Đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học 2017:

Ba nguyên tắc để không bao giờ trượt đại học

Nộp hồ sơ xét tuyển Đại học 2016. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Nộp hồ sơ xét tuyển Đại học 2016. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT, năm nay nếu thí sinh tuân thủ theo nguyên tắc 3 nhóm khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học sẽ không bao giờ bị trượt.

Ông Nghĩa cho biết: Có một số điểm mới, tôi cho rằng thí sinh cần lưu ý. Thứ nhất, năm nay, chỉ còn một cụm thi do các sở GD&ĐT chủ trì. Như vậy, thí sinh sẽ thi tại địa phương, thậm chí tại trường THPT mình đang học.

Điểm mới nữa là các môn đều thi trắc nghiệm khách quan, trừ môn Ngữ văn. Tuy nhiên, nội dung thi không thay đổi, chỉ khác hình thức thi.  Thí sinh dự thi theo bài thi. Trong đó, với thí sinh THPT có 3 bài thi bắt buộc, một bài thi tự chọn. Thí sinh Trung tâm GDXT có hai bài thi bắt buộc và một bài thi tự chọn. Điểm mới nữa là thí sinh lớp 12 không được chọn môn thi lẻ trong bài thi tổ hợp để thi, phải thi cả bài hoặc Khoa học tự nhiên, hoặc Khoa học xã hội. Còn thí sinh tự do nếu chỉ thi để lấy điểm xét tuyển ĐH thì được chọn môn thi lẻ trong bài thi tổ hợp để thi. Điểm quan trọng nữa là năm nay, đăng ký xét tuyển cùng đăng ký dự thi. Tuy nhiên, sau khi biết điểm thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng một lần trước khi các trường ĐH xét tuyển.

Theo ông, khi đăng ký xét tuyển, thí sinh cần lưu ý điều gì?

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, năm nay phiếu dự thi có hai mặt. Mặt trước là đăng ký dự thi THPT quốc gia, mặt sau là đăng ký xét tuyển sinh. Thí sinh cần cân nhắc để chọn đúng ngành, đúng tổ hợp xét tuyển phù hợp với nguyện vọng của mình và theo đúng quy chế. Tôi lưu ý một số vấn đề trong quy chế để thí sinh vận dụng.

Thứ nhất, năm nay thí sinh được đăng ký không hạn chế NV, không hạn chế số trường, số ngành. Đăng ký theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến n. Trong quy chế có quy định một điểm  cần lưu ý. Đó là xét nguyện vọng tại các trường, các ngành bình đẳng. Tức là ngành nào đó, một thí sinh đăng ký NV1, thí sinh khác đăng ký NV3, thí sinh khác nữa đăng ký NV4  thì cả ba thí sinh được xét ngang nhau, thí sinh nào điểm cao sẽ có lợi thế hơn. Tuy nhiên, trường hợp một ngành có nhiều thí sinh đăng ký, sau khi tính tiêu chí phụ mà vẫn dư thí sinh thì lúc đó, các trường mới ưu tiên NV cao hơn.

Thứ hai, Bộ cho phép đăng ký xét tuyển cùng dự thi. Nhưng sau khi có kết quả thi, từ ngày 15/7 đến 23/7 thí sinh được điều chỉnh lại  NV của mình. Tuy nhiên, về cơ bản, thí sinh nên xác định đăng ký chính xác ngay từ đầu, không phải điều chỉnh lại NV là tốt nhất.

Tức là các em sẽ phải cân nhắc như thế nào để có thể đăng ký một lần “ăn ngay”, thưa ông?

Thí sinh cần phải lưu ý một số nguyên tắc khi đăng ký xét tuyển. Thứ nhất chỉ đăng ký những gì các em yêu thích. Không nên coi đăng ký cho vui, đăng ký thử, trúng thì trúng, không trúng thì thôi. Vì sao lại như vậy? Vì năm nay, đợt 1 xét tuyển gần như các trường sẽ tuyển sinh xong. Nếu mất cơ hội trúng tuyển đợt 1, coi như thí sinh trượt ĐH. Vì vậy chỉ đăng ký vào ngành chắc chắn nếu đỗ sẽ học. Không đăng ký theo kiểu à ơi, cho xong.

Thứ hai là phù hợp với khả năng cộng với việc tham khảo điểm chuẩn các năm trước của các trường để lượng sức. Thí sinh nên chia NV của mình thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là trên tầm khả năng của mình một chút, nếu trượt cũng không tiếc. Ví dụ, khả năng đạt 24, 25 điểm thì vẫn có thể “mơ” được vào trường năm trước lấy 26 điểm.  Nhóm thứ hai là nhóm vừa sức mình nhất. Nhóm thứ ba là thấp hơn  khả năng của mình để phòng trường hợp trượt cả hai nhóm trên.  Thực hiện theo nguyên tắc 3 nhóm này thí sinh sẽ không bao giờ trượt.

Cuối cùng, ngành nào, trường nào thích nhất phải được đưa lên trên. Vì năm nay xét tuyển theo nguyện vọng ưu tiên và chỉ trúng tuyển duy nhất 1 NV như tôi đã nói ở trên.

Nếu phải điều chỉnh NV, tôi nghĩ sẽ rơi vào những trường hợp như điểm quá thấp so với NV hoặc điểm quá cao so với NV của thí sinh. Bộ cũng cho phép thí sinh được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu và khả năng của thí sinh.  Các em hoàn toàn điều chỉnh được ngành, tổ hợp, trường…

Năm nay, lần đầu tiên thí sinh làm bài thi tổ hợp 3 môn, lời khuyên của ông dành cho thí sinh?

Đối với bài thi tổ hợp: gồm 3 bài thi riêng rẽ của từng môn. Mỗi môn 40 câu thí sinh làm mỗi bài thi trong 50 phút. Điều lưu ý là ba bài thi đó, thí sinh cùng làm trên một phiếu trả lời trắc nghiệm tương ứng với 120 câu. Đặc biệt khi vào phòng thi, thí sinh phải chú ý mã đề thi của 3 môn trong bài thi tổ hợp. Mã đề thi của 3 môn thi trong một bài thi tổ hợp phải trùng nhau. Nếu nhận được đề thi có mã khác thì phải báo lại cho giám thị để điều chỉnh. Không báo, bài thi của các em sẽ bị máy tính  mặc định mã đề thi kia và sẽ tính điểm zero, tức là các em sẽ bị trượt tốt nghiệp. Do đó, thí sinh phải đặc biệt lưu ý vấn đề này.

Cảm ơn ông.

Thí sinh nên chia NV của mình thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là trên tầm khả năng của mình một chút, nếu trượt cũng không tiếc. Ví dụ, khả năng đạt 24, 25 điểm thì vẫn có thể “mơ” được vào trường năm trước lấy 26 điểm.  Nhóm thứ hai là nhóm vừa sức mình nhất. Nhóm thứ ba là thấp hơn  khả năng của mình để phòng trường hợp trượt cả hai nhóm trên.  Thực hiện theo nguyên tắc 3 nhóm này thí sinh sẽ không bao giờ trượt. 

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.