“Bắt mạch, chẩn bệnh” trường ĐH ngoài công lập

TPO - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại buổi gặp gỡ với các trường ĐH ngoài công lập (NCL) vừa qua tại Đà Nẵng.

Tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Đình Ngộ, hiệu trưởng trường ĐH Phú Xuân, tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn khoản cầu cứu Bộ trưởng tìm cách tháo gỡ các khó khăn cho trường. Trong đó, khó khăn nhất là cơ chế chính sách sử dụng đất. Trường có ba cơ sở, trong đó mới có một cơ sở có đất, còn hai cơ sở còn lại, muốn có đất phải bỏ ra số tiền khoảng 30 tỷ. 

“Với số tiền lớn thế này, chúng tôi lấy đâu ra  tiền để có đất xây trường. Mong Bộ trưởng tìm cách tháo gỡ cho các trường NCL. Đề nghị nhà nước có chính sách pháp lý cấp đất không cho các trường NCL, nếu sử dụng sai sẽ thu hồi. Đồng thời, cho các trường NCL được vay ưu đãi. Chúng tôi vừa qua nộp 7 tỷ đồng thuế, đề nghị hoàn lại số tiền này cho chúng tôi để đầu tư đội ngũ” – ông Nguyễn Đình Ngộ tha thiết.

Trong khi đó, TS.Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng ĐH Hoa Sen cho hay thời gian qua, các cán bộ, giảng viên của trường đang lo lắng trước thông tin ĐH Công nghệ TPHCM (Hutech) sẽ mua lại trường.  Tuy nhiên, ông Hồ Đắc Lộc, hiệu trưởng ĐH Hutech khẳng định không có chuyện đó.

Trước những vấn đề liên quan đến các trường ngoài công lập hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định trong quý I/2017, sẽ thành lập tổ công tác để tiến hành khảo sát toàn bộ các trường ĐH NCL về các nội dung như thực trạng của các trường, môi trường pháp lý hoạt động, mô hình cơ cấu  của các trường NCL, điều kiện thành lập trường...

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng phải tính đến cả đội ngũ giảng viên cơ hữu của những cơ sở ĐH NCL. Vì thực tế một số trường ĐH NCL không có số lượng giảng viên cơ hữu tối thiểu, không khác gì dự án đi thuê,  nên sẽ không bền vững.

“Sau khi có tất cả các dữ liệu, Bộ GD&ĐT mới biết để “bắt mạch”, “kê đơn”, mới có văn bản trình Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các trường. “Cơ thể” nào yếu quá thì không nên chữa. Còn ai chữa được là phải chữa đến cùng cho tốt lên. Không chữa được thì các trường  nên thoái vốn, cắt lỗ hoặc sát nhập” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Không mở trường công nhưng khuyến khích trường tư

Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục, trong  số 271 trường ĐH công, tư, số lượng trường ĐH ngoài công lập, dân lập không nhiều.

Bộ trưởng cũng khẳng định chủ trương của nhà nước về xã hội hóa giáo dục, khuyến khích phát triển các trường tư thục là  chủ trương đúng, nhưng thực tế từ môi trường chính sách, cơ chế đến năng lực vận hành cho đến bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, trường ĐH ngoài công lập gặp nhiều khó khăn.

Trong môi trường chung, các trường ĐH phải thực hiện theo quy định nhưng trường NCL có tính đặc thù, thì cơ chế chính sách là định hướng, chỗ dựa cho chủ đầu tư thì còn đang rất bất cập.

 “Có thực tế, rất nhiều nhà tâm huyết với giáo dục nhưng chỉ là tâm huyết cá nhân chứ không phải do môi trường đã rõ nên rất mạo hiểm. Do đó, một số trường ngoài công lập khởi đầu không kém nhưng trong quá trình làm kết cục lại rất buồn. Trước hết, với trách là người đứng đầu ngành giáo dục, tôi khẳng định Bộ  GD&ĐT phải đi tiên phong trong vấn đề tạo hành lang pháp lý, có định hướng chắc chắn, mạch lạc thực sự để các trường ĐH ngoài công lập có thể phát triển” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Chính vì vậy, Bộ trường đề nghị Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tập hợp lại những khó khăn, bất cập của các trường. Nhiệm vụ quan trọng năm 2017 là củng cố phát triển hệ thống NCL. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho hay thời gian tới  tạm đình chỉ không thành lập  trường ĐH công lập nhưng khuyến khích trường tư thành lập nếu đủ điều kiện.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.