học được lấy từ những khe ván gỗ hở trên tường hay sát mặt đất. Giữa mênh mông núi rừng, lớp học này như chênh vênh, lạnh lẽo hơn với tiếng ê a học chữ và bài hát của cô, trò. Cô Ngân Thị Hường, giáo viên khu lẻ bản Son cho biết: Ở đây, các cô giáo phải đến trước cả giờ đồng hồ để lau dọn bàn ghế cho các em đến học. Mỗi sáng mai, bàn ghế trong phòng học đều bị ướt hết do đêm sương xuống nhiều. Nếu đêm trước trời mưa thì đến sáng mai cô trò càng vất vả. Bởi không những bàn ghế bị ướt mà nền nhà bằng đất đồi núi dính bẩn. Các em vào lớp chân đều lem nhem dính đất, nhiều em còn bị ngã do đất trơn. Khó khăn là thế, nhưng trẻ nhỏ ở đây đều tới lớp vì nơi này vẫn là nơi các trẻ được quản lý cho bố, mẹ yên tâm đi làm. Các cháu đến lớp còn được nhận tiền hỗ trợ ăn trưa của Nhà nước. Khu lẻ tại bản Son có 19 học sinh lứa tuổi từ 3- 4 tuổi, 7 học sinh 5 tuổi. Vì có một phòng học nên phải chia thành hai buổi học.

Mong có lớp học mầm non kiên cố

Ai về thăm trẻ Cao Sơn ảnh 2

Lớp học mầm non ở bản Son, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Ảnh: Hoàng Lam

Có người ví thời tiết ở Cao Sơn giống với vùng đất Sa Pa, Đà Lạt. Vào mùa đông, có thời điểm nhiệt độ xuống 1- 2 độ C. Những khi mưa gió, lớp học ướt đẫm, cô trò lại kéo nhau đi trú mưa. Khi trời lạnh, gió rít, môi thâm, tay cóng, cả cô trò lại ngồi sát vào nhau để tạo hơi ấm. Phòng học như thế, nên đến đồ chơi, đồ dùng học tập của các cháu cũng chỉ được thời gian ngắn là hư hỏng.

Gia đình vợ chồng anh Hà Văn Dân, chị Hà Thị Sơn có hai con nhỏ, ở cùng mẹ già là Ngân Thị Náy (gần 70 tuổi) tại bản Son. Cả gia đình 5 khẩu nhưng có 2 sào ruộng lúa (một vụ) không đủ gạo ăn cho cả gia đình trong năm, bữa đói bữa no. Hàng ngày, bà Náy đưa hai cháu nhỏ đến lớp mầm non, trưa đón về có gì ăn nấy. Cái đói, cái nghèo cứ bủa vây người dân nơi đây.

Cao Sơn chưa có điện lưới quốc gia, nên vào mùa mưa, người dân thường sử dụng điện chập chờn từ chiếc máy phát điện mini đặt ở các mó nước. Mùa khô, nguồn nước cạn kiệt, người dân phải đi lấy nước sinh hoạt từ rất xa bản. Ông Bùi Văn Phấn, bí thư chi bộ bản Son cho biết: “Bản Son có 98 hộ (417 nhân khẩu), trong đó có 25 hộ nghèo, còn lại là cận nghèo. Đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, nên chúng tôi mong Nhà nước quan tâm, xây dựng lớp học mầm non kiên cố cho bản, để các cháu nhỏ đến lớp được ấm cúng, bớt vất vả trong những ngày đông giá lạnh này”.

Khó khăn là thế, nhưng nếu có dịp ghé thăm Cao Sơn, không cần biết bạn là ai, từ đâu đến, từ trẻ nhỏ đến người già khi gặp bạn đều cười chào thân thiện, hỏi thăm bạn, hoặc mời bạn vào nhà để dùng trà, ăn tối và nghe các cụ già kể chuyện làm ấm lòng giữa Cao Sơn lạnh giá.

Ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa đang nghiên cứu để có quy hoạch về phát triển du lịch ở vùng Cao Sơn (ba bản Son, Bá, Mười ở xã Lũng Cao, huyện Bá Thước). Đây là vùng có thời tiết đặc biệt, được mọi người gọi tên là vùng Đà Lạt, Sa Pa ở Thanh Hóa.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.