Biển đảo vào đề thi Địa lý

Thí sinh hớn hở sau bài thi môn Địa lý.
Thí sinh hớn hở sau bài thi môn Địa lý.
TP - Ngày 3/7, kết thúc ngày thi thứ 3 với hai môn Địa lý và Hóa học, nhiều thí sinh không mấy bất ngờ với môn Địa bởi vấn đề chủ quyền biển đảo lại tiếp tục được nhắc lại trong đề thi, còn giáo viên thì cho rằng, đề thi tiếp tục hâm nóng tình yêu Tổ quốc.

Đề thi không có bất ngờ

Ghi nhận tại điểm thi trường ĐH Công nghiệp TPHCM, nhiều thí sinh mặt hớn hở ra khỏi phòng thi sau khi kết 2/3 thời gian làm bài thi. Chia sẻ với PV, thí sinh Lưu Thị Xuân Quỳnh, học sinh lớp 12 trường THPT Chơn Thành, tỉnh Bình Phước mặt vui cười nói: “Đề thi dễ quá, em làm bài mà chưa hết 2/3 thời gian đã xong rồi”.

Theo Quỳnh, “đề thi năm nay nhẹ nhàng, không có nhiều đánh đố. Bên cạnh đó, đề thi tiếp tục nói về chủ quyền biển đảo, vấn đề này được chúng em ôn luyện khá kỹ trong quá trình học nên hầu như các bạn trong phòng ai cũng ra sớm. Dự đoán bài này chắc em trên 7 điểm”, Quỳnh kể.

Cùng quan điểm đề dễ và dư thời gian để làm bài, thí sinh Trần Hoàng Huy, học sinh trường THPT Phan Văn Sáng, TPHCM cho biết, đề thi có 4 câu, trong đó câu Atlat gần như cho không điểm khi yêu cầu học sinh kể về các vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung.

“Ngoài ra, đề thi còn đề cập đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, đây là vấn đề được thầy cô ôn tập khá kỹ nên em làm bài khá tốt. Với bài thi này, em làm chắc trên 8 điểm”, Huy tự tin nói.

Trong khi đó, kết thúc môn Hóa học buổi chiều, nhiều thí sinh cho rằng đề thi tương đối khó và khó đạt được điểm cao. Phú Cường, học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM cho biết: “Đề thi tương đối khó, đặc biệt là phần hữu cơ. Đối với bài thi này, em chắc khoảng 5- 6 điểm”, Cường nói.

Còn thí sinh Lý Hòa An, học sinh trường THPT Trương Vĩnh Ký, TPHCM cho rằng: “Đề thi năm nay tương đối vừa sức, khoảng 50- 60 tương đối dễ nhưng phần câu hỏi khó cũng tương đối nhiều. Với bài thi này, chắc em từ 6- 7 điểm”, An nói.

Tình yêu biển đảo không bao giờ thừa

Nhận xét về đề thi Địa lý năm nay, ông Nguyễn Đăng Lợi, giáo viên Địa lý, trường THPT Vĩnh Viễn, quận Tân Phú, TPHCM cho biết, nội dung đề thi gần như nằm trong chương trình SGK lớp 12 và tương tự như cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT đưa ra trước đó.

Ông Lợi phân tích: “Về cấu trúc, đề thi đảm bảo hai phần gồm phần kĩ năng và kiến thức của học sinh. Về kỹ năng đó là những câu hỏi về cách sử dụng Atlat, vẽ biểu đồ. Về kiến thức, đề có những câu hỏi kiểm tra mức độ nhận biết, ví dụ như về sông ngòi Việt Nam, về nguồn nhân lực Việt Nam, vùng kinh tế…”

So sánh với đề thi đại học năm trước, theo ông Lợi, đề thi lần này có nhiều sự khác biệt. “Về lợi thế, thứ nhất, đề năm nay học sinh được mang Atlat vào phòng thi, trong khi năm trước là không được phép. Thứ hai là câu hỏi biểu đồ, đề này yêu cầu thẳng học sinh phải vẽ biểu đồ cột chồng và số liệu thống kê đều nằm sẵn trên đề thi trong khi năm trước, đề yêu cầu học sinh phải lựa chọn biểu đồ thích hợp để vẽ, đồng thời, học sinh cũng phải xử lý thông tin mới có được số liệu. Như vậy, với hai lợi thế này, học sinh trung bình vẫn có thể đạt được từ 5- 6 điểm”, ông Lợi cho biết.

Tiếp đó, ở mức độ cao hơn là thông hiểu, vận dụng, đề bắt đầu khó từ câu thứ 3 và 4. Trong đó, câu 3 là câu khó, quyết định học sinh có đạt được điểm tối đa hay không khi yêu cầu học sinh phải hiểu được thế mạnh về đặc điểm tự nhiên để phát triển công nghiệp khai thác than, dầu khí và thủy điện ở nước ta.

Về câu hỏi kinh tế biển gắn liền với tình yêu biển đảo, ông Lợi cho rằng, đây là vấn đề thời sự nên không bao giờ cũ và cần phải được hâm nóng trong mọi tình thế. “Suốt 4 năm nay, đề thi môn Địa luôn có sự xuất hiện của biển đảo nhưng mỗi lần xuất hiện là thêm một lần nữa khơi dậy tình yêu biển đảo, tình yêu tổ quốc của không chỉ thí sinh mà còn cả xã hội bởi tình yêu thì không bao giờ cũ và cần phải được hâm nóng thường xuyên, đặc biệt là tình yêu tổ quốc”, ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, với đề thi này không khó để các em học sinh đạt được điểm trung bình, điểm khá nhưng điểm tối đa thì tương đối ít.

Trong khi đó, nhận xét về Hóa, ông Nguyễn Đình Độ, Phó Hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân, TPHCM cho biết: “Đề thi năm nay có sự phân hóa cao và tương đối khó đối với học sinh”.

Thạc sĩ Phạm Thị Ngọc, cán bộ nghiên cứu Khoa Địa lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đánh giá: “Đề thi địa lý năm nay không khó, sát chương trình học và đề minh họa”. Theo thạc sĩ Phạm Thị Ngọc, với đề này, điểm 6 và 7 sẽ là mức điểm phổ biến. Những thí sinh thật sự giỏi mới đạt điểm tuyệt đối. 

Thúy An

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.